Thị trường hàng xa xỉ không chính thức ở Trung Quốc bị siết chặt

Trung Quốc sẽ tăng phí các gói hàng từ nước ngoài và làm mạnh tay với người buôn lậu hàng xa xỉ, trong nỗ lực nhằm khuyến khích hoạt động mua sắm ở trong nước và siết chặt thị trường không chính thức.
Thị trường hàng xa xỉ không chính thức ở Trung Quốc bị siết chặt ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: notey.com)

Trung Quốc sẽ tăng phí đối với các gói hàng được đặt từ nước ngoài và làm mạnh tay với những người buôn lậu hàng xa xỉ, trong nỗ lực nhằm khuyến khích hoạt động mua sắm ở trong nước và siết chặt thị trường không chính thức mà người mua lựa chọn để tránh thuế.

Mặc dù các tín đồ mua sắm người Trung Quốc chỉ đóng góp 1/3 trong doanh số bán xa xỉ phẩm trên toàn cầu, doanh số bán tại Trung Quốc đại lục thực sự chỉ chiếm 1/5.

Số còn lại là các mặt hàng được mua ở nước ngoài, hoặc là do khách du lịch người Trung Quốc đặt hàng từ các trang web của nước ngoài hoặc được những cá nhân xách tay từ nước ngoài về bán ở trong nước.

Việc người Trung Quốc mua sắm ở nước ngoài khiến chính phủ nước này bị thất thu thuế và cũng không khuyến khích được hoạt động tiêu dùng trong nước, nhất là với các mặt hàng cao cấp, để cân bằng lại nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, điều mà lâu nay đang được hướng tới.

Các mặt hàng xa xỉ như một chiếc túi hiệu Dolce & Gabbana mới nhất được mua ở Milan hay Paris có thể rẻ hơn khoảng 50% so với ở Trung Quốc đại lục, mặc dù các thương hiệu như Chanel với giá tại Trung Quốc rẻ hơn vào năm ngoái đã giảm được sự chênh lệch này.

Một số người Trung Quốc chuộng mua các sản phẩm đắt tiền ở nước ngoài bởi có thể chắc chắn hơn rằng chúng là hàng thật và có được các lựa chọn và các dịch vụ tốt hơn ở trong nước.

Các hãng sản xuất hàng xa xỉ đã đầu tư mở cửa hiệu ở Trung Quốc nhưng đôi khi các cửa hiệu quá vắng khách, điều có nguy cơ làm tổn hại đến các thương hiệu.

Tình hình trở nên đáng ngại hơn trong năm qua, khi số liệu của hãng tư vấn Bain & Co cho thấy mức tiêu thụ hàng xa xỉ tại Trung Quốc đại lục giảm 2% trong năm 2015, mặc dù sức mua của khách hàng Trung Quốc tăng 251% tại Nhật Bản, 31% tại châu Âu và 33% tại Hàn Quốc.

Để đối phó những người bán hàng xách tay, Chính phủ Trung Quốc tuần trước đã tăng mức phạt với những người làm tờ khai giả và thắt chặt kiểm soát hải quan. Các nhà chức trách đang tăng cường bắt giữ những hành lý chất đầy hàng xa xỉ tại sân bay và đánh thuế số hàng này.

Từ ngày 8/4, Trung Quốc cũng sẽ tăng thuế đánh vào một loạt mặt hàng hoặc được đặt trực tuyến từ nước ngoài hoặc được xách tay về.

Trung Quốc cũng thắt chặt việc sử dụng thẻ thanh toán UnionPay ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục