Thay thế cây phong lá đỏ: Tham vấn kỹ để tránh lặp lại sai lầm

Liên quan đến việc thay thế cây phong lá đỏ tại tuyến đường Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh, giới chuyên gia cho rằng Hà Nội cần lấy ý kiến cộng đồng và các nhà khoa học, tránh lặp lại sai lầm...
Hàng cây phong lá đỏ trên tuyến đường Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh khẳng khiu, héo khô, không có lá. (Ảnh: Hùng Nguyễn/Vietnam+)
Hàng cây phong lá đỏ trên tuyến đường Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh khẳng khiu, héo khô, không có lá. (Ảnh: Hùng Nguyễn/Vietnam+)

Cây phong lá đỏ ở nhiều vùng đang trong mùa sinh trưởng tốt nhưng tại tuyến đường Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh, cây vẫn trơ trụi lá, nhiều cây khẳng khiu như cành củi khô, thậm chí nhiều cây đã chết. Đến nay, sau 3 năm trồng thử nghiệm nhưng thất bại, Hà Nội dự kiến sẽ thay thế toàn bộ hàng cây có nguồn gốc ngoại nhập bằng cây khác phù hợp hơn trước ngày 30/4-1/5.

Tuy nhiên, để tránh lặp lại sai lầm, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Hà Nội cần lấy ý kiến của cộng đồng và các nhà khoa học, để chọn cây trồng phù hợp và phát triển tốt, vừa tạo được cảnh quan cho đô thị vừa góp phần "điều hòa không khí" cho Thủ đô.

Cây phong lá đỏ héo khô giữa Thủ đô

Nhìn lại 3 năm trước, nhiều người dân Hà Nội hy vọng hàng cây phong lá đỏ phát triển, tỏa bóng mát vào mùa hè nắng chói chang của “xứ nhiệt đới” và háo hức chờ đợi lá loài cây này đem màu sắc mới lạ tới Thủ đô.

Hàng phong lá đỏ được trồng năm 2018, nằm trong chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh do ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lúc đó) phát động. Thời điểm đó, ông Chung hy vọng hơn 300 cây phong lá đỏ trên sẽ đóng góp tích cực vào việc cải thiện cảnh quan, môi trường Thủ đô. Ông cũng tin tưởng rằng “một năm nữa chúng ta có thể thấy việc nhiệt đới hóa những cây phong lá đỏ mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu.”

Vậy nhưng, sau một thời gian dài tốn công sức chăm sóc, chờ đợi với nhiều lần “chết đi sống lại,” cây phong lá đỏ đã phụ công người. Tới đây Hà Nội sẽ buộc phải thay thế bằng loại cây khác có khả năng thích nghi với môi trường tốt hơn.

[Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất: Gieo "hạt giống" cho một tương lai tươi sáng]

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, Chủ tịch Hội Công viên xây xanh Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng phong lá đỏ là một loại cây ôn đới, quen sống trong khí hậu lạnh, không thể thích nghi với môi trường đô thị nhiệt đới nắng nóng, mưa nhiều. Tuy nhiên, trước khi trồng cây phong lá đỏ, đơn vị trồng đã không nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, khí hậu tại Hà Nội nên thất bại (cây chết) là điều tất yếu.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 262 cây phong trồng trên 2 tuyến đường của Hà Nội do Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường tặng và được trồng từ năm 2018, tuyến Nguyễn Chí Thanh có 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng 143 cây. Đến nay đã có 45 cây chết, còn lại hơn 200 cây sống nhưng sinh trưởng và phát triển kém, thường xuyên ghi nhận tình trạng héo lá; cành, nhánh khô và sâu bệnh.

Thay thế cây phong lá đỏ: Tham vấn kỹ để tránh lặp lại sai lầm ảnh 1Hàng cây phong lá đỏ sống lay lắt trên tuyến phố Hà Nội. (Ảnh: Hùng Nguyễn/Vietnam+)

Loại cây thay thế được Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất là cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây khoảng từ 10-15cm, cao 6-8m, hoặc trồng đan xen giữa bàng lá nhỏ và cọ dầu đường kính 40-60cm, cao khoảng 2m. Việc trồng cây thay thế sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021.

Đối với cây phong lá đỏ trồng thử nghiệm nhưng thất bại, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố dự kiến sẽ trả lại toàn bộ cho Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường. Mặt khác, vì số cây này được tặng để trồng thử nghiệm nên lãnh đạo Sở Xây dựng, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội và Công ty Tân Đại Đường sẽ làm việc trực tiếp về hướng xử lý. Các đơn vị sẽ đánh giá chi tiết khả năng sinh trưởng của từng cây và đưa ra phương án phù hợp.

Về kinh phí di chuyển cây phong lá đỏ, phía Sở Xây dựng dự kiến thực hiện bằng nguồn kinh phí của cơ quan này và Công ty Tân Đại Đường. Kinh phí trồng cây mới sẽ được chi từ nguồn sự nghiệp kinh tế của thành phố, nằm trong 10% chi phí dự phòng theo địa bàn giao Công ty Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện.

Khi được hỏi về kế hoạch thay thế, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết hiện vẫn đang phối hợp với các bên thông nhất kế hoạch, dự kiến sẽ làm trước ngày 30/4-1/5. Còn loại cây nào sẽ chính thức được chọn thì ông từ chối trả lời.

Đừng để lặp lại bài học chặt hạ cây xanh

Là người gắn bó hơn 20 năm với công việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường trên địa bàn Hà Nội, ông Lương Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Thủ đô cho rằng việc thay thế cây phong lá đỏ tại tuyến phố Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh bằng loại cây phù hợp hơn là cần thiết.

Tuy nhiên, ông Hùng đặc biệt lưu ý với việc thay thế cây xanh lần này, chính quyền thành phố Hà Nội cần phải lấy ý kiến của cộng đồng, nhất là các nhà khoa học. Việc này cần phải thực hiện khách quan, minh bạch, hiệu quả, tránh để lặp lại câu chuyện đáng tiếc như vụ việc chặt hạ cây xanh trước đây - chặt hạ cây xong mới lấy ý kiến cộng đồng. 

Thay thế cây phong lá đỏ: Tham vấn kỹ để tránh lặp lại sai lầm ảnh 2Theo giới chuyên gia, trước khi thay thế cây cần tham vấn ý kiến cộng đồng và các nhà khoa học. (Ảnh: Hùng Nguyễn/Vietnam+)

Có chung quan điểm, giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng sau thời gian trồng thử nghiệm cây phong trên tuyến đường Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh cho thấy Hà Nội đã thất bại trong việc trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ. Do đó, thay thế cây phong lá đỏ bằng một loại cây khác để đảm bảo mỹ quan đô thị là điều cần thiết.

Tuy nhiên, ông Đăng cũng lưu ý rằng việc trồng cây gì để thay cho phong lá đỏ, cần được nghiên cứu kỹ lương thông qua góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học.

Nhắc lại thời điểm trồng cây phong lá đỏ trên tuyến phố này vào đầu năm 2018, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết thời điểm ấy ông đã có ý kiến không tán thành việc này bởi “chúng ta chưa có bất cứ tài liệu nào thử nghiệm trồng cây phong lá đỏ tại các vùng đô thị như Hà Nội.” Nhưng Hà Nội vẫn trồng thử nghiệm và đã thất bại…

Từ bài học nêu trên, ông Lung tiếp tục lưu ý về việc thay thế cây phong lá đỏ bằng cây bàng lá nhỏ. Theo ông Lung, mặc dù cây bàng lá nhỏ là cây đã được trồng nhiều tuyến phố tại Hà Nội, nhưng việc trồng cây phải có tiêu chuẩn phù hợp với đô thị vì vậy cần xem xét kỹ. Các phương án cần được nghiên cứu, thí điểm và có đánh giá một cách cụ thể để hiệu quả nhất mà không gây lãng phí, tốn kém../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục