Đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đã giảm 18% trong năm 2016.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Tập đoàn Bloomberg (BNEF), nguyên nhân khiến nguồn đầu tư này giảm là do giá trang thiết bị giảm mạnh, cùng với sự giảm tốc của hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản, khiến nguồn đầu tư vào các loại năng lượng tái tạo giảm đáng kể.
BNEF cho biết sau khi đạt mức kỷ lục vào năm 2015, mức đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đã giảm còn 287,5 tỷ USD trong năm 2016.
Cụ thể, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này đã giảm 26% từ 119,1 tỷ USD xuống còn 87,8 tỷ USD, trong khi Nhật Bản giảm 43% xuống còn 22,8 tỷ USD. Tại Mỹ, đầu tư vào năng lượng tái tạo giảm 7% xuống còn 58,6 tỷ USD, Canada giảm 46% xuống còn 2,4 tỷ USD.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 47% nguồn đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu, giảm 26% xuống còn 135 tỷ USD.
Chỉ có Ấn Độ, mức đầu tư vào lĩnh vực này vẫn duy trì bằng mức năm 2015 là 9,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất chấp xu hướng giảm trên toàn thế giới, châu Âu có mức đầu tư vào năng lượng tái tạo nhiều hơn, tăng 3% lên 70,9 tỷ USD, trong đó Anh dẫn đầu trong năm thứ 3 liên tiếp với mức đầu tư tăng 2%, lên 25,9 tỷ USD.
Giám đốc khu vực châu Á của BNEF, Justin Wu cho rằng sau khi tăng mức đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch với một số khoản trợ cấp "hào phóng" nhất thế giới, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang chuyển hướng, giảm đầu tư vào các dự án mới với quy mô lớn và phân loại dự án đang thực hiện.
Theo ông Justin Wu, các chính phủ đang tập trung đầu tư vào hệ thống truyền tải điện, cũng như cải cách thị trường điện năng để nguồn năng lượng tái tạo có thể phát huy hết tiềm năng.
Bất chấp giá dầu mỏ thế giới giảm, kéo theo xu hướng giảm đầu tư vào năng lượng, khu vực năng lượng tái tạo đang phát triển rất nhanh.
2016 là năm kỷ lục đối với phát triển phong điện, với mức đầu tư cam kết tăng 40% lên 29,9 tỷ USD./.