Đầu Xuân trẩy hội Thơ

Thi ca không có nhiệm vụ làm "vừa lòng" công chúng

Theo nữ sĩ Phan Huyền Thư, thi ca không gánh trách nhiệm "làm vừa lòng công chúng" vậy, hãy đến với Ngày Thơ như đi trảy hội chữ nghĩa.

Ngày Thơ Việt Nam là cơ hội để công chúng yêu thơ gặp gỡ và giao lưu cùng các nhà  văn, nhà thơ. Ngày hội thơ năm nay, Sân thơ trẻ quen thuộc sẽ được thay thế bằng Sân thơ hiện đại. Phóng viên Vietnam+ có cuộc trò chuyện cùng nữ thi sĩ Phan Huyền Thư, đạo diễn chương trình Sân thơ hiện đại năm nay.

Không gì thay thế được "Sân thơ trẻ!"

- Năm nay, cái tên quen thuộc “Sân thơ trẻ” sẽ được thay thế bằng “Sân thơ hiện đại.” Là đạo diễn của sân thơ này, chị có thể cho độc giả của Vietnam+ biết cái mới và tiêu chí của Sân thơ hiện đại là gì, thưa chị?

Nhà thơ Phan Huyền Thư: Đây không phải lần đầu tiên tôi tham gia xây dựng chương trình và phối hợp với các anh chị em trong Ban Nhà văn trẻ lo việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam cho nên đối với tôi, đến với Ngày Thơ bằng tư cách là đạo diễn hay dàn dựng, viết kịch bản cũng như là người tham gia trình diễn… thì cũng đều là tâm trạng của người đi “Trẩy hội Thơ để xin lộc chữ đầu năm…”

Tôi nghĩ, không có sân thơ nào có thể thay thế được Sân thơ trẻ sau 8 năm tồn tại đã tạo được ấn tượng và thành công với người yêu thơ. Việc chuyển sang tổ chức Sân thơ hiện đại có thể là một sáng kiến mới nhưng có hay hơn và thành công hơn không thì còn phải đợi thêm thời gian và phản hồi từ công chúng.

Có lẽ, tinh thần “Thơ hiện đại” vẫn nên được hiểu là tinh thần của “Thơ đương đại”, trong đó nội hàm của nó là tinh thần trẻ, sáng tạo, đổi mới không ngừng của tất cả các nhà thơ thuộc mọi lứa tuổi, của tất cả các dòng thơ và phong cách sáng tác, bút pháp và khuynh hướng khác nhau của nền thơ viết bằng chữ quốc ngữ… Vì nhìn chung, đa phần mọi người vẫn có khái niệm “Thơ hiện đại” là thơ bắt đầu từ thế kỷ XX, kể từ khi thơ mới viết bằng chữ quốc ngữ ra đời… và thơ truyền thống là thơ cổ và trung, cận đại… viết bằng chữ Hán và Nôm…

Quay lưng vào thi ca thì quay mặt về đâu?

- Có thể nói, giới trẻ ngày nay, nhiều người quay lưng với thơ, để thu hút họ, ngày hội thơ của những năm trước người ta đã dùng cả nhạc đương đại, nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn, còn năm nay, chị sẽ làm như thế nào?

Nhà thơ Phan Huyền Thư: Đã tham gia Ngày Thơ Việt Nam 8 năm nay, tất cả những năm trước, từ nghệ thuật trình diễn, sắp đặt…cho đến đọc thơ, hát thơ… những thứ mà bạn ám thị là “người ta dùng” ấy, đều có thêm sự “tòng phạm” của tôi…

Năm nay, tôi chẳng có dự định gì ngoài việc làm tốt vai trò được Ban tổ chức, Ban Nhà văn trẻ giao nhiệm vụ… như mọi năm trước đây. Chúng tôi dự định sẽ tạm nghỉ các hình thức thể nghiệm đã từng được lựa chọn vào những năm trước và quay về “thể nghiệm” một loại hình cũ… là đọc thơ theo cách truyền thống… Biết đâu nó lại là hình thức “thơ” nhất, đỡ gây ức chế nhất…(theo như không ít các tiếng kêu cứu của các nhà phê bình văn học và báo chí bình luận về sân Thơ Trẻ những năm trước đây…?).

Tôi không nghĩ rằng chúng tôi tổ chức Ngày Thơ Việt Nam chỉ để thu hút những người trẻ đang quay lưng với thi ca của dân tộc… Họ quay lưng lại với chữ nghĩa thì họ sẽ quay mặt về đâu?

- Ngày Thơ Việt Nam mỗi năm diễn ra với một hình thức khác nhau, theo chị, những thay đổi đó để làm vừa lòng công chúng yêu thơ hay do chúng ta chưa có một kịch bản hoàn chỉnh để năm nào cũng sử dụng được?

Thi ca và nhà thơ không có nhiệm vụ làm hài lòng công chúng

Nhà thơ Phan Huyền Thư:
Hãy cho tôi biết, trên đời này cái gì là hoàn chỉnh nhỉ…? Nhất là sự “làm vừa lòng công chúng” lại không phải là nhiệm vụ của thi ca và các nhà thơ, điều đó lại càng không phải là mục đích của chúng tôi. Chúng tôi cùng chỉ là những người đến với thơ như tất cả mọi người yêu thơ khác… Vì thơ là của chung nhân loại, không có đặc quyền đặc lợi gì cho những người làm thơ.

Ngày Thơ Việt Nam là ngày tôn vinh thi ca của dân tộc, cũng là ngày tôn vinh người làm thơ và tôn vinh cả người yêu thơ nữa… Kịch bản gần như không thay đổi của Ngày Thơ đã 8 năm nay là phần lễ trang nghiêm và phần hội tưng bừng tặng cho tất cả mọi người đến dự. Theo tôi thấy thì năm nào mà chẳng vậy. Tôi có suy nghĩ rất nghiêm túc rằng đây không phải là một trò mua vui cho một đám đông những kẻ tò mò… Điều này có sự thiêng liêng của học vấn và tri thức nữa đấy!

- Được biết, chị đã từng thành công với nhiều bộ phim tài liệu, điều đó mang lại lợi thế gì cho vai một trò đạo diễn sân chơi quan trọng này?

Nhà thơ Phan Huyền Thư: Với tôi, hai việc này hoàn toàn độc lập và lợi bất cập hại.

- Chị nhận xét gì về thơ trẻ ngày nay?

Nhà thơ Phan Huyền Thư: Tôi thấy mình không có đủ tư cách để trả lời câu này. Thơ ca là một đại lộ… tôi chỉ có thể “tham gia giao thông” theo cách của mình chứ không có tham vọng quy hoạch lại hệ thống hay đánh giá, nhận xét gì được bằng những cái nhìn toàn cảnh… Đối với tôi việc nói về thơ Nguyễn Du, Tản Đà, Tố Hữu, Hồ Chí Minh… dễ hơn và an toàn hơn là nhận xét về thơ ca đương đại….

- Xin trân trọng cảm ơn chị

Đến hẹn lại lên, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 sẽ khai mạc vào Rằm Tháng Giêng nhằm tôn vinh thành tựu và giá trị của thi ca. Năm nay, Ngày Thơ không chỉ tổ chức tại Hà Nội mà còn được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An cùng với nhiều diễn đàn Thi ca sôi nổi và đậm chất vùng miền của nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục