Những hình ảnh hiếm có trên thế giới đã xuất hiện trong cuộc thi “sắc đẹp” dành cho những người đồng tính nam trên toàn thế giới (Mr Gay World) tổ chức ở Nam Phi cuối tuần qua: Thí sinh Philippines xuất hiện trong trang phục với đôi cánh nhân tạo, thí sinh Mexico thì đội trên đầu những chiếc mũ Maya kỳ quái, một thí sinh Phần Lan thì chỉ đơn giản quấn một chiếc khăn tắm lên mình. Đây mới là năm thứ 4 cuộc thi này được tổ chức và là lần đầu tiên giải diễn ra ở châu Phi. Trong 3 lần trước, có 2 lần người giành giải nhất là công dân Nam Phi, đều là người da trắng. Năm nay, người giành danh hiệu "Mr Gay" là anh Andreas Derleth, quốc tịch Đức, hiện đang sống ở New Zealand. Anh đã đánh bại 21 người đàn ông khác để giành chiến thắng chung cuộc. Taurai Zhanje, một thí sinh đến từ Zimbabwe, nơi mà tổng thống Robert Mugabe đã ví những người đồng tính nam là “tồi tệ hơn cả loài chó và loài lợn” cũng vẫn dũng cảm dự thi sau những lời đe dọa, cảnh báo từ chính phủ nước này đến gia đình anh. Sự tương phản giữa phần còn lại của lục địa đen với đất nước Nam Phi là không thể lớn hơn được nữa. Tại Nam Phi, những người đồng tính nam đã được luật pháp công nhận, có thể kết hôn hay nhận con nuôi, trong khi nhiều nước vẫn còn cấm đoán và kỳ thị, thậm chí là xử tử. Một trong các thí sinh của cuộc thi năm nay, Lance Weyer, là ủy viên hội đồng địa phương tại thành phố biển East London. Weyer đã ca ngợi đất nước Nam Phi với chính sách công nhận người đồng tính, ngay cả khi vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia châu Phi khác. "Chúng ta cần phải bàn thảo một cách nghiêm túc vấn đề này với những chính phủ các nước khác,“ Weyer phát biểu trong đêm trao giải. Hiện có rất nhiều người đồng tính nam da đen tại Nam Phi là nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử và các cuộc tấn công. Những người đồng tính nữ thì vẫn luôn là mục tiêu của các vụ cưỡng bức, trong đó những hung thủ đều lấy lý do là giúp họ… chữa bệnh đồng tính.
Đêm chung kết cuộc thi Mr Gay World 2012 (Nguồn: AFP)
Ở một số nước châu Phi như Botswana và Malawi, những người đồng tính nam trẻ tuổi tham gia hoạt động thành nhóm với nhau qua điện thoại và Internet. Họ bắt đầu đi vào hoạt động quy củ để mong đem lại những cái nhìn khác về vấn đề nhạy cảm này. Trên thế giới, không chỉ có châu Phi là mảnh đất duy nhất phân biệt đối xử với người đồng tính. Tại Bulgaria, cựu vận động viên Olympic Chavdar Arsov đã bị mất chức huấn luyện viên đội tuyển trượt lòng máng sau khi anh tham dự cuộc thi. Hầu hết các thí sinh đến từ châu Âu và châu Mỹ, không có người Hồi giáo và châu Á./.
Y.N (Vietnam+)