Trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có xu hướng giảm. Trong khi đó, càphê có xu hướng tăng nhẹ, còn mặt hàng tiêu giữ ổn định sau thời gian biến động mạnh.
Thị trường trong nước
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh trong tuần qua nhìn chung có tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ. Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.200-6.300 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Một số loại lúa chất lượng cao như OM từ 6.300-6.500 đồng/kg, giảm 100-200 đồng/kg tùy loại; lúa Đài Thơm 8 từ 6.300-6.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; lúa Nhật vẫn giữa ổn định đạt từ 7.500-7.600 đồng/kg;
Ngược lại, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang vẫn có xu hướng ổn định. Cụ thể, giá gạo thường dao động ở mức từ 10.500-11.500 đồng/kg, gạo Hương Lài 18.000 đồng/kg, gạo Nhật là 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000-14.000 đồng/kg, riêng gạo Jasmine từ 14.000-15.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua, giá lúa nhìn chung tiếp tục có xu hướng giảm. Giá lúa thường tại ruộng được mua cao nhất là 6.600 đồng/kg, bình quân là gần 6.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Giá lúa thường tại kho cũng giảm bình quân 170 đồng/kg, với mức giá cao nhất là 7.600 đồng/kg và trung bình là 7.100 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các loại gạo cũng giảm khoảng 300 đồng/kg tùy loại. Giá gạo 5% tấm cao nhất 11.300 đồng/kg, 15% tấm là 10.950 đồng/kg, 25% tấm là 10.750 đồng/kg.
Hiện các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo sản xuất lúa vụ Hè Thu 2021 đạt hiệu quả cao, hạn chế sự lây nhiễm của các đối tượng gây hại, cũng như nguy cơ tác động của khô hạn, xâm nhập mặn.
[Làm gì để thúc đẩy liên kết sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long?]
Tại Long An, địa phương này khuyến cáo nông dân ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, đề xuất của doanh nghiệp, thương lái thu mua, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; cần chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập hạn, mặn, phèn.
Các giống lúa chủ lực như ST 24, ST 25, RVT, VD 20, OM 4900, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, nếp…
Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng khuyến khích, hướng dẫn nông dân sử dụng giống xác nhận, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với cơ cấu nhóm lúa chính như ST24, Một bụi Đỏ, OM 5451, OM 2517…
Ngoài ra, từ các nhóm lúa này, tùy theo vùng sinh thái ở các địa phương có thể lựa chọn cơ cấu giống lúa phù hợp để sản xuất an toàn, năng suất, chất lượng cao.
Theo Diễn đàn của người làm càphê, giá càphê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua có xu hướng tăng trở lại. Giá càphê ngày 10/4 dao động ở mức 31.600-32.400 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Giá càphê thấp nhất tại Lâm Đồng là 31.600 đồng. Tại các địa phương khác như: Gia Lai, Đắk Nông có giá là 32.300 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất là 32.400 đồng/kg.
Tại cảng Tp. Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, đứng ở 1.398 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.
Theo Tintaynguyen, giá tiêu ngày 10/4 trong khoảng 70.000-74.000 đồng/kg, tương đương với cuối tuần trước. Nhìn chung trong tuần qua, giá tiêu có xu hướng ổn định.
Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa-Vũng Tàu là 74.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 72.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu ở mức thấp nhất là 70.000 đồng/kg.
Vụ thu hoạch hạt tiêu trong nước dự kiến kết thúc vào cuối tháng 4/2021, nhưng đến nay những đánh giá về sản lượng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Giá hồ tiêu có những đợt lên xuống thất thường khiến cả đại lý và nông dân sản xuất rất khó đoán định.
Vụ tiêu năm nay giá tiêu đang ở mức tốt giúp bà con nông dân có lợi nhuận. Mặc dù vậy, thị trường hiện đang tiềm ẩn bất ổn, giá lên xuống khó dự đoán khiến bà con không khỏi lo lắng.
Thị trường thế giới
Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan đồng loạt giảm trong tuần này do đồng rupee và baht yếu, trong khi hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam chậm lại sau vụ thu hoạch.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đã giảm tuần thứ hai liên tiếp, xuống 390-395 USD/tấn, từ mức 393-398 USD/tấn ghi nhận hồi tuần trước, khi đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất gần 5 tháng.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), cho biết đồng rupee giảm giá tạo lợi nhuận cao hơn cho các thương nhân, đã cho Bangladesh, vốn giữ vị thế là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, đã tăng tốc nhập khẩu gạo để tích trữ khi nguồn gạo dự trữ của nước này đang cạn kiệt do tác động của các trận lũ lut liên tiếp.
Bên cạnh việc mở các gói thầu cung cấp gạo, Bangladesh cũng đang tìm cách mua thêm gạo theo các thỏa thuận giữa nhà nước với nhà nước, chủ yếu là từ Ấn Độ.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống còn 465-482 USD/tấn, chỉ trên mức trung bình trong hơn 5 tháng, từ mức tương ứng 488-500 USD/tấn vào tuần trước.
Các nhà giao dịch có trụ sở tại Bangkok cho biết sự sụt giảm giá gạo phần lớn là do đồng baht giảm gần 4% kể từ đầu tháng 3/2021, và một phần cũng do thị trường chững lại trước kỳ nghỉ Năm mới của Thái Lan vào tuần tới.
Gạo 5% tấm của Việt Nam cũng giảm xuống còn 495- 500 USD/tấn, từ mức 505- 510 USD/tấn vào tuần trước do nhu cầu suy yếu. Theo các thương lái, hiện do cuối vụ thu hoạch, chất lượng lúa kém nên nhu cầu mua chậm, dẫn tới tình trạng thương lái bỏ cọc nhiều.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong quý I/2021 Việt Nam đã xuất khẩu được 1,1 triệu tấn gạo, trị giá 606 triệu USD, giảm lần lượt 30,4% về lượng và 17,4% về giá trị so với cùng kỳ.
Thị trường nông sản Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 9/4), khi giá ngô và đậu tương sụt giảm, còn giá lúa mì tăng.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2021 giảm 2,5 xu Mỹ (0,43%) xuống 5,7725 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng hạ 12,25 xu Mỹ (0,87%) xuống 14,03 USD/bushel.
Trong khi đó, giá lúa mì giao tháng 5/2021 lại tăng 10 xu Mỹ (1,59%), lên 14,03 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cắt giảm dự trữ ngô cuối niên vụ 2020-2021 của Mỹ khoảng 150 triệu bushel, xuống còn 1.352 triệu bushel, nhưng nâng mức ước tính sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác thêm 50 triệu bushel, lên 5.700 triệu bushel và nhu cầu ngô để sản xuất rượu tăng thêm 25 triệu bushel, lên 4.975 triệu bushel.
Tổng cộng, nhu cầu ngô trong nước của Mỹ trong niên vụ 2020-2021 đã tăng 75 triệu bushel, lên 12.100 triệu bushel, ít hơn 85 triệu bushel so với niên vụ trước đó, trong khi xuất khẩu ngô của nước này trong cùng kỳ cũng tăng 75 triệu bushel, lên 2.675 triệu bushel.
Dự trữ lúa mì của Mỹ trong niên vụ 2020-2021 đã tăng 16 triệu bushel lên 852 triệu bushel, với mức giảm 25 triệu bushel sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác và lượng lúa mì nhập khẩu giảm 10 triệu bushel.
AgResource cho rằng ngô sẽ dẫn đầu về xu hướng tăng giá nông sản trong vụ mùa tới, tiếp theo là lúa mì và sau đó là đậu tương.
Trong thời gian tới, thị trường sẽ tập trung hoàn toàn vào việc nguồn cung ngô và đậu tương bị thắt chặt và giá thầu cơ sở tăng, cũng như thời tiết bất thường tại Mỹ và nhiều khu vực trồng nông sản trên thế giới.
Thị trường càphê thế giới cho thấy, giá càphê kỳ hạn quay trở lại đà tăng trong phiên 9/4 trên cả hai sàn, khi Brazil bắt đầu vào thu hoạch vụ mùa mới năm nay với dự báo sản lượng sụt giảm nghiêm trọng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta giao tháng 5/2021 trên sàn ICE Europe-London đảo chiều tăng 16 USD, lên 1.345 USD/tấn và giá càphê Robusta kỳ hạn giao tháng 7/2021 tăng 20 USD, lên 1.369 USD/tấn.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York cũng trở lại đà tăng. Giá càphê Arabica kỳ hạn giao tháng 5 tăng 1,1 xu Mỹ, lên 127,85 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 7/2021 tăng 1,05 xu Mỹ, lên 129,75 xu Mỹ M /lb (lb=0,4535 kg).
Theo dự báo, giá càphê nhìn chung vẫn đang đi ngang trong ngắn hạn trên xu hướng giảm trung hạn.
Giá càphê Arabica kỳ hạn tháng 5 đã tăng gần 1%, lên mức 127,85 xu Mỹ/lb trước khi giảm. Chỉ số USD tiếp tục giảm sau khi hồi phục nhẹ vào giữa tuần, xuống mức thấp nhất trong vòng nửa tháng đã hỗ trợ tích cực cho giá các loại hàng hóa.
Tuy nhiên, việc USD giảm do các chỉ số kinh tế tiêu cực, điển hình là việc số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ đã tăng lên 744.000 đơn vào tuần trước, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ càphê, đặc biệt là các loại có giá trị cao như càphê Arabica.
Tuy nhiên, nguồn cung càphê trên thế giới đang đứng trước nguy cơ thu hẹp khi việc trồng càphê ở vùng núi phía Bắc của quốc gia Trung Mỹ Nicaragua ngày càng khó khăn hơn qua mỗi năm.
Nguyên nhân là do nhiệt độ tăng cao làm hỏng mùa màng, khiến trái càphê chín nhanh một cách bất thường và gây sâu bệnh hại trên lá.
Đến nay, những khó khăn trong việc trồng càphê ở khu vực này đã kéo dài đến một thập niên. Những người nông dân hiện đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn, hoặc tiếp tục trung thành với cây càphê hoặc tìm một một hướng đi mới để kiếm kế sinh nhai./.