Thảo luận về Luật Hợp tác xã, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong ngày làm việc 10/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)..
Thảo luận về Luật Hợp tác xã, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu. (Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, sáng 10/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Việc sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.

[Tạo thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển hiệu quả]

Bên cạnh đó, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 12 chương, 111 điều, trong đó: bãi bỏ 3 điều, sửa đổi 65 điều, bổ sung 49 điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012, bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội thông qua.

Các nội dung chính trong dự thảo Luật gồm hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Trong phiên làm việc chiều 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Dự án Luật gồm 7 chương, 80 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục