Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau tháng 8 khá sôi động, bỗng trở nên “im lìm” vào tháng 9 khi trong nửa đầu tháng, chưa có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn ảnh 1(Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, nhưng các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng trước mắt thị trường vẫn còn rất nhiều khó khăn, cần có giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Thực tế cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau tháng 8 khá sôi động, bỗng trở nên “im lìm” trong tháng 9. Cụ thể, nửa đầu tháng 9, chưa có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết số đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 là 30 đợt với tổng giá trị hơn 30.600 tỷ đồng. Các đợt phát hành trong tháng 8 có lãi suất trung bình 9,18%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 2-5 năm. Tuy nhiên, đến giữa tháng 9 chưa có đợt phát hành nào tính từ đầu tháng.

Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận gần 140.000 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng và 111 đợt phát hành riêng lẻ, chiếm 88% tổng số phát hành.

Theo VBMA, các doanh nghiệp đã mua lại 125 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 166.654 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,78% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng 86.294 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho biết áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong tháng 9/2023 vẫn lớn, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vẫn tiếp tục tăng lên.

Theo ước tính của VNDIRECT, trong tháng 9/2023 sẽ có khoảng hơn 25.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn.

Tháng 9/2023 vẫn là một trong những tháng có giá trị đáo hạn lớn nhất trong năm 2023 mặc dù tổng giá trị đáo hạn trong tháng này giảm khoảng 7,3% so với tháng 8.

Tính đến ngày 24/8 có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.

VNDIRECT ước tính tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này khoảng 173.680 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

[Các doanh nghiệp mua lại trước hạn hơn 145.200 tỷ đồng trái phiếu]

Chuyên gia phân tích Nguyễn Thị Phương Thanh tới từ VNDIRECT nhìn nhận sau vài năm tăng trưởng mạnh, Chính phủ đã giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế vào quý 2/2022, dẫn đến sự thu hẹp của thị trường này.

Trong nửa cuối 2023, VNDIRECT không kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng mạnh như những năm trước do áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn kéo dài cho đến cuối năm.

Trong quý 3, ước tính của VNDIRECT cho thấy sẽ có hơn 75.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 14,9% so với quý 2.

Ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, với gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý 3. Trong khi đó, các chủ đầu tư vẫn đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong xây dựng do vấn đề thanh khoản, điều này có thể khiến người mua nhà từ chối thanh toán các khoản thế chấp và làm tổn thương tâm lý thị trường nhiều hơn. Do đó, VNDIRECT cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục ảm đạm trong những tháng cuối năm.

Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Phương Thanh vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng/GDP tại Việt Nam theo ước tính của VNDIRECT đạt xấp xỉ 140%, tương tự như Thái Lan và Malaysia. Với điều kiện tăng trưởng tín dụng và GDP sẽ có thể lần lượt đạt được 13% và 6%/năm trong thời gian tới, Việt Nam sẽ trên đà đạt tỷ lệ tín dụng/GDP 180% trong 3-4 năm nữa, tương đương với mức của Trung Quốc hiện nay, hàm ý đang tiến đến điểm bão hòa.

Ngược lại, điều này sẽ hạn chế tăng trưởng dư nợ tín dụng và có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn thông qua các kênh truyền thống như vay ngân hàng.

Do đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam có thể trở thành một nguồn vốn quan trọng hơn cho các doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ, nhưng đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Vào cuối quý 2, vốn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp khoảng 11,8% GDP, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ vốn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp/GDP của các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan (26,1%) và Malaysia (53,6%).

Dù còn rất nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng thực tế cho thấy hiện tại việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn ảnh 2Ảnh minh họa.

Theo chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, với rất nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu sẽ dần an toàn, bền vững hơn. Qua đó, đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và nền kinh tế có nguồn huy động vốn hiệu quả hơn.

Dù vậy, việc sửa đổi các nghị định để cải thiện thị trường trái phiếu còn phải tiếp tục được thực hiện. Với quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các doanh nghiệp vẫn khó thực hiện.

Bên cạnh đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP chỉ kéo dài đến hết năm nay.

“Vẫn còn nhiều quy định chưa hợp lý, từ nay đến cuối năm cần phải tiếp tục được sửa đổi, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc phát hành trái phiếu," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có những biện pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, giải pháp đầu tiên nhận được sự thống nhất cao là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến thị trường; trong đó nhấn mạnh đến phạm vi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Các giải pháp tiếp theo là tiếp tục triển khai các giải pháp về điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng lưu ý các biện pháp bổ sung như tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm trả nợ trái phiếu đến hạn.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định Bộ Tài chính sẽ kiểm soát chặt, kiểm soát thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phát hiện các trường hợp thao túng, gian lận sẽ chuyển cơ quan điều tra, công khai thông tin về các vụ việc vi phạm.

Bên cạnh các giải pháp trên, ngày 19/7/2023, Bộ Tài chính đã khai trương và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại HNX. Từ khi có sàn giao dịch trái phiếu, tính minh bạch và thanh khoản được cải thiện, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đón nhận. Dù có rất nhiều nỗ lực để “kích hoạt” thị trường sôi động trở lại, nhưng thực tế thanh khoản thị trường trái phiếu vẫn rơi vào ảm đạm.

Trước khi sự cố trái phiếu doanh nghiệp tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh xảy ra, nhà đầu tư cá nhân chiếm 33% sức cầu thị trường, nhưng hiện nay việc phát hành mới của doanh nghiệp gần như trông chờ hoàn toàn vào nhà đầu tư tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục