Theo VietnamWorks, Công ty tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Việt Nam, năm 2014, Tết rơi vào thời điểm cuối tháng Một và đầu tháng Hai, cùng với đà tăng của nhu cầu nhân lực ba quý cuối năm 2013, dẫn đến khả năng nhu cầu nhân lực vào tháng 1/2014 không xuống quá thấp so với mặt bằng chung.
Do đó, dự đoán thị trường nhân lực sau Tết năm 2014 tuy có sôi động hơn nhưng sẽ không có những chuyển biến nhảy vọt như năm 2012.
VietnamWorks cho biết mức tăng nhu cầu nhân lực và nguồn cung nhân lực trước và sau Tết của năm 2012 lớn hơn nhiều so với năm 2013. Điều này có thể giải thích do Tết năm 2012 rơi vào tháng Một, khi thị trường nhân lực khá yên ắng.
Trong khi đó, Tết năm 2013 rơi vào giữa tháng Hai, nghĩa là thị trường nhân lực đã có khoảng thời gian "làm nóng" trước khi vào thời gian nghỉ Tết. Do đó, nhu cầu nhân lực và nguồn cung nhân lực sau Tết năm 2013 không tăng mạnh như năm 2012.
Năm 2012, hầu hết chuyển động của thị trường nhân lực sau Tết tập trung vào các vị trí trung cấp thuộc nhóm cấp bậc có kinh nghiệm (không phải quản lý) hoặc cấp bậc trưởng nhóm-giám sát. Tuy nhiên, năm 2013, thị trường nhân lực sau Tết lại thêm phần sôi động ở nhóm cấp bậc cao như giám đốc-CEO và nhóm cấp bậc thấp khởi đầu-mới ra trường-nhân viên thực tập.
Nhìn chung, thị trường nhân lực sau Tết năm 2013 có xu hướng cân bằng cho các nhóm cấp bậc, mặc dù các vị trí có kinh nghiệm (không phải quản lý) vẫn là các vị trí cần tuyển nhiều nhất. Dự đoán trong năm 2014, thị trường nhân lực vẫn sẽ tiếp tục đi theo xu hướng của năm 2013.
Báo cáo số liệu trước và sau Tết trong năm 2012 và 2013 của VietnamWorks cũng cho thấy, một số ngành nổi bật hơn cả trong thị trường nhân lực sau Tết như truyền thông-báo chí-viễn thông-quảng cáo, tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần nhu cầu trước Tết.
Trong khi đó, về nguồn cung nhân lực, các công ty ngành bán sỉ-bán lẻ chiếm ưu thế khi số lượng hồ sơ ứng tuyển tháng sau Tết tăng đến 350% so với trước Tết năm 2012, còn mức tăng trong năm 2013 là 103%.
Top 10 ngành có mức tăng nhu cầu tuyển dụng cao nhất sau Tết trong năm 2013 gồm truyền thông-báo chí-viễn thông-quảng cáo, dịch vụ y tế-chăm sóc sức khỏe, vận chuyển-kho bãi, giáo dục-đào tạo, hàng tiêu dùng nhanh, hành chính-tư vấn-dịch vụ pháp lý, bán sỉ-bán lẻ, sản xuất, ngân hàng, công nghệ-kỹ thuật.
Cũng theo VietnamWorks, năm 2013 có thêm nhiều nhân lực cho các ngành mới phát triển tại Việt Nam. Về nguồn cung lao động, các ngành môi trường- xử lý chất thải, bán hàng kỹ thuật, bán lẻ, bán sỉ, xuất nhập khẩu và dịch vụ khách hàng là những ngành có mức tăng cao nhất, trong đó đáng chú ý là ngành môi trường-xử lý chất thải tăng đến 50% và ngành bán hàng kỹ thuật tăng 36%.
Điều này phần nào cho thấy Việt Nam đang trên đà tăng đáng kể nguồn nhân lực cho các ngành mới phát triển mạnh như môi trường và kỹ thuật công nghệ.
Tuy nhiên, nhìn tổng quan 12 tháng năm 2013, ngành thu hút nhiều nhân lực mới nhất vẫn là ngành dịch vụ khách hàng, phản ánh cả lực lượng lao động dồi dào cho ngành này lẫn nhu cầu tăng trưởng ổn định cho công việc chăm sóc khách hàng, phục vụ cho việc duy trì và mở rộng kinh doanh của các công ty.
Ngược lại, các ngành nghề quen thuộc như quảng cáo-khuyến mãi-đối ngoại, bán hàng, kiến trúc-thiết kế nội thất, xây dựng và hành chính-thư ký lại giảm nguồn cung vào quý 4/2013 so với cùng kỳ năm 2012.
Trong năm 2013, các ngành đòi hỏi nhiều kỹ năng mềm hoặc khả năng sáng tạo như hành chính-thư ký, quảng cáo-khuyến mãi-đối ngoại và kiến trúc-nội thất liên tục "khát" nguồn cung nhân lực, trong khi các ngành kỹ thuật và bán hàng luôn luôn có nguồn nhân lực dồi dào và sẵn sàng./.