Sáng 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với Doanh nghiệp Nhà nước trên Phạm vi Toàn quốc về Thúc đẩy Sản xuất Kinh doanh và Đầu tư Phát triển.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước; những kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm; nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, gây cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.
Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp; giải đáp các ý kiến, kiến nghị, đề ra nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.
Các đại biểu đánh giá, thực hiện lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển. Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, nhất là về thể chế, quy hoạch, đất đai, tài sản, thủ tục đầu tư, lao động tiền lương…
Các đại biểu doanh nghiệp đề nghị cần có khung pháp lý đủ mạnh để phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước nhằm phát triển kinh tế-xã hội; trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp Nhà nước; có cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị; cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước…
Đặc biệt, đề nghị có cơ chế miễn trừ trách nhiệm nếu tại doanh nghiệp Nhà nước có hạn chế, yếu kém nhỏ, không vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, trong khi kết quả tổng thể vẫn đạt hiệu quả cao…
Sau khi lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước và giải đáp của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng thời giải đáp từng phần các ý kiến của đại biểu; kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua.
Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục chung sức, đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trên tinh thần “người dân, doanh nghiệp, Nhà nước - lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp;" yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bao gồm tháo gỡ cả những vấn đề đã tích tụ nhiều năm; đưa ra các chính sách sát thực tế, mang tính khả thi và hiệu quả cao.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, dẫn dắt, tiên phong thúc đẩy tăng trưởng; đi đầu trong Đổi mới Sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để mở đường trong các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, thu hút nguồn vốn và cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đi lên từ nội lực.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan đồng hành, kề vai, sát cánh cùng doanh nghiệp; phát huy tinh thần đại đại đoàn kết, bản sắc văn hóa, đạo đức kinh doanh, tinh thần tự lực, tự cường, biến cái không thể thành có thể để đi lên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và đóng góp của doanh nghiệp để xây dựng, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu tăng cường đóng góp xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030).
Đồng thời với thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp sát với tình hình thực tế, các doanh nghiệp cần tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa đối với các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, nhất là đối với 3 đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng xác định, trong đó có các dự án cao tốc, dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, dự án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội…
“Các doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời phản ánh; tăng tương tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, trong đó nên có cơ chế gặp gỡ định kỳ để trao đổi, lắng nghe, chia sẻ, rút ra bài học, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh," Thủ tướng nhắc nhở.
[Hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước Toàn quốc]
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, sát thực tế; bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tạo động lực, truyền cảm hứng để đóng góp tích cực cho sự phát triển.
Cùng với đề cao đạo đức doanh nhân, trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước phải chăm lo, cải thiện đời sống cho công nhân, người lao động và các chủ thể liên quan đến doanh nghiệp; cùng nhau và cùng các cơ quan Nhà nước xây dựng thương hiệu, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia; khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước, nhất là với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN…
Các doanh nghiệp cần cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm; cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với các ngành mới nổi như: kinh tế số, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nhất là người đứng đầu), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không quá máy móc mà phải linh hoạt, sáng tạo để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, cùng phát triển; ngân hàng phải thực sự là trụ đỡ có hiệu quả của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước.
Các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sử đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp phù hợp với tình hình và tháo gỡ được rào cản, khởi thông, thúc đẩy phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn triển khai nghiên cứu, sản xuất hoạt động trong một số lĩnh vực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững; hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu.
Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hoàn thiện các quy định về thực hiện thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc, góp phần phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, miền, địa phương và đóng góp ngày một tốt hơn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức; động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp," Thủ tướng mong muốn sau hội nghị này, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ có thêm nhiều "món quà" tặng cho đất nước, nhân dân./.