Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13/12

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ tổ chức thí điểm dạy học trực tiếp và tình hình dịch COVID-19, TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.
Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13/12 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Thành phố sẽ thí điểm dạy học trực tiếp ở một số khối lớp, sau đó, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi tổ chức dạy học trực tiếp đại trà.

Cụ thể, thành phố thí điểm dạy học trực tiếp trong 2 tuần từ ngày 13-25/12 cho tất cả học sinh lớp 1, 9 và 12; trẻ mẫu giáo 5 tuổi học từ tuần thứ 2.

Riêng tại huyện Cần Giờ, các trường mầm non Thạnh An, Tiểu học Thạnh An, Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Thạnh An dạy học trực tiếp ở tất cả các khối lớp từ ngày 13/12.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ tổ chức thí điểm dạy học trực tiếp và tình hình dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế phối hợp tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, quyết định việc tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.

Trước khi học sinh đến trường học trực tiếp, các cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh, triển khai những vấn đề cần lưu ý trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức cho các em học tại trường, trước ngày 5/12.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về phòng, chống dịch trong tình hình mới, hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp...

[TP.HCM chuẩn bị các phương án phòng dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp]

Theo kế hoạch này, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện sẽ quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển trạng thái hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, theo nguyên tắc: cơ sở giáo dục bậc Trung học phổ thông hoạt động theo cấp độ dịch của Thành phố Hồ Chí Minh; các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố Thủ Đức, quận, huyện.

Các cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố vào sáng thứ Hai hằng tuần. Những trường có cơ sở vật chất tốt, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống COVID-19 sẽ ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp trước. Học sinh, giáo viên đến từ "vùng đỏ" phải xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành y tế.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, việc tận dụng tối đa khoảng thời gian học tập trực tiếp ở những địa phương, cơ sở giáo dục đủ điều kiện về an toàn phòng, chống dịch nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, giúp ổn định xã hội. Việc tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp phải đảm bảo an toàn, phù hợp tình hình dịch COVID-19.

Các cơ sở giáo dục xây dựng và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch trước ngày 3/12.

Trước khi mở cửa trường, các cơ sở giáo dục phải được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố Thủ Đức, các quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án phòng, chống dịch khi dạy học trực tiếp.

Trước đó, từ ngày 20/10, Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm cho học sinh một số khối lớp ở Trường Tiểu học Thạnh An và Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) học trực tiếp tại trường.

Đánh giá về kết quả sau thời gian tổ chức thí điểm, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tâm lý học sinh và giáo viên đều tốt, từ đó kết quả học tập của học sinh, giảng dạy của giáo viên tốt hơn.

Trên cơ sở Bộ tiêu chí an toàn trường học được thành phố ban hành, các trường đã xây dựng phương án thích ứng an toàn cho trường học. Các trường thích ứng được với việc chuyển trạng thái dạy học tập trực tiếp qua trực tuyến đối với những trường hợp F0, F1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục