Dịch COVID-19: Chia rẽ nội bộ đẩy EU vào tình trạng nguy hiểm

Báo Le Monde nhận định kịch bản về một cuộc khủng hoảng sâu sắc đang thành hình ở châu Âu do chia rẽ về cách thức xây dựng biện pháp kinh tế chung đối phó với các hậu quả của dịch COVID-19.
Dịch COVID-19: Chia rẽ nội bộ đẩy EU vào tình trạng nguy hiểm ảnh 1Cảnh vắng vẻ tại Berlin, Đức ngày 22/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo nhận định của báo chí Pháp, Liên minh châu Âu (EU) đang bị chia rẽ trong việc giải quyết các hậu quả kinh tế của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do khác biệt giữa các nước phương Bắc và phương Nam.

Tuy nhiên, các nước thành viên EU bắt đầu chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau dưới sự điều hành của Ủy ban châu Âu (EC), sau giai đoạn đầu “mạnh ai nấy làm.”

Do tác động từ dịch COVID-19, châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ và bị đẩy đến đến bờ vực thẳm. Không thể phản ứng kịp thời với dịch bệnh trong giai đoạn đầu, các nước thành viên lần lượt đóng cửa biên giới quốc gia mà không thể phối hợp với nhau, gây nên cảnh hỗn loạn.

Ngày 26/3, lãnh đạo EU lại phải chia tay sau cuộc họp Hội đồng châu Âu ồn ào do bất đồng sâu sắc liên quan đến ý tưởng phát hành một trái phiếu chung toàn châu Âu, còn gọi là “trái phiếu corona,” nhằm khắc phục hậu quả kinh tế do đại dịch gây ra.

Báo Le Monde nhận định kịch bản về một cuộc khủng hoảng sâu sắc đang thành hình. Do chia rẽ về cách thức xây dựng biện pháp kinh tế chung đối phó với các hậu quả của dịch COVID-19, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ phải nhóm họp từ xa vào ngày 7/4 tới qua hệ thống video để tìm kiếm một thỏa thuận trước khi trình lên hội nghị thượng đỉnh EU.

Nhưng mâu thuẫn Bắc-Nam vốn suýt làm tan vỡ khối EU hồi năm 2010 trong cuộc khủng hoảng nợ công trong Eurozone và chương trình cứu trợ Hy Lạp lại sống dậy một cách mạnh mẽ.

“Con vi khuẩn đã quay trở lại”, nguyên Chủ tịch EC Jacques Delors (94 tuổi) báo động. Chính trị gia rất kiệm lời đã phải lên tiếng, đề cập đến “mối nguy hiểm chết người” đối với dự án hội nhập châu Âu đầy tham vọng nếu như các nước thành viên không thể hiện được tinh thần sự đoàn kết.

[EU 'bật đèn xanh' cho kế hoạch của Anh cứu trợ các doanh nghiệp]

Chủ tịch Nghị viện châu Âu, David Sassoli, cũng nhấn mạnh: “Không có đoàn kết, mối liên hệ và lý do để tồn tại cùng nhau sẽ đổ xuống biển.”

Ngày 30/3, đến lượt Chủ tịch nhóm Eurogroupe, ông Mario Centeno, người đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha, đã cảnh báo về nguy cơ “phân mảnh” trong liên minh tiền tệ.

Ngọn lửa “âm ỉ cháy” trong lòng EU ngăn cách các nước phía Nam, như Italia và Tây Ban Nha, những thành viên bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch và có tình hình tài chính khó khăn, với các nước phía Bắc dưới sự dẫn dắt của Hà Lan, thường được coi là cầm đầu nhóm “thanh đạm” cùng với Đức và Áo, ủng hộ nhiệt thành cho đường lối kiềm chế tối đa ngân sách.

Nhóm đầu tiên được Pháp và bảy nước khác ủng hộ (Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Slovenia, Bỉ, Luxembourg và Ailen, gần đây có thêm Síp) kêu gọi thiết lập một công cụ chung để chia sẻ và hỗ trợ nợ công của nhau dưới dạng “trái phiếu corona” (coronabonds).

Nhưng nhóm thứ hai không muốn đề cập tới ý tưởng này, mà nghiêng theo hướng sử dụng Cơ chế ổn định tài chính (MES), một quỹ cứu trợ các nước gặp khó khăn trong Eurozone được thành lập năm 2012.

Được trang bị một ngân khoản có thể sử dụng lên tới 410 tỷ euro, MES là công cụ hỗ trợ có điều kiện. Các nước thụ hướng sẽ được cấp tín dụng nhưng phải thực hiện chương trình cắt giảm ngân sách, thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo, như trường hợp của Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Ailen trước đây.

Ngày 31/3, hàng loạt lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm Hà Lan đã được tung ra tại Italia để phản ứng thái độ kiên quyết của Thủ tướng Mark Rutte và Bộ trưởng Tài chính Wopke Hoekstra chống lại ý tưởng “trái phiếu corona,” cả hai từng nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ nhóm nước phía Nam không đủ khả năng kiểm soát tài chính công, khiến cho chính các nước này bị suy yếu khi phải đối phó với cú sốc từ dịch COVID-19.

Cùng ngày, khoảng 10 nghị sỹ Italy, trong đó có thị trưởng Milan, Bergamo, Venise, Genova, đã cho đăng một lá thư trên mục diễn đàn của nhật báo Frankfurt (Frankfurter Allgemeine Zeitung) kêu gọi Đức nhất trí với kế hoạch cứu trợ châu Âu quy mô lớn mà không bàn đến việc xóa các khoản nợ đang tồn tại.

Câu trả lời đã được đưa ra rất nhanh. “Chúng tôi sẵn sàng đoàn kết, nhưng là tinh thần đoàn kết được suy nghĩ kỹ,” Bộ trưởng Tài chính Đức, thuộc đảng Dân chủ-Cơ đốc giáo (CDU) Olaf Scholz, đáp lời từ Munich.

Về điểm này, đại liên minh cầm quyền dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Angela Merkel hoàn toàn nhất trí. Trên chính trường Đức, ngoại trừ đảng Xanh và đảng thiên tả Die Linke, không có lực lượng chính trị nào sẵn sàng ủng hộ việc chia sẻ nợ công giữa các nước.

Cuộc khủng hoảng sống còn

Theo Le Monde, thất bại của phiên họp trực tuyến kéo dài sáu giờ của Hội đồng châu Âu ngày 26/3, một phần do thiếu các cuộc dàn xếp sau hậu trường như thường lệ của những sự kiện như thế, đã gợi lại tình hình năm 2010-2012 và những ám ảnh của nó, khi hàng chục tỷ euro cứu trợ đã được cấp cho những nước đang gặp phải khó khăn tài chính, đổi lại họ phải thực hiện những chương trình cải tổ đau đớn hệ thống y tế, hưu trí hay bảo hiểm thất nghiệp. Vào thời điểm đó, ý tưởng một dạng “công trái chung euro” đã được đề cập.

Mười năm sau, ý tưởng “trái phiếu corona” lại bị phản đối, thậm chí bị coi là thù địch, từ một bộ phận nước thành viên. Thủ tướng Angela Merkel đã nói với Thủ tướng Giuseppe Conte: “Cơ chế ổn định tài chính là công cụ rất tốt ... Nếu ông vẫn chờ đợi để có trái phiếu corona, sẽ không bao giờ xảy ra, quốc hội nước tôi sẽ không bao giờ chấp nhận. Các ông đang gợi lên những hy vọng không đúng và đưa ra những thông điệp chia rẽ.”

Trong kết luận phiên họp Hội đồng châu Âu ngày 26/3, những từ ngữ dễ gây tức giận như “trái phiếu corona” hay “Cơ chế ổn định tài chính” đã phải xóa đi.

Một nhà ngoại giao châu Âu nói: “Khi nhắc đến công trái chung euro năm 2010-2012, có tới 25 kịch bản khác nhau được đưa ra thảo luận. Ngày nay, đây không còn là chủ đề được quan tâm. Người ta chỉ đề cập tới việc chia sẻ các nỗ lực cần thiết để thoát khỏi khủng hoảng.”

Thực tế, gần đây EU đã làm rất nhiều để giảm bớt khó khăn cho các nước: tạm ngừng thực hiện hiệp ước ổn định tài chính và các quy định hạn chế ngân sách trong Eurozone, nới lỏng quy định về trợ cấp của nhà nước cho doanh nghiệp để chính phủ các nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp mà không vi phạm các quy tắc của thị trường nội địa.

Ủy ban châu Âu đã bỏ ra 37 tỷ euro để giúp các nước khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19 trực tiếp gây ra. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cam kết bơm hơn 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế, ...

Brussels hy vọng sớm thông qua một kế hoạch kích thích kinh tế lớn và có phối hợp nhằm nhanh chóng thoát khỏi một cuộc suy thoái có thể tác động tới nhiều nước.

Hậu quả của khủng hoảng y tế chưa từng có trên khắp EU - cả khu vực hiện đang gần như bị phong tỏa, cách ly toàn bộ - chắc chắn sẽ đánh quỵ nền kinh tế của cả 27 nước.

Ngày 31/3, Thủ tướng Hà Lan, mặc dù một lần nữa bác bỏ khả năng chấp nhận trái phiếu corona, đã tỏ thái độ “ít thù địch” với các nước phương Nam hơn, đồng thời khẳng định ủng hộ một “châu Âu mạnh mẽ phục vụ lợi ích cho tất cả” các nước thành viên.

Phát biểu trên Đài phát thanh Capital, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni, nguyên Thủ tướng Italy, cảnh báo “nếu những bất đồng kinh tế giữa các nước châu Âu gia tăng và cuộc khủng hoảng càng làm tăng sự khác biệt giữa các nước châu Âu, thay vì làm cho nó giảm đi, sẽ rất khó duy trì dự án hội nhập châu Âu trong tình trạng như hiện nay.”

Ông cho rằng cần nhanh chóng đối thoại với Đức để tìm ra giải pháp, nếu không sẽ không bao giờ đạt được sự đồng thuận.

EU vãn hồi tình đoàn kết

Theo báo Le Figaro, ngoài lĩnh vực kinh tế và tài chính, còn nhiều vấn đề khác đặt mối quan hệ giữa các nước thành viên trước thử thách lớn. Vào giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng, một số nước cho rằng nên nhanh chóng đóng cửa toàn bộ biên giới, làm tê liệt hoàn toàn thị trường chung. Một số nước lại cấm xuất khẩu trang bị phòng hộ.

Một quan chức Ủy ban châu Âu cho rằng điều này là “điên rồ” vì “các lệnh cấm xuất khẩu nhiều khi áp dụng với cả những sản phẩm và thuốc men không liên quan đến dịch COVID-19, chẳng hạn như thuốc ngủ hay thuốc chống ung thư.”

Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết sau các biện pháp cực đoan ban đầu, EU đã cố gắng sắp xếp lại cho có trật tự. “EU đến sau nhưng đã làm một cách rất dứt khoát”, nhà ngoại giao này nhận định. Mặc dù chưa có đánh giá đầy đủ nhưng có thể ghi nhận nhiều tiến bộ trong cái mà có thể gọi là tình đoàn kết “cưỡng ép.”

Một số bệnh viện Đức đang tiếp nhận bệnh nhân từ các nước khác sang điều trị. Pháp và Đức gửi trang bị cho Italy, nước ban đầu than phiền bị bỏ rơi. “Chúng tôi làm điều đó để gìn giữ tinh thần đoàn kết và cả tương lai của EU. Nếu mọi việc hiện nay không xử lý tốt, sẽ có những tố cáo, tức giận và việc quản lý quá trình hậu khủng hoảng sẽ khó khăn hơn.”

EC, vốn không có thẩm quyền trong lĩnh vực y tế, bảo vệ trị an, quản lý biên giới, cũng như không có công cụ, đã ban hành nhiều khuyến cáo cho phép các nước thành viên phối hợp với nhau tốt hơn.

Theo yêu cầu của EU, các nước đã mở “hành lang xanh” để xe tải chở trang bị y tế và thực phẩm thiết yếu đi qua biên giới mà không gặp trở ngại gì. Các nút thắt tắc đường ban đầu ở biên giới đã hoàn toàn biến mất. “Nhiều nước tưởng rằng cứ đóng cửa biên giới, họ sẽ tránh được virus. Nhưng nay thì họ cần khẩu trang,” một quan chức ngoại giao nói. Pháp, Đức và sau đó là Bulgari, Cộng hòa Séc đã chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vật tư y tế.

Nhưng Paris và Berlin chỉ làm điều này sau khi EU đe dọa sẽ trừng phạt. Theo Ủy viên châu Âu phụ trách về thị trường nội địa Thierry Breton, còn ba nước vẫn ngoan cố là Rumani, Slovakia và Ba Lan. Một nguồn tin châu Âu nhận định “tại Đông Âu, phản ứng mạnh hơn,” nhưng có thể họ sẽ buộc phải lắng nghe.

Janez Lenarcic, Ủy viên châu Âu phụ trách về quản lý khủng hoảng khẳng định: “Ý tưởng một nước hay một lục địa có thể đương đầu một mình với đại dịch và tự kiểm soát mọi thứ là hoàn toàn hão huyền.”

EU đã chuẩn bị ngân sách 272 triệu euro để hỗ trợ các nước thứ ba. Không thành công trong giai đoạn đầu của khủng hoảng, nhiều thách thức vẫn đang tiếp tục chờ đợi EU thời gian tới. Bắt đầu bằng một việc khó khăn nhất trong số đó: phân phối số liều vắcxin một khi nó chính thức được đưa ra thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục