Ngày 16/6 chính thức đã được Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) chọn là Ngày không tiền mặt hàng năm.
Ngày không tiền mặt lần đầu tiên năm nay hàng loạt ngân hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm, giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt và được hưởng hàng loạt ưu đãi từ hoàn tiền, giảm giá, miễn phí vận chuyển, tặng voucher.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính.
[Infographics] Những lợi ích của xã hội không dùng tiền mặt
Với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội, như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn. Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt...
Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm; cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng-tài chính tới mọi người dân.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt sang sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức thanh toán điện tử.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, bên cạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán; tăng cường an ninh, bảo mật, đảm bảm quyền lợi của khách hàng; cũng như triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh truyền thông phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng nội dung, phối hợp thực hiện các chương trình giáo dục tài chính được dư luận đánh giá cao như “Tiền khéo tiền khôn,” “Những đứa trẻ thông thái,” cuộc thi “Hiểu đúng về tiền,” “Đồng tiền thông thái”...
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong năm tháng đầu năm 2019 tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán phát triển mạnh mẽ, nhất là các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghê thông tin và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động cũng phát triển.
Đến 31/3, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng khoảng 66%, giá trị giao dịch tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng khoảng 98%, giá trị giao dịch tăng khoảng 232,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Phạm Tiến Dũng cũng cho biết các ngân hàng đã đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, đẩy mạnh các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng, quyền lợi người dùng. Đây là điều mà các cơ quan quản lý của Việt Nam đang và sẽ lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt./.