Thế giới thực-ảo và cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản

Trong thế giới thực, đại dịch COVID-19 gây chết chóc trên khắp toàn cầu, song trong thế giới ảo của thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu, một cảm giác phấn khích bao trùm các nhà đầu tư.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo mạng tin wsws.org, ngày 6/4 dường như xuất hiện hai thế giới khác nhau,  một thế giới thực và một thế giới ảo.

Trong thế giới thực, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) tiếp tục gây chết chóc ở Mỹ và trên khắp toàn cầu.

Các bản tin thời sự tràn ngập những tin tức về các bệnh viện bị quá tải, các bác sỹ, y tá và nhân viên y tế kiệt sức, còn bệnh nhân thì ốm yếu và đang chết dần.

Tuy nhiên, trong thế giới ảo của thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu, một cảm giác phấn khích không thể kiểm soát được bao trùm các nhà đầu tư, họ đổ tiền tỷ mua chứng khoán và đưa chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng lên gần 7,5%.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với chỉ số DAX của Đức (tăng 6%) và chỉ số FTSE của Anh (tăng hơn 3%).

Điều gì đã thúc đẩy sự ăn mừng này?

Ngày 6/4, số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt qua mốc 10.000 người. Cho dù số ca tử vong mới trong ngày tại thành phố New York đã giảm nhẹ vào ngày 5/4, song không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy đại dịch COVID-19 đã đạt đỉnh tại thành phố trung tâm quan trọng này.

Hơn nữa, gần như chắc chắn là các trung tâm quan trọng khác, và nói chung là phần lớn nước Mỹ, vẫn đang hứng chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch này.

Việc làm xét nghiệm cho người dân vẫn còn lúng túng và ở quy mô rất nhỏ, do đó không có số liệu khách quan nào để từ đó đưa ra những dự đoán đáng tin cậy về việc khi nào người lao động có thể an toàn trở lại làm việc.

[Tác động về kinh tế của việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản]

Tình hình kinh tế đang rất tồi tệ và ngày càng xấu đi. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Janet Yellen trong một cuộc trả lời phỏng vấn của kênh CNBC ngày 6/4 đã nói rằng Mỹ đang ở giữa một cuộc suy thoái “cực kỳ tồi tệ.”

Theo ước tính của bà Yellen, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 13% và nền kinh tế Mỹ hiện đã suy giảm tới 30%.

Thế giới thực-ảo và cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản ảnh 1 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Bonn, Đức ngày 28/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan điểm của bà Yellen cũng được Giám đốc điều hành của JP Morgan Chase là ông Jamie Dimon tán thành.

Trong bức thư thường niên gửi các cổ đông được công bố ngày 6/4, ông Dimon cho rằng sẽ có một “cuộc suy thoái tồi tệ.”

Theo ông Dimon, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm tới 35% trong quý 2/2020, và cuộc suy thoái này có thể sẽ kéo dài đến hết năm nay.

Phần lớn nền kinh tế toàn cầu, không chỉ ở Mỹ và Tây Âu, đều đang rơi tự do.

Ấn Độ, nơi sinh sống của 17% dân số thế giới, vẫn đang áp dụng biện pháp phong tỏa, gây đe dọa tới hoạt động sản xuất lương thực và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Raghuram Rajan ngày 6/4 nói rằng Ấn Độ đang đối mặt với “tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập.”

Ở Nhật Bản, số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh cuối cùng cũng khiến Thủ tướng Shinzo Abe phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, kéo theo đó là phần lớn hoạt động kinh tế của đất nước này bị dừng lại.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế này là một cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng sâu sắc.

Ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã nhiễm COVID-19, phải nhập viện và được chuyển vào bộ phận chăm sóc tích cực tối 5/4.

Gần như cùng lúc đó, Nữ hoàng Elizabeth, 93 tuổi, đã có bài phát biểu trên truyền hình trước toàn thể đất nước lần thứ 4 trong suốt 68 năm tại vị của bà (không kể các bài phát biểu nhân dịp Giáng sinh hàng năm).

Người ta có thể cho rằng việc một thủ tướng đang rất ốm yếu phải nhập viện ở London - trung tâm tài chính của châu Âu - sẽ khiến thị trường chứng khoán rơi vào hỗn loạn khi mở cửa sáng ngày 6/4.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Các nhà đầu tư khoái trí lao vào thị trường chứng khoán và không dừng lại dù chỉ một phút để rơi nước mắt vì vị thủ tướng đang đau yếu của họ.

Phải giải thích như thế nào về sự hồ hởi này của thị trường toàn cầu trong bối cảnh tình hình đang rất thê thảm và đầy rủi ro như hiện nay?

Đầu tiên, cho dù Phố Wall có lo ngại như thế nào về sự lây lan của dịch bệnh hiện nay, điều đó cũng không thể vượt qua được mong muốn chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ hoạt động đầu cơ của họ.

Trên thực tế, việc trực tiếp dồn các nguồn lực vào thị trường, đặc biệt là các động thái của Fed, đang diễn ra.

Bảng cân đối tài sản của Fed tháng trước đã tăng 1,6 nghìn tỷ USD, xấp xỉ bằng toàn bộ GDP hàng tháng của Mỹ.

Mỗi ngày, hàng chục tỷ USD được sản xuất dưới dạng số để thu mua các tài sản và các khoản nợ từ các ngân hàng và các tập đoàn.

Nói cách khác, các chính sách được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 đang được triển khai với một quy mô mới.

Trong hơn một thập kỷ, chứng "nghiện" đầu cơ ở Phố Wall đã được hỗ trợ tài chính thông qua việc Fed bơm tiền dưới dạng các hoạt động “nới lỏng định lượng” (in thêm tiền) và hạ tỷ lệ lãi suất.

Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, Fed đã bổ sung 4 nghìn tỷ USD vào bảng cân đối tài sản bằng cách mua hết các chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp và những tài sản khác đang được các ngân hàng nắm giữ.

Bên cạnh đó là dòng tiền vô tận đổ vào các thị trường dưới dạng mua lại cổ phiếu của các công ty.

Tóm lại, thông qua các cơ chế mua lại cổ phiếu các công ty, giá cổ phiếu có thể tăng lên không ngừng cho dù không hề tăng lãi.

Biện pháp can thiệp mới này của Fed, được thực hiện sau khi Quốc hội thông qua dự luật này, đã tái đảm bảo với Phố Wall rằng khả năng thanh toán bằng tiền mặt là vô tận để giúp tăng giá trị cổ phiếu trong điều kiện nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

Hiện nay, Fed đã mua hết các khoản nợ của các công ty, và bà Yellen ngày 6/4 đã đề cập tới khả năng Fed có thể bắt đầu trực tiếp mua cổ phiếu lần đầu tiên trong lịch sử.

Bà Yellen cũng chỉ ra rằng các quan chức của Fed, những người mà bà vẫn còn giữ liên lạc, đang cân nhắc về việc mua những “trái phiếu cấp thấp” đầy rủi ro của các công ty.

Nhân tố thứ hai đứng sau sự trỗi dậy lần này của Phố Wall là phản ứng hăng hái của Phố Wall đối với chiến dịch quốc tế của giới chính trị và truyền thông về việc nhanh chóng đưa người lao động trở lại làm việc.

Trong phân tích cuối cùng này, cấu trúc phức tạp của tư bản ảo - giá trị tài sản được tạo ra thông qua việc mở rộng tín dụng và nợ ở quy mô lớn và gây ra lạm phát - không thể hoàn toàn thoát ra khỏi một tiến trình sản xuất trên thực tế, vốn liên quan và cần tới việc sử dụng sức lao động của tầng lớp lao động.

Nếu tiến trình sản suất trên thực tế dừng lại, vì bất kỳ lý do gì, thì cấu trúc của tư bản ảo sẽ sụp đổ. Đó là lý do tại sao lại kêu gọi đưa người lao động trở lại làm việc - cho dù tình hình đại dịch có ra sao - đã được giới truyền thông tư bản hưởng ứng trên toàn thế giới.

Triển vọng đưa người lao động sớm trở lại làm việc, dưới điều kiện bị bóc lột thậm tệ, đã tạo ra trạng thái phấn khích của thị trường chứng khoán ngày 6/4 vừa qua.

Tất nhiên, sự phấn khích này không kéo dài. Thực tế, chứ không phải thế giới ảo, quyết định diễn biến của các sự kiện.

Xung đột giai cấp và lối tư duy của các tầng lớp đối lập nhau rất rõ ràng: đối với tầng lớp thống trị, đây là vấn đề đảm bảo sự giàu có của họ, đưa người lao động trở lại làm việc dưới những điều kiện không an toàn, và xé bỏ tất cả những gì còn lại của các chương trình xã hội.

Đối với tầng lớp lao động, đây là vấn đề tính mạng con người, dừng mọi hoạt động sản xuất không phải là thiết yếu, và tái cấu trúc đời sống kinh tế dựa trên các nhu cầu của xã hội, không phải dựa trên lợi ích của cá nhân.

Một con đường dẫn tới chủ nghĩa độc đoán, con đường còn lại dẫn tới cách mạng xã hội. Đây là logic chính trị và xã hội không thể bị kìm hãm trong thời đại của chúng ta: khủng hoảng toàn cầu và nỗi bi thương chết chóc của chủ nghĩa tư bản thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục