Thêm một nghệ nhân quan họ về cõi vĩnh hằng

Cụ Nguyễn Đức Sôi - một trong số những nghệ nhân Quan họ cuối cùng đã ra đi để lại rất nhiều bài ca nổi tiếng, thành công cả về mặt âm nhạc và lời ca.
Cụ Nguyễn Đức Sôi ở làng Ngang Nội, xã Hiện Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh là một trong số những nghệ nhân Quan họ cuối cùng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Để lại rất nhiều bài ca nổi tiếng, thành công cả về mặt âm nhạc và lời ca, cụ được coi là một hiện tượng sáng tạo Quan họ nổi bật trên vùng quê xứ Bắc.

Khi văn hóa Quan họ nói chung, dân ca Quan họ nói riêng được lập hồ sơ trình Tổ chức Văn hóa và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công được cụ dìu dắt đều xúc động ghi nhớ công ơn hơn nửa thế kỉ hoạt động nghệ thuật của cụ.

Sinh ra và lớn lên ở làng Quan họ, làng chèo nổi tiếng, ngay từ khi còn trai trẻ, cụ Sôi đã có chân trong gánh hát chèo. Chính truyền thống của quê hương đã tác động mạnh mẽ và tạo nên bản sắc riêng trong loạt bài Quan họ mà cụ Sôi sáng tác.

Vào những năm 1960, khi Đoàn dân ca Quan họ mới được thành lập, cụ được mời dạy hát cho anh chị em diễn viên, sau đó làm giáo viên của Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh.

Với lòng say mê, cụ thâm nhập nhiều làng Quan họ gốc, học hỏi, sưu tầm ở các nghệ nhân, những anh hai, chị hai... để hiểu thêm sâu sắc về sinh hoạt văn hóa Quan họ và thông thuộc hàng trăm làn điệu Quan họ lưu truyền trong dân gian.

Với kiến thức, tài năng, gần 40 năm qua, cụ đã cải biên, sáng tác hơn 40 bài Quan họ nổi tiếng, được phổ biến cho nhiều thế hệ diễn viên, quần chúng yêu ca hát. Các bài Quan họ do cụ sáng tạo gồm những sáng tác mới cả về lời và giọng ca, bài đối lại những bài Quan họ cổ, dân ca Quan họ cổ có chỉnh lí và cải biên.

Những sáng tạo ấy hòa chung vào dòng dân ca quê hương, có hiệu quả dễ nhớ, dễ thuộc, dễ lưu truyền và được quần chúng nhân dân yêu thích. Những bài "Ăn ở trong rừng", "Con sông Vị thủy", "Nhớ mãi không nguôi"... được phổ biến rộng khắp đến mức nhiều người không biết ai là tác giả.

Với lời thơ chau chuốt, nhịp thơ có nhạc điệu, phát triển theo cung bậc tình cảm không gò bó, ý thơ mượn cảnh, mượn vật để nói cảnh, nói người, thể thơ kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, bài "Ăn ở trong rừng" đã được nhà nghiên cứu âm nhạc Hồng Thao xếp vào một trong 174 làn điệu Quan họ tiêu biểu.

Ba bốn năm ăn ở trong rừng
Chim kêu vượn hót nửa mừng nửa lo
Sa chân lỡ bước xuống đò
Sông sâu sào ngắn khôn dò tới nơi
Hiu hiu gió thổi về chiều
Đàn chim nhạn trắng dập dìu trên non
Đêm đông sương tiếng vượn ru con...

Bài "Con sông Vị thủy" được không ít người, không ít địa phương biết đến, nhiều lần giành được giải cao ở hội thi hát Quan họ đầu xuân. Giai điệu của bài "Con sông Vị thủy" đã đi vào bài bản Quan họ một cách tự nhiên và có sức sống lâu bền.

Những bài tiếp thu từ các giai điệu của tuồng, chèo để cải biên, chỉnh lí làm phong phú cho Quan họ như "Trèo lên trên núi Thiên Thai", "Ai lên Quán dốc", "Con sáo sang sông"..., những bài tiếp thu từ các điệu lý miền Trung và Nam Bộ như "Chia rẽ đôi nơi", "Nhớ mãi không nguôi", "Con nhện giăng mùng", "Kẻ Bắc người Nam"... mang nặng tính chất trữ tình, tạo nên nét riêng, độc đáo.

Trong sáng tác, cụ Sôi đã vận dụng nhiều câu ca dao, thơ trong Truyện Kiều, thơ Nôm khuyết danh ... đưa vào bài hát một cách phù hợp, tuân thủ theo đúng đặc điểm của thơ ca Quan họ về cả lời, ý, nhịp điệu, có sự tương đồng, hòa trộn với hàng trăm bài Quan họ cổ từng được đánh giá có chất lượng nghệ thuật rất cao. Nghệ nhân đã để lại nhiều lời ca thật hay

Tò vò ngồi khóc tỷ ti
Chim kêu vượn hót, dạ thì héo hon
Sông Cầu nước chảy đá mòn
Con tằm đến thác hãy còn vương tơ...

Sáng tác của cụ Sôi tuân thủ những thủ pháp nghệ thuật của dân ca Quan họ, cùng với trí tưởng tượng phong phú, tư tưởng triết lí sâu sa đã tạo nên những tác phẩm âm nhạc có giá trị, dễ đi vào lòng người, được truyền tụng rộng rãi trong dân gian. Tên tuổi và những đóng góp của cụ Nguyễn Đức Sôi với dân ca Quan họ đáng để hôm nay và cả mai sau ghi nhận./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục