Thị trường nông sản tuần qua: Giá càphê, tiêu giảm mạnh

Tuần qua (từ ngày 4/1 đến 9/1), nhiều nông sản như càphê, tiêu đã có sự giảm giá mạnh; đặc biệt là mặt hàng tiêu, sau khi có sự bật tăng khá tốt vào tuần trước đó.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá càphê, tiêu giảm mạnh ảnh 1Một vườn càphê tại Đắk Lắk. (Ảnh: Vietnam+)

Tuần qua (từ ngày 4/1 đến 9/1), nhiều nông sản như càphê, tiêu đã có sự giảm giá mạnh.

Đặc biệt là mặt hàng tiêu, sau khi có sự bật tăng khá tốt vào tuần trước đó. Tuần qua, mặt hàng này quay đầu lao dốc mạnh, thậm chí có nơi giá tiêu đã về mốc 50.000 đồng/kg.

Thị trường trong nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, giá một số loại lúa giảm nhẹ. Ngày 8/1, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.600-6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tuần trước; một số loại lúa chất lượng cao như OM cũng giảm nhẹ 100 đồng/kg, còn từ 6.800-7.000 đồng/kg; một số loại lúa khác vẫn duy trì giá ổn định như lúa Đài Thơm 8 từ 7.000-7.200 đồng/kg; lúa Nhật 7.700-7.900 đồng/kg.

Trong khi đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang có sự tăng nhẹ. Giá gạo thường dao động ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.500-15.000 đồng/kg, tăng 200-500 đồng/kg. Một số gạo vẫn duy trì ổn định như: gạo Nhật 24.000 đồng/kg, tấm thường 12.000 đồng/kg, nếp từ 13.000-14.000 đồng/kg, gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg…

Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến trong tháng Một này, một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch khoảng trên 1,2 triệu tấn lúa vụ Đông Xuân sớm.

Tại thị trường nội địa, dự kiến tháng Một này giá gạo tiếp tục giữ vững ở mức cao do nhu cầu mua đều và đặc biệt là nhu cầu từ kho gạo chợ làm hàng Tết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng khối lượng gạo xuất khẩu cả năm ngoái đạt 6,15 triệu tấn với giá trị 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với khoảng 32% thị phần.

Nhìn lại cả năm 2020, giá lúa, gạo tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long biến động theo chiều hướng tăng, với giá lúa thường tăng khoảng 1.500-2.000 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 1.000-1.200 đồng/kg, tùy từng thời điểm và mùa vụ. Giá lúa sụt giảm thấp nhất vào khoảng tháng 2 do nguồn cung thu hoạch vụ Đông Xuân dồi dào và nhu cầu tiêu thụ yếu.

[Biến động thị trường nông sản tuần qua: Giá tiêu tiếp tục giảm mạnh]

Theo Diễn đàn của người làm càphê, tuần qua giá càphê ở khu vực Tây Nguyên liên tục giảm, khiến mặt hàng này mất mốc 32.000 đồng/kg. Giá càphê ngày 9/1 dao động ở mức 31.300-31.700 đồng/kg, giảm 1.300 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá càphê thấp nhất tại Lâm Đồng là 31.300 đồng. Còn các địa phương khác như Gia Lai, Đắk Nông có giá là 31.600 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất là 31.700 đồng/kg.

Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.733 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.

Tại Việt Nam, giao dịch trầm lắng do nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung lại tăng từ vụ thu hoạch hiện tại, đẩy giá giảm mạnh theo cùng diễn biến với giá trên sàn London. Do giá đang ở mức thấp nên nông dân chưa muốn bán ra nhiều.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, tồn kho càphê tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021. Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu càphê lớn của Việt Nam đều gặp thiệt hại lớn vì dịch COVID-19 và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao, tăng cường nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà.

Theo Tintaynguyen, sau khi bật trở lại vào tuần trước, giá tiêu lại nhanh chóng quay đầu giảm mạnh. Giá tiêu ngày 9/1 trong khoảng 50.000-53.000 đồng/kg, giảm 1.500-3.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa-Vũng Tàu là 53.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 52.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, giá tiêu ở mức thấp nhất là 50.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Trong tháng 12/2020, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã tổ chức khảo sát trên diện rộng tại các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai. Đây là những vùng trọng điểm có diện tích trồng tiêu chiếm hơn 90% diện tích tiêu cả nước.

Sau khi khảo sát, VPA nhận định, cùng với sự sụt giảm diện tích do thiếu chăm sóc, sản lượng hồ tiêu vùng Đồng Nai có thể giảm 25% và Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 20% trong niên vụ 2020/2021.

Hàng tồn kho vẫn còn ở một số nông hộ có điều kiện kinh tế tốt, đại lý và giới đầu cơ. Phong trào sản xuất tiêu sạch và bền vững đã và đang được mở rộng. Tuy nhiên để tiếp tục duy trì sản xuất và tái đầu tư vườn tiêu thì yếu tố chi phí lao động được nông dân ưu tiên xem xét và cân nhắc.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá càphê, tiêu giảm mạnh ảnh 2Nông dân tại Gia Lai chăm sóc vườn tiêu. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ trầm lắng khi thiếu các yếu tố hỗ trợ. Bên cạnh đó, thời điểm giáp Tết Nguyên Đán cũng là lúc Việt Nam bước vào vụ thu hoạch nên giá xuất khẩu tiêu nhiều khả năng sẽ giảm xuống.

Thị trường thế giới

Về thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ gia tăng trong tuần này do đồng rupee mạnh và nhu cầu cao hơn từ các quốc gia khác, trong khi giá gạo tại Thái Lan cũng tăng cao hơn dấy lên lo ngại về việc mất ưu thế cạnh tranh so với các đối thủ châu Á khác.

Tại thị trường Ấn Độ, giá gạo tấm 5% được giao dịch ở mức 383-390 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 381-387 USD/tấn của tuần trước đó.

Ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành tại Công ty Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, cho biết giá gạo tăng do đồng rupee mạnh lên, song mức giá này vẫn khá cạnh tranh. Đồng rupee của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng trong tuần này, làm giảm lợi nhuận của các thương nhân trong giao dịch với đối tác nước ngoài.

Chính phủ Bangladesh đã thông qua thỏa thuận mua 150.000 tấn gạo từ Công ty NAFED của Ấn Độ. Nhập khẩu gạo của Dhaka có thể sẽ tăng lên 2 triệu tấn vào niên vụ 2020/21.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 500-505 USD/tấn.

Theo các doanh nghiệp, thị trường gạo năm 2021 sẽ có nhiều điểm sáng khi nhập khẩu gạo của Philippines dự báo sẽ tăng thêm 0,4 triệu tấn vì sản lượng gạo dự kiến giảm gần 8% và tiêu thụ sẽ tăng đều đặn.

Ngoài ra, lượng gạo nhập khẩu của Côte d'Ivoire, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dự báo sẽ tăng 200.000 tấn/nước. Nhập khẩu gạo dự kiến sẽ tăng nhẹ ở Guinea, Iran, Madagascar, Mali và Mỹ. Đây là cơ hội cho ngành gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Việt Nam cũng bắt đầu mua gạo từ Ấn Độ lần đầu tiên sau nhiều thập niên, khi giá gạo trong nước tăng lên mức cao nhất trong 9 năm.

Giá gạo 5% tấm tiêu chuẩn của Thái Lan tuần này đã tăng lên mức 515- 520 USD/ tấn, từ mức 510-516 USD/tấn của tuần trước. Các thương nhân tại Bangkok cho biết nhu cầu đối với gạo Thái Lan không tăng, phần lớn do đồng baht mạnh, dẫn đến giá gạo xuất khẩu của nước này cao hơn so với giá chào bán gạo của Việt Nam và Ấn Độ.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn diễn biến trái chiều trên Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/1, trong đó, ngô Mỹ và đậu tương đều tăng giá, trong khi giá lúa mỳ lại hạ.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá càphê, tiêu giảm mạnh ảnh 3Cánh đồng lúa mỳ ở gần Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Khép phiên này, giá ngô giao tháng 3/2021 tăng 2,25 xu Mỹ (0,46%) lên 4,9625 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng tăng 19,5 xu Mỹ (1,44%), lên 13,7475 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 3/2021 lại giảm 3,5 xu Mỹ (0,54%) xuống 6,3875 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) nhận định rằng, giá đậu tương đang hướng tới mức 14 USD/bushel, còn giá ngô kỳ hạn cũng hướng tới mức 5,1 USD/bushel.

Sự phục hồi mạnh mẽ của giá đậu tương trong tuần này là do thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo nước này sẽ bán 204.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc trong niên vụ 2020-2021.

Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 8/1, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London chứng kiến đà sụt giảm phiên thứ năm liên tiếp. Giá càphê Robusta giao tháng Ba tới giảm 18 USD, xuống 1.318 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng Năm tới cũng giảm xuống còn 1.329 USD/tấn.

Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York tiếp nối xu hướng tăng từ trước đó. Giá càphê Arabica giao tháng Ba tới tăng thêm 2,6 xu Mỹ, lên 123,7 xu/lb và giá kỳ hạn giao tháng Năm tới tăng thêm 2,65 xu, lên 125,75 xu/lb (1 lb = 0,453 kg).

Các thị trường càphê hiện đều đang chịu áp lực nguồn cung sau khi Tổ chức Càphê Quốc tế (ICO) báo cáo xuất khẩu toàn cầu trong hai tháng đầu niên vụ mới 2020/2021 đã tăng 6,5% so với niên vụ trước, lên 20,2 triệu bao 60 kg, tăng so với con số 18,9 triệu bao trong cùng giai đoạn này một năm trước đó.

Tuy nhiên, giá càphê Arabica tại New York đã kết thúc chuỗi ngày giảm khi có tin từ Liên đoàn Càphê quốc gia (FNC) của Colombia dự báo sản lượng năm nay sẽ giảm khoảng 6% so với năm trước.

Giới đầu tư trên sàn London lại tỏ ra thận trọng trước áp lực bán ra lượng càphê dự phòng trong niên vụ mới khá mạnh đã đẩy giá càphê Robusta giảm xuống mức thấp 4 tuần ngay khi Việt Nam - nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới- gần như đã hoàn tất thu hoạch vụ mùa mới.

Báo cáo tồn kho tại sàn London cũng cho thấy đã tăng lên mức cao hơn 8 tháng. Trong khi đó, lo ngại nhu cầu tiêu thụ sụt giảm vì nhiều quốc gia phải tái lâp các biện pháp giãn cách xã hội do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 lây lan.

ICO cho biết xét chung trong hai tháng 10/2020 và 11/2020, các nước xuất khẩu càphê chính đã vận chuyển 20,2 triệu bao 60kg sang các nước khác, tăng so với con số 18,9 triệu bao trong cùng giai đoạn một năm trước đó. Yếu tố chính đằng sau sự gia tăng này là xuất khẩu tăng vọt từ Brazil, quốc gia đã ghi nhận vụ thu hoạch càphê kỷ lục trong năm 2020.

Tại thị trường Việt Nam, giá càphê nhân xô tại các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên giảm thêm 300-400 đồng, xuống dao động trong khung 31.400-31.800 đồng/kg. Giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.429 USD/tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục