Thí điểm bộ tiêu chuẩn hỗ trợ phụ nữ bị mua bán

Tại ĐBSCL, tính từ tháng 1/2010-6/2011, trong rất nhiều nạn nhân bị buôn bán chỉ có 50 nạn nhân từ nước ngoài trở về được tiếp nhận.
Ngày 22/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chuẩn tối thiểu hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.”

Báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tại hội thảo cho biết, nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giáp ranh với Campuchia, Thái Lan với nhiều đường tiểu ngạch, cửa biển, bến cảng, sân bay vốn là địa bàn du lịch thu hút khách trong và ngoài nước, nhưng đồng thời cũng là yếu tố dẫn đến việc mua bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài vì mục đích tình dục.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, tính từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2011, trong rất nhiều nạn nhân bị buôn bán chỉ có 50 nạn nhân từ nước ngoài trở về được tiếp nhận. Nhiều nhất là các tỉnh Sóc Trăng 17 nạn nhân, An Giang 11 nạn nhân, Đồng Tháp 7 nạn nhân...

Hoạt động buôn bán phụ nữ trẻ em vì mục đích tình dục ngày càng tinh vi và trở nên nóng bỏng. Riêng ở Cần Thơ, thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2005-2010 đã có 48 nạn nhân bị buôn bán trở về; trên địa bàn tỉnh cũng đã có 139 phụ nữ bị môi giới lấy chồng nước ngoài.

Theo nhiều ý kiến tham gia hội thảo, các nạn nhân trở về thường mắc các bệnh liên quan đến đường tình dục, bị kỳ thị, rối loạn tinh thần, trở về không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân... nên không có việc làm. Những nạn nhân này học vấn thấp nên việc đào tạo nghề, dạy văn hóa cho họ không phải dễ dàng. Trên thực tế, họ rất khó tìm được một công việc đảm bảo ổn định cuộc sống và dễ trở thành nạn nhân của những tệ nạn xã hội khác.

Trong khi đó, thủ đoạn mà bọn buôn người thường sử dụng hết sức tinh vi như chọn phụ nữ có nhan sắc, hoàn cảnh khó khăn rồi “hứa hẹn” tìm việc làm ở nước ngoài. Chỉ đến khi ra nước ngoài thì nạn nhân mới biết mình bị lừa bán, sống bơ vơ và trở thành gái mại dâm, bị xâm hại nghiêm trọng về tình dục.

Dưới vỏ bọc kết hôn chồng ngoại (nhiều nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc), nhiều phụ nữ đã bị bọn buôn người lợi dụng và đem bán mà không hề hay biết. Không ít phụ nữ lên Thành phố Hồ Chí Minh làm việc nhưng sau đó “sa bẫy” vào các tụ điểm mại dâm, rồi bị ép bán ra nước ngoài. Nhiều nạn nhân đã bị lừa gạt, ép bán qua Campuchia, Trung Quốc rồi tiếp tục bị bán sang Thái Lan, Malaysia... Số ít may mắn tìm cách thoát được để hồi hương.

Trước tình hình đó, việc ban hành và thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chuẩn nói trên là một trong những giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài.

Được biên soạn dựa trên Dự án “Nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn bán người” do Quỹ châu Á (The Asia Foundation) tài trợ, Bộ Tiêu chuẩn đề cập đến 8 quyền của nạn nhân bị mua bán; bao gồm quyền về tính mạng, sức khỏe; tôn trọng nhân phẩm, không phân biệt đối xử, kỳ thị; bí mật danh tính và thông tin cá nhân; bảo hộ quyền nhân thân nạn nhân; quyền được cung cấp thông tin về các dịch vụ hỗ trợ; quyền tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ; quyền trợ giúp pháp lí miễn phí; các quyết định liên quan đến nạn nhân phải dựa trên cơ sở bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội các tỉnh, thành đã triển khai việc thí điểm trực tiếp Bộ Tiêu chuẩn đối với nạn nhân hiện đang lưu trú tại trung tâm hỗ trợ nạn nhân, nhà tiếp nhận hỗ trợ. Nhờ đó, quyền của nạn nhân được đảm bảo tốt hơn, họ cũng nhận thức rõ ràng hơn quyền của mình.

Tuy nhiên, việc áp dụng thí điểm Bộ Tiêu chuẩn cũng gặp không ít trở ngại, mức kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng/năm/tỉnh là quá thấp, thời gian triển khai không nhiều, phạm vi hẹp (2 xã/tỉnh). Hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về địa phương không qua tiếp nhận do tâm lý mặc cảm nên không khai báo chính quyền, không ở lại địa phương mà đi làm ăn xa.

Cán bộ xã hội làm công tác tư vấn vừa thiếu và yếu. Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo. Vì đang còn ở dạng dự thảo, chưa được ban hành dưới hình thức một văn bản quy phạm pháp luật nên việc triển khai Bộ Tiêu chuẩn còn bị hạn chế.

Theo lãnh đạo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, sắp tới, Bộ Tiêu chuẩn này sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh để sớm trở thành văn bản quy phạm pháp luật và có thể sẽ được tiến hành ở một số tỉnh miền Bắc./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục