Thêm trụ cột trong quan hệ chiến lược giữa hai nước Nga và Ấn Độ

Việc tiến hành cơ chế đối thoại 2+2 trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Putin sẽ củng cố hơn nữa cấu trúc Ấn-Nga cho các cuộc thảo luận nhằm nâng cao mức độ hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực.
Thêm trụ cột trong quan hệ chiến lược giữa hai nước Nga và Ấn Độ ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: File)

Tờ Times of India mới đây đăng bài viết của cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ SD Pradhan cho rằng việc Ấn Độ và Nga tuyên bố sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước (đối thoại 2+2) bên lề hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Vladimir Putin tại New Delhi vào ngày 6/12 tới phản ánh mối quan hệ chiến lược ngày càng phát triển giữa hai nước.

Bước phát triển quan hệ này là điều dễ nhận ra sau khi hai bên nảy sinh một số bất đồng trong năm qua. Trong khi Ấn Độ lo ngại về mối quan hệ ngày càng gia tăng của Nga với Pakistan và việc máy bay của Nga đến Pakistan thông qua Trung Quốc thì Nga lại lo ngại việc Ấn Độ tăng cường quan hệ với Mỹ.

Tuy nhiên, quan hệ Ấn-Nga những năm qua phát triển đáng kể, trong đó, lĩnh vực hợp tác quốc phòng và chiến lược là những yếu tố then chốt. Từ năm 1947, Ấn Độ và Nga thiết lập quan hệ ngoại giao.

Năm 2017, hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và xét về tổng thể, quan hệ hai nước vẫn nồng ấm, thân tình và đến nay vẫn vậy. Sự ủng hộ của Liên Xô trước đây về chủ quyền của Ấn Độ đối với Kashmir và Goa là bằng chứng của tình đoàn kết và mục tiêu chung của hai quốc gia.

Chính sự hậu thuẫn ngoại giao và hỗ trợ vật chất của Liên Xô cũng như sự tin cậy lẫn nhau thông qua Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác Ấn-Xô đã giúp Ấn Độ thực hiện thành công các chiến dịch chống Pakistan năm 1971, dẫn đến việc hình thành Bangladesh.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ấn Độ và Nga ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác mới vào tháng 1/1993 và Hiệp định hợp tác kỹ thuật-quân sự được ký năm 1994. Sau đó, mối quan hệ Ấn-Nga được nâng lên cấp độ đối tác chiến lược vào năm 2000 và quan hệ đối tác chiến lược “đặc biệt và đặc quyền" vào năm 2010.

Mặc dù có giai đoạn quan hệ giữa hai bên rạn nứt, song đến năm 2014, khi nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ song phương để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh và quốc phòng, Moskva và New Delhi đã quan tâm đến những nỗ lực hàn gắn quan hệ.

Cuộc gặp thượng đỉnh thường niên giữa thủ tướng Ấn Độ và tổng thống Nga là cơ chế đối thoại được thể chế hóa cao nhất trong mối quan hệ chiến lược song phương. Tuyên bố chung được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Putin năm 2014 được coi là "Tầm nhìn tăng cường quan hệ đối tác Ấn-Nga trong thập kỷ tới."

Diễn ra luân phiên ở Ấn Độ và Nga, đây sẽ là cuộc họp thượng đỉnh thường niên lần thứ 21. Ngoài ra, các tương tác cấp bộ trưởng và thứ trưởng diễn ra thường xuyên. Hai ủy ban liên chính phủ cũng tiến hành họp hàng năm. Hai ủy ban này gồm một ủy ban về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ và văn hóa (IRIGC-TEC) do bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ và phó thủ tướng Nga đồng chủ trì, và một ủy ban hợp tác kỹ thuật quân sự (IRIGC- MTC) do bộ trưởng quốc phòng Nga và Ấn Độ đồng chủ trì.

[Nga-Ấn Độ ký nhiều thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh thường niên]

Các cuộc tham vấn thường xuyên ở cấp thứ trưởng diễn ra giữa bộ ngoại giao cũng như bộ quốc phòng hai nước. Sau khi Ấn Độ lập Hội đồng an ninh quốc gia năm 1999, các cuộc họp thường xuyên giữa cố vấn và phó cố vấn an ninh quốc gia của hai nước đã được thể chế hóa. Tại những cuộc họp này, hai bên dã thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế để giúp nhận thức được lợi ích của mỗi bên và đưa ra các phương pháp tiếp cận chung.

Về chương trình nghị sự của cuộc gặp Putin-Modi, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: "Hai bên sẽ xem xét thực tế và triển vọng quan hệ song phương, đồng thời thảo luận các cách thức để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước bên cạnh việc trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: "Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận việc phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền, đồng thời trao đổi quan điểm về những vấn đề quốc tế gồm hợp tác chung trong G20, BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải."

Kể từ đầu năm 2021, hai nước đã triển khai một số hoạt động trao đổi và tiếp xúc song phương nhằm tìm cách triển khai chương trình nghị sự nói trên. Ví dụ, tháng 2/2021, bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ đã có chuyến công du Moskva nhằm “thiết lập chương trình nghị sự đầy tham vọng” cho cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Nga. Điều đáng chú ý vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Mối quan hệ Ấn-Nga là rất gần gũi, rất đặc biệt, rất đặc quyền và chiến lược." Sau đó, ông Lavrov đã đến thăm New Delhi để thảo luận chương trình nghị sự nói trên.

Nga và Ấn Độ cũng đã thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau về những diễn biến tình hình Afghanistan. Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi nhất trí thiết lập một kênh tham vấn song phương thường trực nhằm đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và buôn bán ma túy xuất phát từ Afghanistan.

Một cuộc họp về tình hình Afghanistan đã được tổ chức dưới vai trò chủ trì của Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và sự tham dự của người đồng cấp Nga, Iran, Tajikistan, Turkmenistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan về Afghanistan. Cuộc họp kết thúc với Thỏa thuận Delhi, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập một chính phủ toàn diện tại Afghanistan để có thể đảm bảo năng lực quản trị tốt và nỗ lực chống khủng bố dưới mọi hình thức.

Chuyến thăm Ấn Độ lần này của Tổng thống Nga Putin sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác ngày càng phát triển trong các lĩnh vực hạt nhân, vũ trụ và quốc phòng, đồng thời đóng vai trò là những bước đi tiếp theo để triển khai các dự án kết nối hai nước mang tên Hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế và Hành lang Hàng hải Chennai-Vladivostok.

Bên cạnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh tới đây cũng là cơ hội để Ấn Độ và Nga phải tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế ở vùng Viễn Đông Nga như đã được hai bên dự kiến trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Vladivostok. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo có thể tập trung vào vấn đề gia tăng sử dụng đồng nội tệ của hai nước trong thanh toán song phương và thảo luận một hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và Liên minh kinh tế Á-Âu. Cuộc gặp thượng đỉnh cũng có thể thảo luận các vấn đề Afghanistan, Syria và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại cuộc họp giữa các ngoại trưởng của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, các bên đã nhất trí về sự cần thiết phải hợp tác chống khủng bố và buôn bán ma túy cũng như khuyến khích chủ nghĩa đa phương và đảm bảo pháp quyền quốc tế. Hiện Ấn Độ đã tiếp nhận hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Theo tác giả, bức tranh tổng thể không chỉ phản ánh quá trình không ngừng phát triển của mối quan hệ chặt chẽ Ấn-Nga mà còn cho thấy sự tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương dù còn tồn tại một số khác biệt. Cả Ấn Độ và Nga đang quản lý rất tốt chính sách đối ngoại của mình trong bối cảnh có những diễn biến mới liên quan đến mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Ấn Độ và Mỹ, những thách thức ngày càng tăng do Trung Quốc gây ra và mối quan hệ thân thiết của Nga với Trung Quốc và Pakistan.

Mặc dù Ấn Độ có những bất đồng với Mỹ về một số vấn đề như Iran, Pakistan, Afghanistan, Nga và thậm chí cả về Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nhưng cả hai đều đang kiểm soát sự khác biệt. Nga và Trung Quốc cũng có những điểm khác biệt. Nga cũng sẽ không tham vấn Trung Quốc về vấn đề Ukraine và Trung Quốc cũng sẽ không tham vấn Nga về những hoạt động gây hấn ở Biển Đông. Lợi ích chiến lược cơ bản của cả Ấn Độ và Nga là khuyến khích chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế để duy trì sự cân bằng chiến lược.

Đáng chú ý, Học thuyết hàng hải Nga 2015 đề cập đến việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ, tăng cường hoạt động thương mại và hàng hải của Nga trong khu vực, đồng thời thực thi an ninh hàng hải thông qua sự hiện diện của hải quân ở khơi xa và quan hệ tốt với các quốc gia khu vực. Sự hiện diện của Nga sẽ góp phần ổn định khu vực.

Việc tiến hành cơ chế đối thoại 2+2 trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Putin sẽ củng cố hơn nữa cấu trúc Ấn-Nga cho các cuộc thảo luận nhằm đảm bảo nâng cao mức độ hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực hợp tác song phương bao gồm chính trị, an ninh, thương mại và kinh tế, quốc phòng, khoa học và công nghệ và văn hóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục