Thế khó xử của Philippines đối với vốn đầu tư Trung Quốc

HHIC-Phil, tuyên bố phá sản hồi tháng Một vừa qua, trở thành tập đoàn lớn nhất bị vỡ nợ trong lịch sử của Philippines và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng âm ỉ cho chính phủ nước này.
Thế khó xử của Philippines đối với vốn đầu tư Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Mạng tin eastasiaforum đưa tin, kể từ khi kết thúc thời kỳ bùng nổ hàng hóa, các quốc gia đang phát triển tại châu Á phải tìm cách để bắt kịp những kỳ vọng về tăng trưởng ở trong nước và cạnh tranh khu vực bằng việc đảm bảo sẽ tiếp tục thu hút được các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sử dụng chúng trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Những sức ép như vậy đang ngày càng lớn, cùng với đó là nguồn vốn sẵn có của Trung Quốc ngày càng nhiều, trong khi các công ty đa quốc gia không bao gồm Trung Quốc lại đang dần mất hứng thú với đầu tư nước ngoài.

Rủi ro chính trị cao trong khi lợi nhuận thu về khá thấp khiến phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài không muốn đầu tư vào các lĩnh vực tạo ra việc làm quan trọng, do đó các quốc gia đang phát triển tại châu Á không còn nhiều lựa chọn khi nguồn vốn đầu tư Trung Quốc đang vẫy gọi.

Các quốc gia này phải tìm cách tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội mà vốn đầu tư Trung Quốc đem lại trong khi vẫn phải chuẩn bị cho những rủi ro tiềm tàng.

Các thành viên giàu có hơn trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang củng cố các biện pháp thể chế để đối phó với dòng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

Kể từ khi Trung Quốc công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), các chính sách đầu tư vốn cởi mở của phần lớn các nền kinh tế phương Tây hiện đang trở nên bảo hộ hơn. 

Australia và New Zealand hiện đang xem xét đầu tư nước ngoài bằng các đánh giá về lợi ích ròng, cân nhắc sự đóng góp của một dự án đối với nền kinh tế dựa trên những mong đợi về chuyển giao công nghệ và những rủi ro an ninh quốc gia tiềm tàng.

Những lo ngại của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ về tình trạng ăn cắp công nghệ và gián điệp kinh tế hiện đang thu hút nhiều sự chú ý.

Còn tại Liên minh châu Âu (EU), các chính trị gia và giới quan chức đang thảo luận về một cơ cấu đầu tư nước ngoài chung áp dụng cho mọi nước thành viên.

Việc Tập đoàn xây dựng và các ngành công nghiệp nặng Hanjin Philippines (HHIC-Phil) bị phá sản là một điển hình cho những vấn đề sâu sắc hơn mà các nền kinh tế đang phát triển đang phải đối mặt.

[Nhìn nhận nguồn lực đầu tư, viện trợ của Trung Quốc vào Philippines]

HHIC-Phil, tuyên bố phá sản hồi tháng Một vừa qua, đã trở thành tập đoàn lớn nhất bị vỡ nợ trong lịch sử của Philippines và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng âm ỉ cho chính phủ Philippines vì lo ngại tương lai không chắc chắn của công ty đóng tàu của hãng này ở Vịnh Subic.

Hầu như không có thông tin chi tiết về tình trạng tài chính của HHIC-Phil, song ngân hàng trung ương Philippines đã xoa dịu lo ngại khi khẳng định rằng nợ của HHIC-Phil chỉ chiếm 0,24% tổng nợ quốc gia.

Các chủ nợ Philippines của HHIC-Phil đã nhất trí với một kế hoạch cải tổ tập đoàn này, theo đó sẽ bán các khoản nợ hiện nay để đổi lấy vốn. Tuy nhiên, chính phủ Philippines - do lo ngại về việc hàng nghìn nhân viên sẽ bị sa thải - đang tìm cách thúc đẩy các cuộc trao đổi về việc bán tài sản cho các nhà đầu tư Trung Quốc, hoặc thậm chí là quốc hữu hóa HHIC-Phil.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines đã xác nhận các tin tức về việc hai công ty của Trung Quốc - trong đó có một tập đoàn nhà nước - đang quan tâm tới vấn đề này, từ đó làm gia tăng lo ngại rằng Philippines đang bán những cơ sở hạ tầng quan trọng cho một chủ thể "không thân thiện," đối với Philippines.

Phó đô đốc đã nghỉ hưu của Philippines, Alexander Pama gọi việc phá sản của HHIC-Phil là "một vấn đề an ninh quốc gia rất quan trọng."

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, đã công khai ám chỉ khả năng quốc hữu hóa HHIC-Phil nhằm giúp Philippines giữ lại quyền kiểm soát đối với công ty đóng tàu của HHIC-Phil ở vịnh Subic và vị trí quan trọng nằm gần một cảng nước sâu của công ty này.

Tuy nhiên, thay vì để Philippines dễ bị tổn thương hơn trước những ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc, một quy trình minh bạch và có trật tự để bán các tài sản của HHIC-Phil; trong đó chỉ bao gồm các nhà đấu giá tư nhân - đến từ Trung Quốc hoặc phương Tây - sẽ tốt hơn cho lợi ích của Philippines. Điều này sẽ giúp đảm bảo việc làm cho người địa phương và đảm bảo sự phát triển lâu dài cho ngành công nghiệp đóng tàu của Philippines.

Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa các loại vốn đầu tư của Trung Quốc. Vốn đầu tư tư nhân của Trung Quốc chủ yếu ở dưới dạng FDI hoặc vốn mạo hiểm (vốn tài chính cung cấp cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn ban đầu, khi đó nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro cực lớn nhưng bù lại khi thành công, số tiền đầu tư đó sẽ trở thành cổ phần của doanh nghiệp được đầu tư).

Vốn đầu tư tư nhân chủ yếu dựa trên những cân nhắc về thương mại. Vốn đầu tư được nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc, điển hình là thông qua FDI cho các doanh nghiệp lớn của nhà nước, các hợp đồng xây dựng hoặc các nhượng bộ về tài chính, và chủ yếu được thúc đẩy bởi những lo ngại chính trị.

Kể từ khi BRI được công bố năm 2013, Trung Quốc đã tăng cường cho nước ngoài vay vốn thông qua các thể chế như Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM).

Việc cho vay như vậy phải dựa vào các khoản cho vay ưu đãi của chính phủ hoặc việc Trung Quốc "ve vãn" các chính phủ nước ngoài sử dụng các công ty Trung Quốc trong các hợp đồng xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Ảnh hưởng của vốn đầu tư Trung Quốc đối với mỗi dự án và mỗi quốc gia là khác nhau.

Thế khó xử của Philippines đối với vốn đầu tư Trung Quốc ảnh 2Tập đoàn xây dựng và các ngành công nghiệp nặng Hanjin Philippines (HHIC-Phil). (Nguồn: maritime-executive)

Cảng Hambantota của Sri Lanka mà một điển hình không mấy tốt đẹp. CHEXIM đã hỗ trợ tài chính cho dự án trị giá 1 tỷ USD này, dẫn tới việc Công ty kỹ thuật cảng Trung Quốc (CHEC) chiếm luôn cảng này.

Vốn đầu tư do nhà nước Trung Quốc đứng đằng sau dành cho các cảng của Philippines có thể tạo ra những khoản nợ lớn hoặc gây ra căng thẳng liên quan tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ - điều đã xảy ra khi CHEC đề xuất phát triển cảng ở Cebu và Davao.

Tuy nhiên, HHIC-Phil là việc hoàn toàn khác. Bất kể ai nào mua lại HHIC-Phil đều phải tiếp quản cả những nghĩa vụ của tập đoàn này, phụ thuộc vào kế hoạch cải tổ cuối cùng. Điều này giúp những người dân đóng thuế ở Philippines không phải trả thêm bất kỳ khoản nợ nào trong quá trình giải quyết vấn đề của HHIC-Phil.

Bất chấp những lời cảnh báo của Phó đô đốc đã nghỉ hưu Pama, thực tế công ty đóng tàu của HHIC-Phil dường như có giá trị chỉ chủ yếu là bởi các trang thiết bị công nghiệp của công ty này. Đây không phải là cơ sở hạ tầng quan trọng như các công ty về năng lượng hay truyền thông.

Bất kể công ty hay tập đoàn nào mua lại HHIC-Phil đều phải thuê đất từ chính phủ Philippines, giúp Philippines có khả năng mặc cả trong việc vận hành công ty đóng tàu này trong tương lai.

Việc bán HHIC-Phil sẽ chỉ chấp nhận vốn đầu tư tư nhân của Trung Quốc, chứ không phải vốn từ chính phủ Trung Quốc và những rủi ro đi kèm theo nó.

Chính phủ Philippines cần tận dụng nguồn vốn tư nhân của Trung Quốc để thúc đẩy tạo việc làm, tiếp nhận tri thức và cải thiện khả năng của Philippines trong những lĩnh vực chủ chốt như sản xuất, dịch vụ và các ngành thương mại khác.

Phát triển những cơ chế mang tính thể chế mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với vốn đầu tư được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cũng như các nền kinh tế đang phát triển khác, Philippines cũng phải đối mặt với sức ép bảo vệ an ninh quốc gia trong khi vẫn phải cạnh tranh giành các cơ hội kinh tế từ đầu tư nước ngoài.

Thủ tục minh bạch và cởi mở khi bán các tài sản của HHIC-Phil cho tất cả những công ty đấu giá tư nhân sẽ giúp chính phủ Philippines tận dụng được cơ hội này và thực hiện được những mục tiêu kinh tế và an ninh quốc gia của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục