Tranh chấp chủ quyền biển đảo là một trong những vấn đề thời sự nóng bỏng nhất của thế giới trong năm 2012. Vấn đề tuy không mới, song được đẩy lên một mức cao hơn, khiến tình hình tại một số vùng biển trở nên căng thẳng và phức tạp, ảnh hưởng tới sự ổn định và an ninh của khu vực, phần nào tác động xấu tới các mối quan hệ hợp tác kinh tế. Trong năm qua, nổi lên ở khu vực châu Á là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á cũng như giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima/Dokdo gây căng thẳng trong khu vực. Ở bên kia bán cầu là tranh chấp dai dẳng giữa Anh và Argentina về chủ quyền quần đảo Malvinas/Falkland. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực, ASEAN đã ra tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông” nhằm tái khẳng định lập trường của khối, yêu cầu các bên liên quan tôn trọng, tuân thủ các cam kết mang tính khu vực và luật pháp quốc tế trong hành xử ở Biển Đông. Tại khu vực Đông Bắc Á, tranh chấp chủ quyền biển đảo cũng nóng lên. Vùng quần đảo không có người sinh sống, song dồi dào nguồn thủy hải sản và tài nguyên mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã trở thành tiêu điểm tranh cãi giữa hai nước kể từ tháng 7/2012. Căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc lên tới đỉnh điểm sau khi Tokyo quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp. Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở Trung Quốc khiến nhiều cửa hàng và tài sản của người Nhật Bản bị hư hại, gây thiệt hại lớn cho các công ty Nhật Bản làm ăn ở Trung Quốc. Nhiều hoạt động giao lưu quân sự giữa hai bên cũng bị đình lại. Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản liên tiếp cáo buộc tàu và máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng biển và không phận quần đảo Senkaku. Để trả đũa, Nhật Bản đã điều động chiến đấu cơ tới khu vực tranh chấp. Dư luận lo ngại việc ông Shinzo Abe, với quan điểm cứng rắn, trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản, quan hệ Nhật-Trung có thể sẽ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, có nhiều lý do để dư luận hy vọng rằng sự ràng buộc với nhau về mặt kinh tế có thể là nhân tố quan trọng để ông Abe có những bước đi cụ thể nhằm hàn gắn mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa hai nước. Thực tế cho thấy, các mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển của Nhật Bản và Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và giúp thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực. Căng thẳng ngoại giao cũng nổ ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 10/8 thăm quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima. Cao điểm của tình trạng căng thẳng là hai nước cùng quyết định triệu hồi đại sứ, khiến quan hệ Nhật-Hàn rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2. Tokyo cảnh báo sẽ không tiếp tục thực hiện thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Seoul (trị giá khoảng 70 tỷ USD) và nếu điều đó xảy ra, đồng won Hàn Quốc khó tránh khỏi bị thiệt hại. Tuy nhiên, sự thay đổi lãnh đạo gần như đồng thời tại Nhật Bản và Hàn Quốc trong những ngày cuối cùng của năm đang làm dấy lên hy vọng rằng tranh cãi chủ quyền biển đảo sẽ có cơ hội lắng dịu để hai bên có thể cải thiện quan hệ trong năm mới dù không hề dễ dàng. Tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản trong năm qua về chủ quyền quần đảo Nam Kurils/Các vùng lãnh thổ phương Bắc cũng thu hút sự chú ý của dư luận, khởi nguồn từ việc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi đầu tháng 7 thực hiện chuyến thăm thứ hai tới quần đảo tranh chấp. Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao con thoi giữa hai bên dường như đã giúp cải thiện tình hình. Chuyến thăm Nhật Bản của Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã mang lại những kết quả tích cực với việc hai bên nhất trí tăng cường giao lưu quân sự, củng cố lòng tin và hợp tác trong các vấn đề an ninh. Cùng với một loạt thỏa thuận về khí đốt trước đó, chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Thư ký Hội đồng An ninh Nga diễn ra chỉ một tuần sau cuộc họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao Nga-Nhật đã giúp mở ra kênh đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Thực tế cho thấy mặc dù Nga và Nhật Bản thường xuyên đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Nam Kurils/Các vùng lãnh thổ phương Bắc, song người ta vẫn thấy Mátxcơva và Tokyo gia tăng các nỗ lực nhằm tìm cách thiếp lập mối quan hệ hữu nghị mới. [Nhật Bản có bằng chứng mới về quần đảo Senkaku] Kể từ khi trở lại Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã chủ trương làm ấm lại mối quan hệ khá lạnh nhạt kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa hai nước. Đích thân Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phát đi một tín hiệu tích cực rằng Nga sẵn sàng thảo luận về một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc. Ở bên kia bán cầu, đúng dịp kỷ niệm 30 năm nổ ra cuộc chiến tranh giữa Anh và Argentina về chủ quyền quần đảo Malvinas mà phía Anh gọi là Falkland, Tổng thống Argentina Cristina Fernández đã chỉ trích London "duy trì chế độ thực dân" tại quần đảo nằm ở Nam Đại Tây Dương, đồng thời yêu cầu Anh đàm phán để giải quyết vấn đề chủ quyền. Tuy nhiên, London "làm ngơ" với lý do chỉ đàm phán nếu người dân trên đảo đề nghị. Một loạt động thái khiến vấn đề trở nên căng thẳng như Anh điều tàu khu trục tới vùng biển tranh chấp, còn Argentina đề nghị thiết lập đường bay trực tiếp thường kỳ tới Malvinas và sau đó khởi kiện 5 công ty dầu mỏ Anh tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác tại quần đảo có trữ lượng dầu khí khổng lồ này. Có lẽ ít năm nào nhiều vùng biển trên thế giới cùng "dậy sóng" như năm nay, nhưng một điều không thể phủ nhận là các mối quan hệ song phương vẫn tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Chắc chắn, các nước Đông Bắc Á không tự làm mất đi sức hấp dẫn của khu vực vào thời điểm châu Á đang nổi lên như một trung tâm tài chính của thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi sự thống nhất giữa các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Hơn nữa, quan hệ kinh tế bền chặt giữa ba nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung-Nhật-Hàn với tổng kim ngạch thương mại lên tới 700 tỷ USD đã tự nói lên sức mạnh của nó trong nỗ lực giúp kiểm soát tình hình. Vì thế, các nước phải cần giải quyết hòa bình những tranh chấp biển đảo trên sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và các điều ước khu vực, vì hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực và quốc tế./.
Khánh Linh (TTXVN)