Lớp học vùng cao sau mỗi kỳ nghỉ Tết, nghỉ hè thường vắng bóng những mái tóc tơ loe xoe vàng, những đôi chân gầy guộc lem luốc, những ánh mắt ngơ ngác, hồn nhiên... Sân trường không còn bụi tung mù trời như bao ngày trước đó mà im ắng hơn, chỉ có tiếng chim là vẫn mê mải ríu ran.
Đó cũng là thời vất vả nhất với các thầy cô giáo cắm bản vùng cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai, như các thầy cô giáo tại trường Trung học cơ sở Sảng Ma Sáo, của xã sát biên giới Việt-Trung thuộc huyện Bát Xát. Ở đây, thầy cô muốn “gieo chữ” phải tìm đến tận nhà học sinh để vận động các em trở lại trường.
Giá như mỗi nóc nhà chẳng cách nhau đến cả quả đồi, quả núi; giá như trời nắng ráo để đường không lầy trơn; giá như chẳng có khoảng cách về tập quán, ngôn ngữ... thì chặng đường của thầy cô đã bớt gian nan!
Gian nan giúp trò thoát... hủ tục
Tiết giảng cuối cùng tại lớp học 7B của thầy La Văn Liêm, Trường Trung học cơ sở Sảng Ma Sáo chỉ còn chưa đến chục học sinh. “Có từng này học sinh là may mắn lắm rồi các anh chị ạ,” thầy Liêm giãi bày với “khách.”
Bốn năm gắn bó với trường cũng là chừng ấy thời gian thầy phải vận động học sinh tới trường. Thầy Liêm nhớ lại kỷ niệm với một học sinh “cá biệt” là Vừ A Tủa ở thôn Nhù Cù San khoảng ba năm trước. Nhà Tủa có hai anh em, một mình mẹ đi làm nương nuôi hai con ăn học lại đèo bòng thêm cả ông chồng nghiện cùng bà mẹ già yếu.
Thầy Liêm nhiều lần phải đến tận nhà Tủa nhưng mỗi khi nghe tiếng xe máy của thầy Tủa lại trốn biệt ra sau núi. Phải đến lần thứ sáu, thầy Liêm mới gặp được học sinh của mình. “Bắt” được học sinh đã khó, vận động học sinh đến trường lại càng khó hơn.
Trưởng thôn đã phải hỗ trợ 50 kg thóc cho Tủa mang đi ăn học, còn thầy Liêm thì tình nguyện cùng ăn, cùng ngủ với gia đình học trò, vừa tâm sự vừa làm công tác “tư tưởng” cho phụ huynh cuối cùng mới kéo được Tủa đến lớp.
Xã Sảng Ma Sáo có tới 82% số hộ trên địa bàn xã thuộc diện nghèo nên nhiều học sinh không đến trường vì bố mẹ muốn các em ở nhà làm nương giúp gia đình, như trường hợp em Lý Thị Sài, học sinh lớp 6C ở thôn Mà Mù Sử 2.
“Leo bộ gần 6km mất nửa ngày mới tới nhà em Sài vì đường núi không đi được xe máy,” cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu nói. Và, khi tìm được nhà học trò thì cô Thu không khỏi xót lòng trước cảnh tượng, trong căn nhà lụp xụp tối tăm, leo lét ánh sáng từ bếp củi đang cháy dở hắt lên, Sài vừa bế đứa em còn đỏ hỏn trên tay vừa phải trông đứa em mới lẫm chẫm biết đi.
Đang là mùa đông mà cả ba chị em tím tái trong tấm áo mỏng sờn mốc, mũi dãi lòng thòng. Nhà đã nghèo lại có đến sáu miệng ăn nên Sài không muốn đến lớp vì em muốn ở nhà để trông em và lên rẫy giúp mẹ...
Đặc biệt, có không ít nữ học sinh đến tuổi 14, 15 nhất định không chịu đến lớp mà đòi ở nhà để… lấy chồng như em Tráng Thị Sài, học sinh lớp 8C. Cũng phải không dưới chục lần đi lại nhà phụ huynh, cô giáo Thu mới giúp học trò thoát hủ tục “tảo hôn,” từ bỏ ý định lấy chồng để trở lại lớp học.
Dựng lều “gieo chữ”...
“Do phong tục ăn Tết kéo dài của người Mông cộng với tục tảo hôn, điều kiện kinh tế khó khăn… khiến cho nhiều học sinh không đến trường. Khi các thầy cô giáo đến tận nhà vận động thì nhiều phụ huynh thường tránh nói chuyện bằng cách trả lời một câu tiếng Mông: ‘Chi pân’ [nghĩa là không biết tiếng Kinh - PV].
Tuy nhiên, đến thời điểm này số lượng học sinh của toàn trường giảm đi không nhiều so với trước Tết là nhờ công tác vận động không mệt mỏi của các thầy cô giáo,” Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Sảng Ma Sáo Vi Hoài Thanh cho biết.
Vận động học sinh đã khó khăn, cuộc sống của các thầy cô cắm bản còn khó khăn hơn nhiều. Khu nhà ở cho giáo viên và cán bộ quản lý cũng chỉ là những chiếc lán dựng tạm bợ, lỏng lẻo bằng cót ép, lợp mái prôxi-măng ngay bên hông khuôn viên trường.
Trong “căn lều” hơn 10m2 là gia đình cô giáo Nguyễn Thị Thu và con trai mới tròn tuổi. Hàng xóm cạnh đó là vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Minh vừa sinh con nhỏ, bố chồng cô cũng phải từ Tuyên Quang lên đây trông cháu cho con lên lớp… Khó khăn là thế nhưng nhiều giáo viên nơi đây vẫn miệt mài gắn bó với thôn bản hàng chục năm rồi.
“Mong ước của những thầy cô giáo vùng cao như chúng mình là mỗi ngày lại được ghi lên tấm bảng ‘Sĩ số: vắng... 0’,” cô giáo Minh tâm sự trước khi chia tay chúng tôi./.
Đó cũng là thời vất vả nhất với các thầy cô giáo cắm bản vùng cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai, như các thầy cô giáo tại trường Trung học cơ sở Sảng Ma Sáo, của xã sát biên giới Việt-Trung thuộc huyện Bát Xát. Ở đây, thầy cô muốn “gieo chữ” phải tìm đến tận nhà học sinh để vận động các em trở lại trường.
Giá như mỗi nóc nhà chẳng cách nhau đến cả quả đồi, quả núi; giá như trời nắng ráo để đường không lầy trơn; giá như chẳng có khoảng cách về tập quán, ngôn ngữ... thì chặng đường của thầy cô đã bớt gian nan!
Gian nan giúp trò thoát... hủ tục
Tiết giảng cuối cùng tại lớp học 7B của thầy La Văn Liêm, Trường Trung học cơ sở Sảng Ma Sáo chỉ còn chưa đến chục học sinh. “Có từng này học sinh là may mắn lắm rồi các anh chị ạ,” thầy Liêm giãi bày với “khách.”
Bốn năm gắn bó với trường cũng là chừng ấy thời gian thầy phải vận động học sinh tới trường. Thầy Liêm nhớ lại kỷ niệm với một học sinh “cá biệt” là Vừ A Tủa ở thôn Nhù Cù San khoảng ba năm trước. Nhà Tủa có hai anh em, một mình mẹ đi làm nương nuôi hai con ăn học lại đèo bòng thêm cả ông chồng nghiện cùng bà mẹ già yếu.
Thầy Liêm nhiều lần phải đến tận nhà Tủa nhưng mỗi khi nghe tiếng xe máy của thầy Tủa lại trốn biệt ra sau núi. Phải đến lần thứ sáu, thầy Liêm mới gặp được học sinh của mình. “Bắt” được học sinh đã khó, vận động học sinh đến trường lại càng khó hơn.
Trưởng thôn đã phải hỗ trợ 50 kg thóc cho Tủa mang đi ăn học, còn thầy Liêm thì tình nguyện cùng ăn, cùng ngủ với gia đình học trò, vừa tâm sự vừa làm công tác “tư tưởng” cho phụ huynh cuối cùng mới kéo được Tủa đến lớp.
Xã Sảng Ma Sáo có tới 82% số hộ trên địa bàn xã thuộc diện nghèo nên nhiều học sinh không đến trường vì bố mẹ muốn các em ở nhà làm nương giúp gia đình, như trường hợp em Lý Thị Sài, học sinh lớp 6C ở thôn Mà Mù Sử 2.
“Leo bộ gần 6km mất nửa ngày mới tới nhà em Sài vì đường núi không đi được xe máy,” cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu nói. Và, khi tìm được nhà học trò thì cô Thu không khỏi xót lòng trước cảnh tượng, trong căn nhà lụp xụp tối tăm, leo lét ánh sáng từ bếp củi đang cháy dở hắt lên, Sài vừa bế đứa em còn đỏ hỏn trên tay vừa phải trông đứa em mới lẫm chẫm biết đi.
Đang là mùa đông mà cả ba chị em tím tái trong tấm áo mỏng sờn mốc, mũi dãi lòng thòng. Nhà đã nghèo lại có đến sáu miệng ăn nên Sài không muốn đến lớp vì em muốn ở nhà để trông em và lên rẫy giúp mẹ...
Đặc biệt, có không ít nữ học sinh đến tuổi 14, 15 nhất định không chịu đến lớp mà đòi ở nhà để… lấy chồng như em Tráng Thị Sài, học sinh lớp 8C. Cũng phải không dưới chục lần đi lại nhà phụ huynh, cô giáo Thu mới giúp học trò thoát hủ tục “tảo hôn,” từ bỏ ý định lấy chồng để trở lại lớp học.
Dựng lều “gieo chữ”...
“Do phong tục ăn Tết kéo dài của người Mông cộng với tục tảo hôn, điều kiện kinh tế khó khăn… khiến cho nhiều học sinh không đến trường. Khi các thầy cô giáo đến tận nhà vận động thì nhiều phụ huynh thường tránh nói chuyện bằng cách trả lời một câu tiếng Mông: ‘Chi pân’ [nghĩa là không biết tiếng Kinh - PV].
Tuy nhiên, đến thời điểm này số lượng học sinh của toàn trường giảm đi không nhiều so với trước Tết là nhờ công tác vận động không mệt mỏi của các thầy cô giáo,” Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Sảng Ma Sáo Vi Hoài Thanh cho biết.
Vận động học sinh đã khó khăn, cuộc sống của các thầy cô cắm bản còn khó khăn hơn nhiều. Khu nhà ở cho giáo viên và cán bộ quản lý cũng chỉ là những chiếc lán dựng tạm bợ, lỏng lẻo bằng cót ép, lợp mái prôxi-măng ngay bên hông khuôn viên trường.
Trong “căn lều” hơn 10m2 là gia đình cô giáo Nguyễn Thị Thu và con trai mới tròn tuổi. Hàng xóm cạnh đó là vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Minh vừa sinh con nhỏ, bố chồng cô cũng phải từ Tuyên Quang lên đây trông cháu cho con lên lớp… Khó khăn là thế nhưng nhiều giáo viên nơi đây vẫn miệt mài gắn bó với thôn bản hàng chục năm rồi.
“Mong ước của những thầy cô giáo vùng cao như chúng mình là mỗi ngày lại được ghi lên tấm bảng ‘Sĩ số: vắng... 0’,” cô giáo Minh tâm sự trước khi chia tay chúng tôi./.
ChiLê (Vietnam+)