Thành phố Pleiku dừng thực hiện Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9/9

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/9, thành phố Pleiku sẽ dừng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau nhiều ngày không ghi nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Thành phố Pleiku dừng thực hiện Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9/9 ảnh 1Phong tỏa điểm liên quan đến F0 tại thành phố Pleiku. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau nhiều ngày không ghi nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã thay đổi biện pháp chống dịch trong tình hình mới.

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/9, thành phố Pleiku sẽ dừng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Tuy nhiên, các sự kiện văn hóa, thể thao, sự kiện, lễ hội; các quan bar/pub, vũ trường, karaoke, các dịch vụ massage xông hơi; các điểm kinh doanh, cung cấp trò chơi điện tử, game online, các đại lý internet, rạp chiếu phim, phòng tạp gym, yoga, câu lạc bộ võ thuật, các cơ sở thẩm mỹ, spa; các điểm bán hàng ăn, cà phê, giải khát trên vỉa hè, tại các chợ đêm; các chợ cóc, chợ tự phát trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động.

Ngoài ra, các hình thức cưới tại nhà hàng; các nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo tập trung tại các cơ sở tôn giáo, các điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tiếp tục dừng hoạt động.

Chính quyền địa phương khuyến cáo các gia đình lùi thời gian tổ chức tiệc cưới sau dịch bằng hình thức báo hỷ, chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình.

Tang lễ được tổ chức gọn nhẹ, không kéo dài thời gian, đảm bảo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Dù dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai tiếp tục yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án bảo vệ vùng an toàn, triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội theo phương án “bình thường mới”; thực hiện nghiêm việc kiểm tra vùng phong tỏa, giám sát chặt vùng nguy cơ, nguy cơ cao trên địa bàn; xác định phương châm “Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”; “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch."

Các địa phương thực hiện nghiêm ngặt quy định về giãn cách, cách ly; đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân phải thiếu ăn; đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch để tin tưởng và đồng thuận cùng với hệ thống chính trị trong phòng dịch hiệu quả với phương châm "Người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch."

Các xã, phường, thị trấn chưa kiện toàn Ban Chỉ đạo, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch cần kiện toàn ngay, đồng thời ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và Sở Chỉ huy.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về công tác và hiệu quả phòng, chống dịch.

Từ ngày 28/5 đến ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 518 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (có 49 trường hợp tái dương tính); đã xuất viện 217 trường hợp, hiện có 350 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai, Bệnh viện 331, Bệnh viện Lao phổi; Bệnh viện Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng và Trung tâm Y tế huyện Ia Pa./.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 17h ngày 7/9

Trong nước:
- Số ca nhiễm: 563.676
- Số ca tử vong: 14.135, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh 11.206, Hà Nội 47.
- Số ca khỏi bệnh: 325.647
- Tiêm chủng: Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 23.577.917 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.809.234 liều, tiêm mũi 2 là 3.768.683 liều.

Thế giới:
- Số ca nhiễm: 222.903.649
- Số ca tử vong: 4.603.035
- Số ca hồi phục: 199.461.542

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục