Thị trường chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều

Chứng khoán châu Á có xu hướng trái chiều, màu xanh cũng bao phủ các sàn chứng khoán Nhật Bản, nhưng đi xuống tại Hong Kong.
Chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 25/7 trong xu hướng trái chiều.

Tại Trung Quốc, sự phục hồi của nhóm cổ phiếu tài chính trước hoạt động mua vào tích cực của giới đầu tư đã đem lại màu xanh cho các sàn chứng khoán, với chỉ số Shanghai Composite tăng được 8,76 điểm.

Màu xanh cũng bao phủ các sàn chứng khoán Nhật Bản trong bối cảnh đồng bạc xanh tăng nhẹ với đồng yen sau báo cáo tích cực về doanh số bán nhà mới ở Mỹ. Nikkei 225 tăng 0,11% (15,93 điểm) ngay từ những phút giao dịch đầu tiên.

Ngược lại, tại Hong Kong, các cổ phiếu lại đi xuống do nhà đầu tư chịu tâm lý không tốt từ phiên giảm điểm đêm trước trên Phố Wall. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong để mất 96,79 điểm (0,44%) ngay từ đầu phiên.

Đêm trước (24/7) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng có một phiên biến động trái chiều song màu đỏ chiếm chủ đạo trên các bảng điện tử. Kết quả lợi nhuận kém cỏi và triển vọng không sáng sủa của tập đoàn Caterpillar đã kéo lùi chỉ số chủ chốt Dow Jones.

Đóng cửa phiên này, Dow Jones Industrial Average để mất 25,50 điểm (0,16%) về 15.542,24 điểm sau khi đã lập kỷ lục cao mới trong phiên trước đó; S&P 500 trượt 6,45 điểm (0,38%) xuống 1.685,94 điểm trong khi Nasdaq Composite nhích nhẹ 0,33 điểm (0,01%) lên 3.579,60 điểm.

Cùng ngày ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu lại nô nức đi lên khi được hậu thuẫn bởi những số liệu tốt hơn về nền kinh tế Khu vực Eurozone cũng như một số báo cáo kết quả lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, đà tăng có phần bị hạn chế do những số liệu đáng thất vọng từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc.

Theo Kathleen Brooks, giám đốc nghiên cứu tại Forex.com, tin tức lớn nhất trong phiên này là châu Âu rốt cuộc đã cho thấy những dấu hiệu ban đầu của tăng trưởng, trong đó nổi bật là Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực Eurozone, sau khi đã trải qua một giai đoạn tồi tệ nhất.

Còn tại Tây Ban Nha và Italy thì tình hình đã tương đối ổn định. Các nhà phân tích cho biết, lần đầu tiên trong vòng 18 tháng qua, các doanh nghiệp tư nhân ở Khu vực Eurozone đã bắt đầu có tăng trưởng trở lại trong tháng Bảy và đây có thể được coi như tín hiệu cho sự kết thúc suy thoái ở khu vực.

Đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chủ chốt trong khu vực đều tăng điểm, trong đó FTSE 100 của Anh tiến thêm 0,35% lên 6.620,43 điểm; DAX 30 của Đức thêm 0,78% lên 8.379,11 điểm và CAC 40 của Pháp nhảy 1,01% lên 3.962,75 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục