Dù được quảng bá rầm rộ, đồng thời là một món quà mà các nhà làm phim dành cho Thành Long nhân bộ phim thứ 100 của siêu sao này, song “1911” đã gây thất vọng cho người xem bởi tính tuyên truyền quá nặng, lấn át mọi yếu tố khác.
Ngoài sự xuất hiện của Thành Long, “1911” còn có dàn diễn viên hùng hậu với Lý Băng Băng, Hồ Ca, Triệu Văn Tuyên... cùng nhiều diễn viên danh tiếng khác của nền điện ảnh Hoa ngữ trong các vai phụ. Bộ phim ra đời để chào mừng kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng Tân Hợi nhằm lật đổ triều đình phong kiến Mãn Thanh, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng chính vì mục đích ấy mà “1911” giống một bộ phim tài liệu mang tính chất tuyên truyền hơn là một tác phẩm điện ảnh thực sự.
Trong phim, Triệu Văn Tuyên thủ vai Tôn Trung Sơn, người lãnh đạo cuộc Cách mạng Tân Hợi còn Thành Long thủ vai chiến hữu Hoàng Hưng. Người đẹp Lý Băng Băng tham gia bộ phim trong vai Từ Tông Hân, người vợ của Hoàng Hưng, ban đầu chỉ là vợ chồng hờ nhằm che mắt quân triều đình song về sau giữa hai người đã nảy sinh tình cảm.
Sau 47 năm gắn bó với môn nghệ thuật thứ 7, nổi danh qua những vai hành động-hài, giờ đây khi bước vào độ tuổi xế chiều, Thành Long đã có sự thay đổi phong cách diễn xuất khi tham gia vào những bộ phim có chiều sâu hơn cũng như có sự phá cách về tạo hình trên màn ảnh. Nếu như người xem từng quen thuộc với một Thành Long võ nghệ đầy mình và hài hước, luôn có thể tạo ra những tràng cười từ phía khán giả thì trong “1911,” ông xuất hiện vẻ vẻ đầy thô ráp, kham khổ, đúng với bối cảnh lịch sử bấy giờ.
Tuy nhiên, nếu bạn là người hâm mộ của Thành Long và trông chờ sẽ có nhiều cảnh chiến đấu cận chiến của ông như thời đỉnh cao thì hẳn sẽ phải thất vọng khi xem phim “1911,” bởi tuy là bộ phim thứ 100 đầy ý nghĩa với diễn viên này song đất diễn của ông lại bị xé nhỏ đi quá nhiều, giống như các tình tiết của chính bộ phim.
Những nhà biên kịch Trung Quốc dường như đã quá tham lam, muốn nhét trọn mọi chi tiết của cuộc cách mạng Tân Hợi vào phim nên đã nhồi nhét quá nhiều nhân vật, khiến cho người xem chưa kịp nhớ mặt thuộc tên những nhân vật trên màn ảnh đã lại tiếp một đợt nhân vật mới. Các sự kiện lịch sử được trải dài khắp phim như một mê cung, và khi mà thời lượng 2 tiếng của phim không đủ thì các nhà làm phim vẫn quyết định kể lại lịch sử bằng những câu thoại dài dằng dặc như sách giáo khoa, xuất hiện liên tục từ đầu phim, khiến cho với những khán giả nước ngoài và không hiểu biết nhiều về lịch sử Trung Hoa sẽ cảm thấy như đang lạc vào mê hồn trận.
Những kỹ xảo được sử dụng trong phim rất hoành tráng, đặc biệt là các hiệu ứng cháy nổ trên chiến trận, nhưng cũng như phần kịch bản rườm rà vô hồn, các trận đánh trên phim cũng vô cùng rời rạc, thiếu đi chất kết dính cũng như điểm nhấn cần có trong một bộ phim lịch sử khiến cho người xem cảm thấy vô cùng khó hiểu. Các nhân vật trong phim hầu như không được khai thác sâu hay đột phá so với những gì khán giả từng biết qua lịch sử hay các bộ phim truyền hình Trung Quốc. Ngay cả mối tình giữa Hoàng Hưng và Từ Tông Hán cũng chỉ được diễn tả một cách hời hợt, khó mà khiến cho người xem có thể tin về tình cảm nảy sinh giữa họ khi thời lượng 2 người cùng xuất hiện riêng trên màn ảnh là quá ít và thiếu sức thuyết phục.
Chính vì vậy, “1911” cũng nằm trong dòng phim mang nặng tính tuyên truyền của điện ảnh Hoa ngữ trong thời gian gần đây. Do đó, với những người yêu ngôn ngữ điện ảnh hay muốn đến rạp để giải trí thì “1911” hẳn không phải là một lựa chọn khôn ngoan.
"1911" không chỉ là phim thứ 100 của Thành Long mà còn là một trong số ít phim do chính ông đạo diễn. Phim có kinh phí lên tới 30 triệu USD, phát hành tại Trung Quốc đại lục từ hôm 23/9 và công chiếu tại Mỹ từ 7/10. "1911" được chọn làm phim chiếu mở màn cho Liên hoan phim Tokyo 2011. |