Tại hội thảo "Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025," tổ chức mới đây, nhiều tham luận đã chỉ ra các bất cập đối với ngành này trong vấn đề năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và tỷ lệ nội địa hóa...
Để có cách nhìn toàn diện hơn, Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã có một số trao đổi với phóng viên về cơ chế chính sách hiện nay, qua đó đóng góp những ý kiến nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.
- Thưa ông, những lo ngại về ngành công nghiệp nhất là công nghiệp phụ trợ đã được chuyên gia đề cập tới, vậy ông đánh giá thế nào về chính sách phát triển công nghiệp trong thời gian vừa qua?
Tiến sỹ Lê Xuân Sang: Cũng phải nói rằng, trong vài thập niên qua, chính sách phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Có thể thấy, cùng với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp đã góp phần hình thành thêm một số ngành mới.
Thêm vào đó, một số doanh nghiệp của Việt Nam đã tận dụng được cơ hộ để nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh để có thể vươn ra tầm khu vực.
Nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế, trên vài phương diện rất quan trọng, đến nay chúng ta vẫn chưa đạt được như kế hoạch đặt ra. Đơn cử trong ngành công nghiệp hỗ trợ, chỉ một số ít doanh nghiệp có thể đạt được kế hoạch về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa như mục tiêu ban đầu đối với ngành này và có thể trở thành trụ cột cho ngành công nghiệp phát triển.
- Vậy nguyên nhân của những yếu kém trên là gì thưa ông?
Tiến sỹ Lê Xuân Sang: Có thể thấy, dù Việt Nam là nước đi sau nhưng trình độ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn thấp, chưa ứng dụng được nhiều thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất trong khi năng lực của doanh nghiệp lại yếu kém, chưa bắt kịp với xu hướng đi lên của thế giới chính vì thế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ khó đạt được như kế hoạch đề ra.
Hơn nữa do trình độ phát triển thấp nên không bảo đảm được lợi thế kinh tế về vĩ mô cho công nghiệp hỗ trợ và không đảm bảo được trình độ nhân lực chất lượng cao để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn ngành.
Quan trọng hơn, chúng ta cũng phải thấy một yếu tố quan trọng không kém chính là việc đầu tư vốn cho lĩnh vực này vẫn còn chưa nhiều. Thực tế, chính sách hỗ trợ của Việt Nam vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thời gian qua đã có nhưng chậm được ban hành. Đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn cho công nghiệp phụ trợ gần đây mới được thể chế hóa, do vậy cùng với năng lực yếu kém của doanh nghiệp thì công nghiệp phụ trợ phát triển chậm là việc dễ hiểu.
Một điểm nữa là việc hoạch định chính sách đối với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ chưa thực sự hiệu quả. Tất cả các yếu tố trên là nguyên nhân cơ bản khiến công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng, hậu quả là giá trị tạo ra trong nước của nhiều ngành rất thấp, kéo theo nhập khẩu nhiều, chính vì vậy người được hưởng lợi nhiều hơn trong ngành lại là những nước mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa.
Chính vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu và đặc biệt với việc đề cao vai trò Chính phủ kiến tạo, việc thiết kế chính sách phải chuyên nghiệp hơn, thông minh hơn và nâng cao một cách cơ bản thì Việt Nam với tính cách là người đến muộn, mới thu được lợi nhiều hơn từ việc hội nhập, nhất là các FTA thế hệ cao.
- Vậy theo ông thời gian tới, định hướng về những chính sách trong lĩnh vực này cần tập trung như thế nào?
Tiến sỹ Lê Xuân Sang: Theo tôi, điều quan tâm hiện nay là phải nâng cao hơn nữa hiệu quả cũng như sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Tiếp đến là tập trung phát triển nguồn nhân lực và tận dụng hội nhập để có được lợi thế kinh tế công nghiệp vĩ mô.
Tuy vậy, việc thu hút chính sách đầu tư nước ngoài ở Trung ương đến địa phương cũng phải tính và hiểu rất rõ các mạng lưới chân rết của các công ty xuyên quốc gia, để từ đó có chính sách thu hút phù hợp.
Ví dụ bên Trung Quốc họ sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ tốt rồi, nếu ở miền Bắc của Việt Nam cũng tính để đầu tư và thu hút dạng như vậy thì không thành công, mà cần tính tới mạng lưới toàn khu vực.
Cụ thể hơn là phải xem chúng ta có thể len vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất khu vực như thế nào? Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu rất chuyên sâu, cũng như đòi hỏi kiến tạo của chính sách phải lớn hơn nữa.
- Ông có thể nói rõ hơn các cơ hội của doanh nghiệp khi tham gia các hiệp định thương mại tự do?
Tiến sỹ Lê Xuân Sang: Theo tôi, doanh nghiệp Việt cần nỗ lực là một khâu hoặc mắt xích của của chuỗi liên kết (giá trị và sản xuất). Đây là cách để doanh nghiệp bắt kịp các xu hướng quản lý, sản xuất, quản lý, công nghệ.
Bên cạnh đó, từng doanh nghiệp cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của mình đang và sẽ đầu tư, điểm mạnh, điểm yếu, cũng như tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng và nhận thức đúng các cơ hội, rủi ro như lịch trình cắt giảm thuế quan, xu thế công nghệ và quản trị doanh nghiệp.
- Vậy khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định RCEP liệu chúng ta có tận dụng được gì để phát triển ngành công nghiệp cũng như tạo động lực lớn hơn cho nền kinh tế không thưa ông?
Tiến sỹ Lê Xuân Sang: Trước khi đi vào đánh giá tác động RCEP với kinh tế Việt Nam, cần phải thấy rằng, việc hoàn tất hiệp định này tương đối khó và đến nay chưa thực sự rõ ràng.
Còn với Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu được thực hiện theo đúng tinh thần cốt lõi như ban đầu sẽ rất tốt cho kinh tế của Việt Nam. Đơn cử hàng dệt may, chỉ có TTP là có quy định từ “sợi trở đi”, đây là những quy định giúp Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi nhanh hơn sang mô hình tăng trưởng có giá trị gia tăng lớn hơn và có tính tự chủ kinh tế cao hơn....
Còn đối với hiệp định RCEP để đón nhận được những cơ hội của hiệp định này cũng cần chuẩn bị rất kỹ. Bởi vì chúng ta biết, từ năm 2010 đến nay dưới tác động của hiệp định Trung Quốc-ASEAN với hàng rào thuế quan hạ xuống rất mạnh thì hầu hết các nước ASEAN phải chịu thậm hụt với Trung Quốc, đây cũng là yếu tố mà nhiều đối tác trong RCEP rất lo ngại.
- Xin cảm ơn ông./.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013...
Điểm khác biệt lớn nhất của TPP và RCEP là việc áp đặt tiêu chuẩn hoạt động thương mại. Không như TPP, được coi là một hiệp định thế hệ mới yêu cầu sự đồng nhất chặt chẽ giữa các nước thành viên và có "chất lương cao", RCEP đặt ra các tiêu chuẩn thấp hơn và chấp thuận việc các nước thành viên đặt các rào cản không đồng nhất...
RCEP chú trọng hơn vào việc phát triển đồng nhất nền kinh tế của khu vực ASEAN, kết hợp giữa tầm nhìn khu vực ASEAN + 3 của Trung Quốc và ASEAN + 6 của Nhật Bản để kết nối giữa những quốc gia đã sẵn có thoả thuận sẵn với nhau.