Thấy gì qua việc Trung Quốc bổ nhiệm Đại sứ mới tại Mỹ?

Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung hiện nay, ưu tiên của ông Tần Cương sau khi nhậm chức là bày tỏ quan điểm của Trung Quốc và yêu cầu Mỹ thay đổi hướng giải quyết các vấn đề.
Thấy gì qua việc Trung Quốc bổ nhiệm Đại sứ mới tại Mỹ? ảnh 1Ông Tần Cương, Đại sứ mới của Trung Quốc tại Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 29/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã xác nhận Thứ trưởng Ngoại giao Tần Cương được bổ nhiệm làm Đại sứ mới của Trung Quốc tại Mỹ và chúc ông "mọi điều tốt đẹp nhất."

Ông Tần Cương đến New York (Mỹ) vào chiều 28/7 vừa qua theo giờ địa phương.

Tin tức về việc ông Tần Cương được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ được đưa ra 2 ngày sau chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Trung Quốc và cuộc gặp với các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Các nhà phân tích nhận định rằng trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung hiện nay, ưu tiên của ông Tần Cương sau khi nhậm chức là bày tỏ quan điểm của Trung Quốc và yêu cầu Mỹ thay đổi hướng giải quyết các vấn đề hiện tại trong quan hệ song phương. Ông Tần Cương cũng được cho là sẽ quản lý và kiểm soát mâu thuẫn giữa hai nước để tránh làm các mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ xấu thêm.

Ông Tần Cương sẽ thay ông Thôi Thiên Khải, người đã đảm nhận chức Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ trong 8 năm. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết việc bổ nhiệm một nhà ngoại giao có kinh nghiệm cho công việc có nhiều đòi hỏi cao cho thấy Trung Quốc rất coi trọng vị trí này, vì quan hệ với Mỹ đang phức tạp.

Trước khi được bổ nhiệm, Tần Cương, 55 tuổi, giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2018. Tần Cương đã giữ một số vai trò quan trọng kể từ khi vào Bộ Ngoại giao năm 1988. Ông từng là Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh và Vụ trưởng Vụ Thông tin và Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Tần Cương đã tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nhiều chuyến công du nước ngoài trong vài năm qua.

Lỗ Hướng, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng việc làm "Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ không bao giờ là một công việc dễ dàng và trong những năm gần đây công việc này ngày càng trở nên đầy thách thức và áp lực."

Theo chuyên gia Lỗ Hướng, Thôi Thiên Khải đã phục vụ ở vị trí này trong một thời gian rất dài và bây giờ đã đến lúc phải cử một người mới.       

Các chuyên gia phân tích Trung Quốc cho biết vị trí đại sứ tại Mỹ đóng một vai trò rất quan trọng và công việc này vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi Mỹ hiện coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của mình, và hình ảnh của Trung Quốc tại Mỹ đã bị “đầu độc” bởi tâm lý chống Trung Quốc, đặc biệt là kể từ thời chính quyền ông Trump.   

Chuyên gia Lỗ Hướng cho rằng ông Tần Cương là người thích hợp nhất để thay thế ông Thôi Thiên Khải, vì tân đại sứ cần phải có kinh nghiệm và thâm niên, đồng thời có khả năng làm việc dưới áp lực nặng nề. Theo chuyên gia này, ông Tần Cương có thể bảo vệ những lợi ích của Trung Quốc trên đất Mỹ.

Ông Lỗ Hướng nói thêm: “Quan trọng hơn, ông Tần Cương từng tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiều sự kiện ngoại giao và các chuyến thăm nước ngoài, vì vậy ông ấy đang ở gần cấp ra quyết định và có thể nhìn nhận các mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ cùng các vấn đề đối ngoại của Trung Quốc từ một góc độ cao hơn và lớn hơn."  

[Trung Quốc và Mỹ mong muốn đối thoại thường xuyên, xóa bỏ hiểu lầm]

Các chuyên gia phân tích cho biết ông Tần Cương được biết đến rộng rãi với phong cách ngoại giao cứng rắn và những bình luận đáp trả một cách dí dỏm khi còn là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2005-2010. Sự bộc trực của ông thể hiện một hình ảnh cứng rắn trong ngoại giao Trung Quốc. 

Trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Mỹ, ông Tần Cương phụ trách giám sát các vấn đề đối ngoại của Trung Quốc với châu Âu. Hồi tháng Ba vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Tần Cương khi đó đã triệu Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc để trao công hàm phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của EU chống lại Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Tân Cương và thông báo cho đại diện của EU về các biện pháp đối phó của Trung Quốc.

Tháng 8/2020, ông Tần Cương đã triệu Đại sứ Cộng hòa Séc tại Trung Quốc Vladimir Tomsik để trao công hàm phản đối mạnh mẽ chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil đến đảo Đài Loan.

Trước đó, ông cũng từng giải quyết các vấn đề ngoại giao liên quan đến Mỹ. Vào tháng 12/2019, ông Tần Cương đã triệu William Klein, lúc đó là Tham tán Công sứ tại Đại Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, về việc Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật về Tân Cương.  

Ngay khi đến New York, tân Đại sứ Trung Quốc đã có những phát biểu lạc quan. Ông chúc Mỹ chiến thắng đại dịch COVID-19 và nói rằng quan hệ song phương Trung-Mỹ có những tiềm năng to lớn đang ở phía trước.

Phát biểu với các phóng viên từ nơi ở của mình tại Mỹ, ông nói: “Tôi tin chắc rằng cánh cửa của mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ, vốn đã được mở ra, không thể và không nên bị đóng lại. Mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ đã đi đến một giai đoạn quan trọng mới, không chỉ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mà còn có những cơ hội và tiềm năng to lớn.” Ông nói thêm rằng các mối quan hệ vẫn tiếp tục tiến lên "bất chấp những khó khăn và khúc mắc.”

Tờ Wall Street Journal đưa tin hồi tháng Tư rằng Mỹ dự kiến sẽ bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Vị trí này đã bị bỏ trống trong gần 11 tháng kể từ khi Đại sứ Terry Branstad rời vị trí vào tháng 9/2020.

Giới quan sát cho rằng, với việc Trung Quốc và Mỹ đều cử đại sứ mới, hai nước đang có kế hoạch thiết lập một giai đoạn mới trong các mối quan hệ song phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục