Tổng số vốn đầu tư cần rót vào phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu tới năm 2040 ước lên tới 94.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIH) nhận định rằng mức thiếu hụt nguồn tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ chiếm gần 1/5 con số trên, nếu xu hướng chi tiêu hiện tại vẫn tiếp diễn.
Theo GIH, nhằm lấp đầy lỗ hổng trên, mức chi hàng năm cho phát triển cơ sở hạ tầng cần phải tăng lên tương đương 3,5% GDP toàn cầu.
Báo cáo trên cũng nêu cụ thể các mức chi tiêu mà mỗi quốc gia cần rót vào cơ sở hạ tầng tới năm 2040; lĩnh vực nào cần được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mạnh nhất...
Số tiền cần thiết để đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên toàn cầu hiện lên tới 3.700 tỷ USD mỗi năm, tương đương sản lượng kinh tế hàng năm của Đức, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
[Dân số thế giới sẽ tăng thêm 1 tỷ người vào năm 2030]
Theo GIH, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là việc làm cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khỏa lấp những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng tại các nước phát triển và đang phát triển.
GIH, do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thiết lập vào năm 2014, nhằm mục đích mở rộng cơ hội cho khu vực công và khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới.
Trung tâm này được chính phủ các nước hỗ trợ về mặt tài chính, trong đó có Anh, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore.
Để đáp ứng Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, nhằm đảm bảo tất cả người dân trên thế giới đều được tiếp cận với điện và nguồn nước sạch vào năm 2030, đầu tư vào cơ sở hạ tầng toàn cầu cần tăng lên tương đương 3,7% GDP trong thời gian từ nay đến năm 2030.
Dự báo trên được căn cứ vào nhận định dân số thế giới sẽ tăng thêm 2 tỷ người vào năm 2040, với số dân thành thị tăng 46%, qua đó đòi hỏi mức đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu phải lên tới 52.000 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu.
Trung Quốc sẽ là nước có nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạnh nhất với 28.000 tỷ USD, chiếm 30% nhu cầu đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu./.