Chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 20%

Do những bất lợi về quy mô sản xuất và phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện sản xuất lắp ráp, chi phí sản xuất ôtô ở Việt Nam ước tính cao hơn so với xe nhập khẩu từ Thái Lan khoảng 20%.
Chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 20% ảnh 1Lắp ráp ôtô tại nhà máy Toyota Phúc Yên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo ông Wail A Farghaly, Trưởng Nhóm công tác công nghiệp ôtô-xe máy thuộc Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam, các nhà sản xuất ôtô trong nước sẽ phải đối mặt với tình huống khó khăn để tiếp tục sản xuất trong nước khi dòng chảy của nhiều mẫu xe có sức cạnh tranh cao về chi phí được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.

Do những bất lợi về quy mô sản xuất và phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện sản xuất lắp ráp, nhà sản xuất ôtô trong nước còn cần phải thanh toán các chi phí liên quan đến vận chuyển, đóng gói và thuế nhập khẩu. Do đó, chi phí sản xuất ôtô ở Việt Nam ước tính cao hơn so với xe nhập khẩu từ Thái Lan khoảng 20%, chưa nói đến năm 2018 khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN miễn thuế cho các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực.

Ông Wail A Farghaly cho rằng chính sách khuyến khích sản xuất nêu tại Điều 5-1 trong Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/2/2016 về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là một biện pháp quan trọng cho các công ty ôtô. Tuy nhiên, chính sách hiện tại vẫn còn chung chung và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị các đề xuất dự án để có thể hưởng ưu đãi từ chính sách này.

Nhóm công tác công nghiệp ôtô-xe máy đề xuất Chính phủ có thể loại bỏ tất cả thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ôtô mà Việt Nam vẫn chưa sản xuất được để tăng sức cạnh tranh về giá cho các sản phẩm sản xuất trong nước. Đồng thời, áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và minh bạch trong việc nhập khẩu xe nhập nguyên chiếc, thẩm định giá kê khai của các xe ôtô nhập khẩu và kiểm soát chặt chẽ đối với xe đã qua sử dụng nhập khẩu. Cùng với đó, làm rõ thêm nội dung và yêu cầu khuyến khích sản xuất được đề cập trong Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ban hành các chính sách có liên quan để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho xe ôtô.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho rằng do sản lượng của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn quá nhỏ bé so với Thái Lan và Indonesia, nếu các nhà sản xuất ôtô của Việt Nam tiến hành nội địa hóa nhiều hơn nữa khi sản lượng còn nhỏ thì phần lớn sẽ làm tăng chi phí. Vì lý do đó, hiện nay các nhà sản xuất ôtô Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện nhập khẩu.

Do nhập khẩu phần lớn linh kiện CKD, các nhà sản xuất ôtô của Việt Nam phải chịu chi phí đóng gói, vận chuyển rất cao, hơn nữa họ còn phải đóng thuế nhập khẩu linh kiện. Vì vậy chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia. Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện CKD theo hiệp định đối tác kinh tế chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về 0% từ năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục