Thành phố Hồ Chí Minh: 'Chia tay' cầu xe lửa Bình Lợi 117 năm tuổi

Cầu xe lửa Bình Lợi cũ - cây cầu 117 năm tuổi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển vùng đất Sài Gòn-Gia Định và của ngành đường sắt Việt Nam sẽ được tháo dỡ.
Thành phố Hồ Chí Minh: 'Chia tay' cầu xe lửa Bình Lợi 117 năm tuổi ảnh 1Cầu xe lửa Bình Lợi hoàn thành sứ mệnh sau 117 năm. (Nguồn: KTĐT)

Cầu xe lửa Bình Lợi cũ - cây cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng và hoàn thành vào năm 1902 - sẽ được tháo dỡ do yêu cầu cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh.

Cầu xe lửa Bình Lợi dài 276m với 6 nhịp, được kết cấu vòm thép, mặt gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa.

Sau gần 120 năm được khai thác, sử dụng, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, được đánh giá mất an toàn cho việc lưu thông của các phương tiện qua cầu, đồng thời do độ thông thuyền thấp nên ảnh hưởng tới giao thông đường thủy qua sông Sài Gòn. Nhất là khi luồng sông Sài Gòn được cải tạo, nâng cấp.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông cả đường bộ, đường sắt lẫn đường thủy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có khu vực Bình Lợi, một cầu xe lửa mới đã được xây dựng.

[Đường sắt Việt Nam thêm kênh thanh toán vé tàu trực tuyến]

Cầu xe lửa Bình Lợi cũ - cây cầu 117 năm tuổi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển vùng đất Sài Gòn-Gia Định và của ngành đường sắt Việt Nam sẽ được tháo dỡ, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Cầu xe lửa mới được xây cách cầu cũ 12m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7m, có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho khổ đường 1,435m, cho phép xe lửa chạy với vận tốc 100km/h.

Cầu mới sẽ được đưa vào hoạt động trong cuối năm 2019 này.

“Chia tay” cây cầu 117 năm tuổi, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất bảo tồn nguyên trạng một phần cầu, gồm 2 nhịp cầu (trong đó có 1 nhịp quay) và một tháp canh (phía bờ sông quận Thủ Đức) nhằm lưu giữ dấu tích xưa của cầu xe lửa Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học và phục vụ du lịch.

Đồng thời, thành phố cũng cho sưu tầm, ghi hình và tiếp nhận một số cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị của cầu cũ để lưu trữ./.

(Vnews/Vietnam+)