Triển vọng dài hạn của rạn san hô Great Barrier tại Australia đã lần đầu tiên bị hạ xuống mức "rất xấu," tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với việc bảo vệ một trong những di sản thiên nhiên thế giới này.
Trong báo cáo 5 năm về tình trạng rạn san hô lớn nhất thế giới này, Cơ quan Bảo tồn hàng hải Australia đã chỉ ra rằng nhiệt độ nước biển tăng do biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất.
Tác động lớn và trên quy mô rộng khi nhiệt độ mặt nước biển đạt mức kỷ lục đã khiến rạn san hô chuyển từ trạng thái yếu sang rất yếu.
[Great Barrier Reef thu về 3,5 tỷ AUD mỗi năm cho du lịch Australia]
Báo cáo nhấn mạnh tính cấp thiết của việc quản lý chặt chẽ và hiệu quả ở mức độ toàn cầu, khu vực và địa phương để cứu rạn san hô dài 2.300km được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới này.
Theo báo cáo, rạn san hô giữ vai trò biểu tượng của Australia và triển vọng phục hồi của nó là vô cùng quan trọng. Do đó, cần phải hành động chống biến đổi khí hậu và ngăn không để chất thải nông nghiệp trôi xuống rạn san hô, qua đó bảo vệ tương lai khu vực này.
Báo cáo trên được đưa ra cùng thời điểm với các dữ liệu mới của chính phủ cho thấy trong nửa đầu năm 2019, khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Australia, nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu, tiếp tục đà tăng trong 4 năm qua.
Tuy nhiên, Chính phủ Australia cho rằng nước này vẫn đáp ứng được mục tiêu khí thải trong các hiệp ước quốc tế, đồng thời cho rằng tổng lượng khí thải của Australia vẫn thấp hơn nhiều so với những nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới.
Bộ trưởng Môi trường Australia Sussan Ley thừa nhận biến đổi khí hậu vẫn là mối đe dọa lớn nhất với rạn san hô Great Barrier, đồng thời khẳng định Australia đang hành động theo đúng cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trước đó, Liên hợp quốc đã yêu cầu cập nhật về tình trạng của rạn san hô Great Barrier để có thể quyết định xem khu vực này còn giữ được danh hiệu Di sản thế giới hay không./.