Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương đưa vào vận hành các công trình điện

Năm 2022, EVNHCM sẽ khởi công 16 công trình và đóng điện đưa vào vận hành 14 công trình lưới điện và trạm biến áp trên địa bàn thành phố, góp phần hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa lưới điện.
Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương đưa vào vận hành các công trình điện ảnh 1Công nhân điện lực kiểm tra hệ thống vận hành trạm biến áp 110kV. (Ảnh: TTXVN)

Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu về điện cho thành phố phục vụ kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch của thành phố, EVNHCMC đang khẩn trương triển khai những phương án nhằm tăng tốc các công trình đầu tư xây dựng trong năm 2022.

Năm nay, EVNHCM sẽ khởi công 16 công trình và đóng điện đưa vào vận hành 14 công trình lưới điện và trạm biến áp trên địa bàn Thành phố.

Theo EVNHCMC, trong quý 1/2022, Tổng công ty đã hoàn thành đóng điện và đưa vào vận hành 4 công trình cải tạo Trạm biến áp 110kV Bình Triệu (quận Bình Thạnh), Trạm 110kV Tân Thuận (Quận 7), Trạm 110kV Thủ Đức Đông (thành phố Thủ Đức) và cải tạo đường dây 110kV Cát Lái-Sao Mai.

Công trình Cải tạo đường dây 110kV Cát Lái-Sao Mai có tổng mức đầu tư là 13,7 tỷ đồng, quy mô bao gồm cải tạo tuyến đường dây hiện hữu với chiều dài gần 1,6km.

Công trình được đưa vào sử dụng vào ngày 16/2, góp phần tăng cường độ tin cậy, an toàn vận hành cung cấp điện cho nhà máy ximăng Sao Mai, nâng cao độ tĩnh không nhằm đảm bảo an toàn cho các bãi tập kết, kho hàng của Khu công nghiệp Cát Lái.

Trong quý 2/2022, EVNHCMC cho biết đang nỗ lực hoàn thành toàn bộ công trình cải tạo trạm biến áp 110kV Chánh Hưng để đưa vào vận hành trước ngày 30/4.

Đây là một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với địa bàn Quận 8 và khu vực lân cận, do trạm đã được xây dựng từ năm 1963 với quy mô 3 máy biến áp có tổng công suất 120MVA, hệ thống điều khiển lâu đời không đáp ứng được nhu cầu phát triển của phụ tải trên địa bàn cũng như yêu cầu về khả năng điều khiển xa theo tiêu chí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Chính vì vậy, công trình đã được EVNHCMC đầu tư tới 135 tỷ đồng nhằm nâng cấp toàn bộ Trạm biến áp 110kV Chánh Hưng thành trạm biến áp GIS hiện đại, từ đó tăng cường độ tin cậy, ổn định, linh hoạt trong vận hành hệ thống điện, giảm sự cố và nâng cao chỉ số SAIFI-SAIDI cho lưới điện.

[Thực hiện giãn cách xã hội, tiêu thụ điện miền Nam giảm 16%]

Cũng trong quý 2/2022, EVNHCMC dự kiến khởi công 3 công trình gồm cải tạo Trạm 110kV Hỏa Xa, cải tạo nhánh rẽ 110kV Trạm Intel và cải tạo đường dây 110kV Trảng Bàng-Củ Chi.

Công trình cải tạo TBA 110kV Hỏa Xa có tổng mức đầu tư 186 tỷ đồng nhằm cải tạo trạm biến áp 110kV ngoài trời thành trạm GIS, xây dựng mới một số cột và ngầm hoá tuyến đường dây hiện hữu, dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện trong tháng 6/2023.

Còn công trình nhánh rẽ 110kV trạm biến áp Intel (cấp điện cho khu công nghệ cao - nơi tọa lạc của nhiều nhà máy của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia như Samsung, Intel…) có tổng mức đầu tư là 33,4 tỷ gồm xây dựng mới đường cáp ngầm 110kV từ trụ T17 nhánh rẽ Intel đường dây 110kV Cát Lái-Thủ Đức Đông đến trạm biến áp 110kV Intel có chiều dài đơn tuyến 0,72 km (dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện trong Quý 4/2022).

Đối với công trình cải tạo đường dây 110kV Trảng Bàng-Củ Chi có chiều dài đơn tuyến lên tới gần 4km đi qua địa bàn huyện Củ Chi dự kiến sẽ khởi công trong tháng 6 năm nay và đóng điện vận hành vào tháng 2 năm sau.

Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đúng và vượt tiến độ sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu hiện đại hoá lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cũng như tăng cường khả năng vận hành linh hoạt, an toàn của hệ thống điện thành phố, làm nền tảng đưa Thành phố Hồ Chí Minh tiến lên trở thành một đô thị ngày càng hiện đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục