Làm gì để thúc đẩy liên kết sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long?

Đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân để sản xuất bền vững, có được sản phẩm lúa gạo có chất lượng tốt để xuất khẩu thì Việt Nam sẽ chủ động xuất khẩu gạo, không lo biến động giá.
Làm gì để thúc đẩy liên kết sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long? ảnh 1Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

Liên kết sản xuất lúa giữa nông dân và doanh nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn được thực hiện từ nhiều năm nay tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng minh hiệu quả mang lại rất lớn cho cả hai bên.

Thế nhưng mô hình này gần đây vẫn chưa tăng được quy mô sản xuất, diện tích sản xuất, vẫn chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể so với diện tích sản xuất toàn vùng. Đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững là yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp, nông dân và ngành nông nghiệp hiện nay.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn hiện nay vẫn chưa có bước đột phá gì mới so với trước đây.

Trong vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 1.519ha; trong đó có 160.000ha được nông dân, các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, giảm 10.000ha so với cùng kỳ...

Theo Cục Trồng trọt, nguyên nhân chủ yếu là do trong quá trình liên kết sản xuất lúa vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như do sản lượng lúa thu hoạch tập trung, nông dân có thói quen bán lúa tươi nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị phương tiện vận chuyển, không đủ các thiết bị phơi sấy và kho tàng chứa đựng nên khi nông dân thu hoạch lúa phải mất nhiều ngày mới được doanh nghiệp thu gom hết làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa.

[Ngành lúa gạo mang nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2021]

Ngoài ra, trong hợp đồng mua bán giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng các công ty thu mua không kịp thì nông dân bán lúa ra ngoài thương lái và sự biến động về giá làm ảnh hưởng đến việc thu mua của các doanh nghiệp.

Do thiếu hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết các tranh chấp trong liên kết, hợp đồng ký kết chưa được ràng buộc giữa doanh nghiệp và nông dân, không có sự thống nhất về địa điểm thu mua, ẩm độ, tạp chất, thiếu chế tài khi các bên không thực hiện đúng hợp đồng... nên các bên tham gia dễ vi phạm hợp đồng.

Mặt khác, một bộ phận nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ theo quy trình sản xuất do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chưa tham gia sinh hoạt, họp hội đầy đủ dẫn đến việc khó khăn trong triển khai chính sách...

Theo tính toán của Cục Trồng trọt, ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hécta lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20 đến 25%, thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường.

Nguyên nhân làm giảm chi phí giá thành sản xuất lúa là do nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đã đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đồng thời còn làm tăng chất lượng lúa gạo, tăng giá trị lúa gạo và giá bán.

Đặc biệt, người nông dân được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu yên tâm sản xuất không lo sợ về đầu ra sản phẩm bị ế ẩm, mất giá.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, hiện nay, giá lúa gạo Việt Nam xuất khẩu bán được giá cao một phần là do một số chuỗi cung ứng lúa gạo trên thế giới bị đứt gãy do tình hình dịch bệnh COVID-19.

Do đó, để phát triển lúa gạo bền vững thì vấn đề liên kết sản xuất lúa gạo bền vững mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra là rất đúng và cần tiếp tục đi sâu chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ hơn nữa tại các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân để sản xuất bền vững, có được sản phẩm lúa gạo có chất lượng tốt để xuất khẩu thì Việt Nam sẽ chủ động xuất khẩu gạo, không lo sợ các biến động trên thế giới.

Mặt khác, theo ông Bình, muốn nâng cao giá trị xuất khẩu của lúa gạo hơn nữa thì chất lượng lúa gạo phải nâng lên. Chẳng hạn như việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay đang khuyến khích cách làm của một loạt các doanh nghiệp áp dụng việc đưa thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi đồng ruộng để có được hạt gạo sạch xuất khẩu với giá trị cao. Đây là cách mà hiện nay nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nên cần khuyến khích nhân rộng ra tại các địa phương.

Ông Bình cũng cho biết, doanh nghiệp Trung An là đơn vị đi tiên phong trong việc áp dụng mô hình loại hẳn thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi đồng ruộng đối với canh tác 1.400ha lúa trong vụ Đông Xuân 2020-2021 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, mô hình này nông dân đang thu hoạch gần hết toàn bộ diện tích và đã cho kết quả rất thành công.

Mặc dù bước đầu thực hiện quy trình canh tác này nông dân lo sợ không đạt năng suất nhưng kết quả sơ bộ đạt trên 8 tấn/ha đồng thời do lúa không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên nông dân giá bán cũng rất cao...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để sản xuất lúa gạo bền vững là rất đúng. Mô hình sản xuất cánh đồng lớn đã hình thành gần 10 năm nay nhưng liên kết một cách thực chất, bài bản thì cần được tổng kết, xem xét đánh giá lại.

Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao cho Cục Trồng trọt tổ chức tổng kết, đánh giá để có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa mô hình liên kết phát triển lúa gạo bền vững tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục