Thị trường KHCN Việt Nam: Vẫn loay hoay kết nối cung-cầu

Việt Nam đã bước đầu hình thành thị trường khoa học công nghệ, song việc kết nối giữa người bán sản phẩm (cá nhân, tổ chức nghiên cứu) và người mua (doanh nghiệp) còn nhiều bất cập.
Thị trường KHCN Việt Nam: Vẫn loay hoay kết nối cung-cầu ảnh 1Xưởng thực hành cơ điện tử và robot tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập cũng như phát triển của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dù đã bước đầu hình thành thị trường khoa học công nghệ, nhưng thực tế ở Việt Nam, việc kết nối giữa người bán sản phẩm (cá nhân, tổ chức nghiên cứu) và người mua (doanh nghiệp) còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Hình thành thị trường

Hiện, ở Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1 triệu trí thức khoa học công nghệ, đang làm việc tại 100 trường đại học, cao đẳng; 218 tổ chức khoa học công nghệ và hơn 100.000 doanh nghiệp trên địa bàn.

Với lực lượng trí thức khoa học công nghệ đông đảo này, Thành phố có rất nhiều kết quả nghiên cứu ra đời hàng năm. Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2012, việc kết nối chuyển giao công nghệ trên địa bàn khá thấp, gần như không đáng kể.

Đến nay, thị trường khoa học công nghệ là 1 trong 5 thị trường nổi bật, bên cạnh thị trường bất động sản, tiêu dùng... ở Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này chứng tỏ thị trường khoa học công nghệ đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển kinh tế-xã hội.

Thị trường KHCN Việt Nam: Vẫn loay hoay kết nối cung-cầu ảnh 2Máy cấy không động cơ - sản phẩm sáng chế của anh nông dân Vũ Văn Dung ở Ninh Bình. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đối tượng tham gia các sàn giao dịch chủ yếu là doanh nghiệp (khoảng 80%), các nhà sáng chế, sáng tạo quần chúng (11%), còn lại là viện nghiên cứu, trường đại học.

Trong năm 2016, Sàn Giao dịch Công nghệ thành phố đã tiếp nhận 145 yêu cầu về công nghệ và thiết bị; đã xử lý, cung cấp thông tin cho hơn 80 doanh nghiệp có nhu cầu; đi đến ký kết thành công 7 hợp đồng chuyển giao công nghệ, giá trị gần 8 tỷ đồng.

Tuy vậy, giai đoạn năm 2012-2016, tại các sàn giao dịch mới có khoảng 40 hợp đồng chuyển giao được ký kết với tổng trị giá vỏn vẹn chừng 50 tỷ đồng.

Cả một thành phố lớn như vậy mà mỗi năm giá trị chuyển giao chỉ có khoảng 10 tỷ đồng vẫn là quá thấp.

"Loay hoay" kết nối

Khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đầu tư cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp, khoảng 30% doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, chưa có chiến lược phát triển hoặc chưa định hướng được phương thức đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị.

Theo ông Trần Anh Tám, Phó Ban nghiên cứu Phát triển (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí), đơn vị có hội đồng khoa học công nghệ để thực hiện các nghiên cứu phục vụ phát triển, đồng thời đang có hướng mua các công nghệ, kết quả nghiên cứu bên ngoài.

Khó khăn hiện nay chính là mối liên kết giữa viện-trường-doanh nghiệp chưa tốt, những nhà cung cấp có ít kinh nghiệm trong việc chào bán các hàng hóa khoa học công nghệ, có ít thông tin về nhu cầu xã hội, trong khi bên có nhu cầu lại ít thông tin về nguồn cung cấp hàng hóa công nghệ. Do vậy, các đề tài và kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ chưa có "đầu ra" triệt để.

Bên cạnh đó, sản phẩm nghiên cứu chưa thực sự bám sát nhu cầu doanh nghiệp, quy mô đề tài nghiên cứu nhỏ và tính phổ biến ứng dụng hạn chế.

Tiến sỹ Huỳnh Quyền, Phó Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp cần những chuyên gia thực thụ để giúp họ giải quyết những bài toán về công nghệ, phát triển sản phẩm trong doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tìm được đúng chuyên gia theo yêu cầu thực tế của đơn vị mình.

Trong năm 2016, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định về Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.

Đây là một trong những chương trình trọng điểm của thành phố với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ và đồng bộ thị trường khoa học và công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, năng cao năng suất.

Thị trường KHCN Việt Nam: Vẫn loay hoay kết nối cung-cầu ảnh 3Máy cắt rau, chuối cây… đa năng của anh Phong đã giúp nhiều hộ dân địa phương có thể mở rộng sản xuất chăn nuôi. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Theo ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh), trong thời gian tới, thành phố sẽ đầu tư khoa học công nghệ tập trung hơn, ưu tiên cho những hoạt động nghiên cứu trực tiếp giải quyết vấn đề cấp bách của thị trường, xã hội; thúc đẩy phát triển, khuyến khích xây dựng mối liên kết chuỗi giữa khu vực doanh nghiệp và nghiên cứu.

Định hướng của thành phố giai đoạn 2016-2020, giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ trên thị trường thành phố hằng năm tăng bình quân không dưới 15% và không dưới 20% đối với một số lĩnh vực công nghệ cao được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

Đưa nghiên cứu vào thực tiễn

Trong giai đoạn 2011-2015, lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt bình quân khoảng 200 đơn/năm, trong đó, một số giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tiễn nên đã được giới thiệu trên các sàn giao dịch.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Tố Như, Phó trưởng Phòng Sở hữu Trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh), các sáng chế, giải pháp hữu ích được thương mại hóa hiện nay chủ yếu theo phương thức tự thỏa thuận nên không có con số thống kê chính xác về số lượng sáng chế đã được chuyển giao và trên thực tế so với tiềm năng hiện có thì số sáng chế đã thương mại hóa rất ít.

Thị trường KHCN Việt Nam: Vẫn loay hoay kết nối cung-cầu ảnh 4Khách tham quan mô hình xe đạp chạy bằng năng lượng Mặt trời tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 7. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Cách đây mấy năm, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ hàng hải Nhật Quang đã sáng chế ra gạch âm dương với nhiều ưu điểm nổi trội so với gạch truyền thống. Song, sau một thời gian, sản phẩm này không được thương mại hóa rộng rãi dù khả năng ứng dụng thực tế khá cao.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, công ty đã tìm đến một số nhà đầu tư để giới thiệu sáng chế gạch âm dương nhưng chưa thành công. Các nhà đầu tư chưa muốn sản xuất một sản phẩm mới và vẫn sản xuất gạch truyền thống (gạch nung đất sét) vì lợi nhuận đang ổn định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều nhà sáng chế chưa biết cách truyền tải “thông điệp” sản phẩm của mình một cách dễ hiểu, vẫn nặng tính “kỹ thuật” cũng là một hạn chế. Cũng chính những hạn chế này đã gây khó khăn trong kết nối cung cầu giữa nhà sáng chế và thị trường.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, tình trạng này là do doanh nghiệp chưa tin tưởng vào các nhà khoa học, nhà sáng chế trong nước và vẫn ưu tiên đi mua công nghệ. Trong khi đó, những việc làm của nhà nước chưa thực sự đủ mạnh nhằm khuyến khích, phát hiện sớm các sáng chế để có những hỗ trợ kịp thời.

Thương mại hóa ngay từ ý tưởng

Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2008-2016, có 1.635 đơn sáng chế được đăng ký, có 251 văn bằng được cấp. Những sáng chế này có thể do nhà khoa học, sáng chế tự đầu tư nghiên cứu, tự ứng dụng sáng chế, chào bán nên chưa xác định đúng giá trị thương mại thực tế của sáng chế.

Thực tế hiện nay, một số sáng chế được thương mại hóa tương đối khả quan lại chỉ tập trung ở một số trường như Đại học Bách khoa, Đại học Nông lâm, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các đơn vị của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đơn cử năm 2012, số tiền thương mại hóa sáng chế của Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh thu được là 90 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, từ kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ chuyển thành sản phẩm đưa vào thị trường là cả quá trình rất gian nan, có những sản phẩm phải mất 10 năm mới thương mại hóa được.

Thành phố cũng đã nỗ lực thương mại hóa nhưng hiệu quả, sức lan tỏa chưa cao.

Để giảm thời gian đưa sáng chế ra thị trường, bà Hoàng Tố Như cho rằng không nhất thiết phải chờ có bằng sáng chế mới thương mại hóa mà quá trình này được diễn ra ngay từ khi có ý tưởng.

Nếu nhà sáng chế có ý tưởng hay có thể chào mời người khác tham gia, đầu tư vào để hoàn hiện hoặc ngay sau nộp đơn đăng ký có thể thương mại hóa sáng chế.

Tuy nhiên, thời điểm này nếu thương mại thì sẽ gặp nhiều rủi ro nên thời điểm tối ưu nhất để thương mại hóa là ngay sau khi có văn bằng bảo hộ. Do đó, cần khuyến khích các chủ thể sáng chế nên đăng ký trong hoặc ngoài nước trước khi thương mại hóa để tránh rủi ro.

Theo định hướng của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ đạt 70%, với mức đầu tư chiếm 8% lợi nhuận trước thuế; số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 22.000 đơn/ năm, trong đó số đơn đăng ký sáng chế đạt 400 đơn/ năm; hỗ trợ hình thành mới 100 tổ chức trung gian thị trường khoa học công nghệ…

Do vậy, việc thương mại hóa các sáng chế sẽ giúp thị trường khoa học công nghệ phát triển sôi động hơn, đưa kết quả nghiên cứu đi vào thực tiễn đời sống.

Bà Hoàng Tố Như đề xuất, cần mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức trung gian, các sàn giao dịch, không chỉ dừng lại ở việc kết nối, giới thiệu sáng chế mà cần đào sâu hơn nữa về giá trị thương mại của sáng chế để việc kết nối có hiệu quả cao hơn, đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển mô hình hợp tác đầu tư giữa nhà đầu tư-nhà sáng chế-doanh nghiệp để phát huy tối đa lợi thế của các nhân tố tạo ra giá trị thương mại của sáng chế./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục