Thẻ Xanh: Tấm vé cho phép người dân quay trở lại nhịp sống bình thường

"Thẻ xanh" được gọi theo nhiều tên khác nhau ở mỗi nước, như chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19, hộ chiếu COVID-19, hộ chiếu vaccine, giấy thông hành y tế, thẻ an toàn, thẻ thông hành corona.
Xuất trình thẻ xanh COVID-19 tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Xuất trình thẻ xanh COVID-19 tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực dần dỡ bỏ hạn chế, mở cửa trở lại một số hoạt động kinh tế khi chiến dịch tiêm chủng đại trà đạt bước tiến nhất định, nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng chính sách “thẻ xanh” như một "tấm vé" cho phép người dân quay trở lại nhịp sống bình thường.

Số hóa hộ chiếu vaccine, giấy thông hành y tế

Lần đầu tiên được đưa vào sử dụng ở Israel, "thẻ xanh" được gọi theo nhiều tên khác nhau ở mỗi nước, như chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19, hộ chiếu COVID-19, hộ chiếu vaccine, giấy thông hành y tế, thẻ an toàn, thẻ thông hành corona.

Nhiều nước đang dần “số hóa” loại thẻ này, thường thông qua một ứng dụng cài đặt trên điện thoại, trong đó chứa một mã QR, xác nhận một người nào đó đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Có thể nói, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chiếm phần lớn bản đồ thẻ xanh trên thế giới.

“Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, được xem như công cụ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân EU và là "chìa khóa" để mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch.

Áo, Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia đều đã áp dụng các hình thức khác nhau của "thẻ xanh."

Một số nước thành viên đã triển khai "thẻ xanh" quốc gia của riêng mình tương thích với chứng nhận số của EU, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại nội khối, như Đan Mạch và CH Cyprus đều có Coronapass.

Tại Mỹ, những hình thức khác nhau của "thẻ xanh" COVID-19, như chứng nhận y tế điện tử hay hộ chiếu vaccine được áp dụng tại một số bang, trong đó có New York, California và Hawaii.

Ở nước láng giềng Canada, tỉnh British Columbia vận hành hệ thống "Thẻ vaccine" điện tử từ ngày 13/9 cho người đã tiêm chủng ít nhất một mũi. Người có thẻ được phép vào nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm thể thao và các điểm kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu khác.

Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada sẽ áp dụng mô hình hộ chiếu vaccine từ ngày 22/9, yêu cầu người dân xuất trình bằng chứng đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 trước khi vào phòng tập thể thao, rạp hát, nhà hàng ở không gian trong nhà, các trung tâm tổ chức tiệc cưới, hội trường...

Là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, Israel đã áp dụng “thẻ xanh” từ tháng 2/2021 khi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và giãn cách, trong nỗ lực mà giới chức nước này gọi là giai đoạn 1 trở lại cuộc sống bình thường mới.

[Chứng chỉ xanh về COVID-19 - giấy thông hành ở châu Âu]

Người dân có "thẻ xanh" sẽ được đi vào siêu thị, các địa điểm du lịch và vui chơi. Đến đầu tháng 6/2021, Israel thậm chí đã không còn cần áp dụng "thẻ xanh" nữa khi mức lây nhiễm toàn quốc giảm xuống dưới 20 ca/1 ngày. Tuy nhiên, đến ngày 23/7, Israel quay trở lại áp dụng thẻ xanh sau khi số ca lây nhiễm tăng mạnh do biến thể Delta.

Tại châu Á, Trung Quốc đã phát hành chứng nhận y tế điện tử - một dạng "vaccine pass" thể hiện tình trạng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm còn hiệu lực của mỗi cá nhân.

Thẻ Xanh: Tấm vé cho phép người dân quay trở lại nhịp sống bình thường ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Ishoej, Đan Mạch. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều địa điểm công cộng tại Trung Quốc đều yêu cầu người dân trình mã QR hợp lệ để được tiếp cận. trong khi Hàn Quốc thông báo cấp “hộ chiếu vaccine” theo hình thức kỹ thuật số thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng và khôi phục hoạt động du lịch.

Chính phủ Nam Phi cũng đang cân nhắc áp dụng "thẻ xanh" vaccine COVID-19, có thể được dùng như chứng nhận đã tiêm chủng và dành cho nhiều mục đích, sự kiện khác nhau.

Bắt buộc phải trình "thẻ xanh" khi tham gia một số dịch vụ

Việc áp dụng "thẻ xanh" cũng khá linh hoạt, tùy theo tình hình dịch cũng như quan điểm chống dịch của từng quốc gia. Italy đã liên tục mở rộng yêu cầu áp dụng "thẻ xanh."

Từ ngày 6/8/2021, người dân Italy bắt buộc phải có "thẻ xanh" để tiếp cận các dịch vụ và hoạt động không thiết yếu như ngồi ăn trong không gian kín, nhà hàng, quán rượu; các sự kiện thể thao, các buổi biểu diễn; bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, công viên giải trí, sự kiện văn hóa và triển lãm; bể bơi, phòng tập gym, trung tâm chăm sóc sức khỏe.

Sau đó, Chính phủ Italy đã mở rộng yêu cầu "thẻ xanh" cho tất cả giáo viên, sinh viên đại học và những người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như máy bay, tàu cao tốc, phà, xe bus đường dài từ ngày 1/9.

Theo sắc lệnh vừa được Chính phủ Italy phê chuẩn ngày 16/9, từ ngày 15/10, bắt buộc tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải xuất trình "thẻ xanh" ở nơi làm việc.

Bất kỳ người lao động nào không xuất trình được "thẻ xanh" sẽ bị đình chỉ làm việc không lương, nhưng không thể bị sa thải. Những người phớt lờ sắc lệnh trên và đi làm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt từ 600-1.500 euro (705-1.175 USD).

Pháp yêu cầu trình "thẻ xanh" khi vào rạp chiếu phim, rạp hát, bảo tàng, quán bar, nhà hàng, quán càphê, câu lạc bộ, một số trung tâm mua sắm lớn, vận tải đường dài, các sự kiện thể thao và các sự kiện công chúng.

Việc sử dụng thẻ y tế này sẽ được áp dụng cho tất cả nhóm người trên 12 tuổi kể từ cuối tháng 9/2021. Các bang của Đức yêu cầu thẻ COVID-19 để đi ăn tại nhà hàng. Áo thì bao gồm dịch vụ cả gội đầu cắt tóc trong danh sách yêu cầu "thẻ xanh", Luxembourg bao gồm các cửa hàng, còn Bồ Đào Nha thì áp dụng đối với cả khách sạn.

Thẻ xanh và những quan ngại

Trong khi đó, một số nước khác lại “biến tấu” cách sử dụng. Như Thụy Điển đã áp dụng "thẻ xanh" đối với người nước ngoài nhập cảnh và công dân di chuyển dễ dàng trong nội khối, song lại không yêu cầu thẻ này khi đi vào các địa điểm công cộng và hoạt động đông người vì muốn mở cửa những địa điểm này cho tất cả mọi người cùng một lúc. Một số nước đã điều chỉnh việc sử dụng "thẻ xanh," như Hà Lan hồi mùa Hè đã phải tạm thời ngừng áp dụng sau khi số ca lây nhiễm tăng mạnh.

Các nước áp dụng công nghệ khác nhau để xây dựng mô hình thẻ xanh số. Ví dụ, "thẻ xanh" ở Israel thực chất là một mã QR được cấp cho những ai đã tiêm chủng đầy đủ. Mã này được lưu trữ trong một ứng dụng của điện thoại và có thể được truy xuất hoặc in ra giấy.

Đây là mô hình mà nhiều nước khác đang áp dụng theo. Ngay từ đầu dịch bệnh, Trung Quốc đã triển khai hệ thống “mã y tế” được truy cập thông qua ứng dụng WeChat và cũng đã triển khai hộ chiếu vaccine số phục vụ đi lại quốc tế.

Dự kiến từ cuối tháng 9 này, Australia sẽ triển khai hộ chiếc vaccine, giúp cho việc mở cửa trở lại các hoạt động đi lại trong nước và quốc tế một cách an toàn.

Hộ chiếu của công dân Australia sẽ được liên kết với "thẻ xanh" số có mã QR được truy xuất thông qua ứng dụng di động Express Plus Medicare hoặc tài khoản myGov. Hộ chiếu này sẽ lưu trữ thông tin thiết yếu lên đến 72 giờ trước khi lên máy bay.

Các chuyên gia cho biết tỷ lệ xét nghiệm trên toàn dân và độ bao phủ vaccine là một trong những điều kiện quan trọng để áp dụng "thẻ xanh". Đây cũng được coi là giải pháp để khuyến khích người dân đi tiêm vaccine.

Thẻ Xanh: Tấm vé cho phép người dân quay trở lại nhịp sống bình thường ảnh 2Italy bắt buộc sử dụng thẻ xanh tại nơi làm việc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các kết quả điều tra hồi tháng 12/2020, khoảng 60% người dân Pháp vẫn chần chừ có nên tiêm chủng hay không. Đến giữa tháng 7/2021, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố chính sách thẻ xanh, đã có thêm 13 triệu dân (trong tổng số khoảng 67 triệu dân) hoàn thành tiêm mũi thứ nhất.

Chính sách "thẻ xanh" cũng đã giúp một số nước khôi phục những hoạt động kinh tế nhất định mang tính thiết yếu ở trong nước, đồng thời khai thông một số hoạt động kinh tế với bên ngoài, đặc biệt là du lịch hàng không.

Đan Mạch được coi là một trong những mô hình áp dụng "thẻ xanh" hiệu quả, sau hơn nửa năm, nước này vừa tái mở cửa nền kinh tế, vừa khống chế dịch bệnh thành công. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp dụng "thẻ xanh" được số hóa.

Với khoảng  80% dân số trên 12 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 74,14% tiêm hai mũi vaccine, ngày 10/9, Đan Mạch đã chấm dứt việc áp đặt các biện pháp hạn chế phòng, chống COVID-19, ngừng sử dụng "thẻ xanh" Coronapass.

Ông Lars Sandahl Soerensen, Tổng Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngành nghề Đan Mạch (DI), tổ chức doanh nghiệp lớn nhất nước này với 18.000 doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, gọi Coronapass là "một công cụ phi thường cho tình trạng bất thường" và là  con đường để giới doanh nghiệp Đan Mạch vượt qua cuộc khủng hoảng một cách hiệu quả.

Nhà dịch tễ học Lone Simonsen thuộc Đại học Roskilde cũng tuyên bố: “Giờ đây COVID-19 không còn là mối đe dọa với xã hội Đan Mạch nữa, nhờ có vaccine và thẻ xanh COVID-19."

Tuy nhiên, việc áp dụng "thẻ xanh" không phải lúc nào cũng thuận lợi. Tại Tây Ban Nha, chính quyền các vùng của nước này muốn áp dụng, song các tòa án dân sự cấp cao vùng và tòa án tối cao trung ương Tây Ban Nha lại không chấp nhận vì quan ngại về vấn đề quyền con người và phân biệt đối xử.

Việc phát hành "thẻ xanh" vẫn tồn tại nhiều bất cập, vấn đề bảo mật những thông tin y tế nhạy cảm của người dân và quản lý thẻ xanh cũng tạo ra không ít thách thức.

Tháng trước, nhà chức trách Italy đã triệt phá 32 kênh Telegram chuyên làm giả “thẻ xanh” với mức giá từ 150-500 euro (hơn 170-580 USD). Pháp, Anh, Brazil, Bangladesh... đều đã ghi nhận tình trạng sử dụng giấy tờ tiêm chủng/xét nghiệm COVID-19 giả.

Bên cạnh đó, việc sử dụng "thẻ xanh" trên quy mô quốc tế cần những giải pháp đồng bộ hóa, tiêu chuẩn và khung quản lý chung.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng "thẻ xanh" sẽ là xu thế của thế giới, trong bối cảnh các nước đều xác định cần tìm cách thích ứng, "sống chung an toàn với COVID-19" bởi chính sách "Không ca mắc COVID-19" đang cho thấy không khả thi trước sự xuất hiện của những biến thể siêu lây nhiễm.

Chuyên gia Michael Bang Petersen, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Aarhus, nhận định rằng hiệu quả của mô hình ở Đan Mạch cho thấy “thẻ xanh” có thể được coi là cách để mọi người bảo vệ lẫn nhau và mở lối vượt qua đại dịch.

Vấn đề là tìm ra phương thức khắc phục những bất cập đang tồn tại để "thẻ xanh" thực sự trở thành "tấm vé" đưa mọi người trở lại với cuộc sống bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục