Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm

Nguyên nhân khiến giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm là do nguồn cung tăng, nhiều địa phương bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm ảnh 1Thu hoạch lúa ở Tiền Giang. (Nguồn: TTXVN)

Trong tuần qua, giá lúa các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự giảm ở nhiều địa phương.

Nguyên nhân do nguồn cung tăng, nhiều địa phương bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy giá lúa tại Sóc Trăng như sau: Đài thơm 8 là 7.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 5451 là 7.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Tương tự giá lúa ST 24 cũng giảm 200 đồng/kg còn 8.300 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, giá lúa vẫn giữ ổn định như Jasmine là 7.600 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg.

Giá lúa tại Tiền Giang một số loại như IR 50404 là 6.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Jasmine là 7.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; lúa OC10 ổn định ở mức 6.800 đồng/kg.

Tại Kiên Giang giá lúa vẫn ổn định như IR 50404 là 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.

Tại Hậu Giang một vài loại lúa có sự giảm giá 100 đồng/kg như lúa IR 50404 còn 7.000 đồng/kg; OM 18 là 7.400 đồng/kg.

[Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa vẫn giữ được ở mức cao]

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhiều loại lúa trên địa bàn địa phương có sự giảm giá có mạnh, hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.300-6.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg.

Mức tương tự cũng diễn ra với nhiều loại khác như OM 5451 còn từ 6.200-6.300đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.300-6.500 đồng/kg. Giảm mạnh hơn từ 350-400 đồng/kg còn với lúa Nàng hoa 9 còn từ 6.100-6.300 đồng/kg; IR 50404 còn từ 5.950--6.150 đồng/kg.

Tuy nhiên với nếp lại tăng từ 100-200 đồng/kg như nếp An Giang có giá từ 5.700-6.200 đồng/kg; nếp Long An từ 6.700-7.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở Nam Bộ, lúa Đông Xuân 2022-2023 đã thu hoạch gần 470.000ha (chiếm 31% diện tích gieo trồng).

Diện tích lúa đang giai đoạn chín hiện đang có trên 750.000ha, chiếm khoảng 50% diện tích gieo trồng.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm được giao dịch ở mức từ 440-445 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Các nhà giao dịch cho biết vụ thu hoạch Đông Xuân tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đạt đỉnh điểm, giúp tăng nguồn cung trong nước, song điều này không ảnh hưởng nhiều đến giá do nhu cầu dự kiến sẽ mạnh.

Theo dữ liệu hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 534.607 tấn gạo trong tháng 2/2023.

Trong khi đó, trên thị trường gạo châu Áu, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ nới rộng đà giảm trong tuần này do nhu cầu từ các nước nhập khẩu chính giảm.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 385-390 USD/tấn trong tuần này so với mức 390-395 USD/tấn trong tuần trước. Giá loại gạo này đã giảm từ khoảng 400 USD/tấn ghi nhận trong tuần kết thúc ngày 23/2, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành tại Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Ấn Độ, cho biết giá gạo xuất khẩu và giá cước vận tải tăng gần đây đã ảnh hưởng đến nhu cầu.

Trong tháng 2/2023, hai nguồn tin chính phủ cho biết Ấn Độ không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và cắt giảm 20% thuế đối với gạo trắng xuất khẩu do nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này đang cố gắng kiềm chế giá trong nước.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 460 USD/tấn, so với mức 450-460 USD/tấn ghi nhận trong tuần trước. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho hay giá gạo vẫn ở mức này bởi cung và cầu không có nhiều thay đổi. Cần phải đợi vụ thu hoạch mới.

Trong khi giá gạo trong nước của Bangladesh vẫn tăng bất chấp nỗ lực hạ giá mặt hàng lương thực này.

Chính phủ Bangladesh đã cho phép các thương nhân tư nhân nhập khẩu gạo, đồng thời mua gạo từ các nước xuất khẩu chính như Việt Nam, Ấn Độ và Myanmar.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đi ngược chiều, trong đó giá ngô và lúa mỹ tăng còn giá đậu tương giảm.

Khép phiên này, giá ngô giao tháng 5/2023 tăng 5,75 xu (0,94%) lên 6,1725 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 5/2023 tăng 13,5 xu (2,03%) lên 6,7925 USD/bushel.

Trong khi đó, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 3,75 xu (0,25%) xuống 15,07 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá lúa mỳ tăng trở lại nhờ hoạt động mua bù thiếu. Trong khi đó, vụ mùa đậu tương và ngô của Argentina giảm do hạn hán sẽ đẩy giá đậu tương kỳ hạn lên mức cao mới. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago nhận thấy ngô và lúa mỳ hình thành mức thấp theo mùa, cảnh báo không nên bán ra tại đây.

Một nguồn tin ngày 9/3 cho hay một thỏa thuận bán 184.000 tấn đậu tương vụ mùa cũ của Mỹ có khả năng là cho Trung Quốc. Trung Quốc dự kiến nhập khẩu từ 99-102 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 2022-2023.

Thời tiết nóng và khô kéo dài trên khắp các khu vực trồng trọt của Argentina, nhưng sẽ có một vài đợt mưa nhỏ vào nửa cuối tuần tới.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm ảnh 2Càphê (Nguồn: customsnews)

Thị trường càphê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều giảm.

Giá càphê Robusta giao tháng 5/2023 giảm 28 USD xuống 2.140 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng 7/2023 giảm 26 USD xuống 2.131 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York đảo chiều tăng. Giá càphê Arabica giao tháng 5/2023 tăng 2,75 xu lên 177,80 xu/lb và giá càphê Arabica giao tháng 7/2023 tăng 2,50 xu lên 177,10 xu/lb. (1lb = 0,45kg) Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Giá càphê nhân xô hôm nay ngày 11/03/2023 tại các tỉnh Tây nguyên giảm từ 400 – 500 đồng, xuống dao động trong khung 47.000 – 47.500 đồng/kg.

Giá càphê kỳ hạn tiếp tục xu hướng trái chiều, trong đó giá càphê Robusta giảm ngay sau báo cáo của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu tháng 2/2023 đạt 200.056 tấn (khoảng 3,334 triệu bao), tăng mạnh tới 40,35% so với tháng trước và cao hơn ước tính ban đầu ở mức 3 triệu bao. Điều này đã làm giảm bớt mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.

Hội đồng các nhà xuất khẩu càphê Brazil (Cecafé) công bố dữ liệu cho thấy tổng xuất khẩu càphê trong tháng 2/2023, bao gồm càphê hạt, càphê rang xay, càphê hòa tan, đạt 2,396 triệu bao, giảm 33,3% so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, lũy kế xuất khẩu càphê các loại trong 8 tháng đầu tiên của niên vụ càphê hiện tại 2022/2023 chỉ đạt 24,621 triệu bao, giảm hơn 7,7% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Cecafé giải thích nguyên nhân xuất khẩu năm nay sụt giảm là do giá bình quân xuất khẩu giảm tới 13% so với cùng kỳ. Dữ liệu của Cecafé cũng chỉ rõ trong hai tháng đầu năm 2023 Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 5.226 triệu bao, giảm 25,4% so với mức 7,008 triệu bao trong hai tháng đầu năm 2022.

Liên đoàn càphê Quốc gia (FNC) ở Colombia bày tỏ quan ngại sản lượng càphê Arabica chế biến ướt chất lượng cao nửa đầu năm nay chỉ đạt khoảng 5 triệu bao, giảm 4,8% so với cùng kỳ do thời tiết không thuận lợi cho sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục