Hầu hết các đánh giá gần đây dự báo với những nỗ lực tái cấu trúc và minh bạch hóa, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, dần chiếm vị thế của kênh cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Thị trường sơ cấp phục hồi
Số liệu ghi nhận từ Công ty Chứng khoán SSI, cho biết tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 1 chậm song sang đến quý 2 đã có dấu hiệu phục hồi. Quy mô trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 6 tháng là 57,3 nghìn tỷ đồng, giảm 67,8% so với cùng kỳ năm 2022. Theo nhóm phân tích của SSI, các tổ chức phát hành đang giảm nhu cầu phát hành ra công chúng, do chi phí huy động từ kênh dẫn vốn này tương đối cao và thời gian phát hành dài.
Tuy nhiên, xu hướng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bắt đầu có sự cải thiện từ đáy mức đáy trong quý 4/2022. Đáng chú ý, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 57%) trên thị trường sơ cấp và tập trung vào một số tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành từ quý 2 (chiếm 31%), do đã giải quyết được các vướng mắc về báo cáo kiểm toán giải ngân nguồn vốn trái phiếu.
[Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ "vào chợ," khẳng định vai trò dẫn vốn]
Cụ thể hơn, báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay trong quý 2 có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 8,73 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 11 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 6,73 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng giá trị phát hành. Nhóm phân tích của VNDIRECT, nhận định niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh và dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.
Tuy nhiên, báo cáo của VNDIRECT cho hay hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ đã diễn ra sôi động. Trong quý 26, hơn 30 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 42 nghìn tỷ đồng.
Về cơ cấu kỳ hạn, báo cáo của SSI cho biết trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần chủ yếu phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Trong khi, các ngân hàng thương mại Nhà nước có xu hướng huy động vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu và kỳ hạn phổ biến rơi vào khoảng 7-10 năm. Mặt khác, các tổ chức phát hành phi ngân hàng có nhu cầu phát hành kỳ hạn dài và trung bình 5 năm.
Bà Thái Thị Việt Trinh, bà Chuyên viên phân tích-SSI, cho biết điểm nhấn của thị trường trong 6 tháng đầu năm là sự ra đời của Nghị định 08/2023, một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giãn/hoãn thanh toán nợ gốc/lãi trái phiếu.
“Điều này đã giúp hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp tích cực hơn. Cụ thể, khối lượng phát hành mới đã phục hồi từ quý 2 sau khi Nghị định 08 có hiệu lực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có xu hướng tập trung hơn vào việc đàm phán giãn/hoãn nợ với các trái chủ, hơn là tăng tốc mua lại như trong giai đoạn cuối năm 2022,” bà Trinh chia sẻ.
Trên thị trường, hoạt động mua lại trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đã giảm xuống còn 24,7 nghìn tỷ đồng trong quý 2, từ mức cao nhất là 34,8 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2022.
Hiện, các doanh nghiệp bất động sản có xu hướng lựa chọn phương án hoãn thanh toán trả lãi coupon hoặc trả nợ gốc. Nhưng, hoạt động mua lại trái phiếu của các ngân hàng đã tăng tốc trong quý 2, chủ yếu liên quan đến cơ cấu kỳ hạn nhằm phục vụ mục đích cho việc tăng vốn cấp 2 (trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm sẽ có tỷ trọng ít hơn trong công thức tính CAR).
Việc Nghị định 08/2023 ra đời cũng tạo ra tâm lý trì hoãn việc thanh toán trái phiếu càng lâu càng tốt từ phía nhà phát hành. Theo ước tính của SSI, số tiền gốc trái phiếu đã thành công thực hiện điều chỉnh hoãn nợ gốc và điều chỉnh lãi suất hoặc chuyển đổi trái phiếu lên tới 66 nghìn tỷ đồng.
“Có thể thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dường như đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nhờ các động thái từ Chính phủ. Nhưng, các giải pháp hiện tại mang tính ngắn hạn và thiên về hỗ trợ cho các tổ chức phát hành,” bà Trinh cho biết.
Nhu cầu bắt đầu phục hồi
Về triển vọng thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm, nhóm phân tích của SSI cho rằng nhu cầu tại các nhà đầu tư tổ chức khả năng sẽ phục hồi.
Bà Trinh nhấn mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp giảm tải cho thị trường tiền tệ (tín dụng từ các ngân hàng) mà còn giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư cho nhiều nhà đầu tư. Do đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải đạt 20% GDP vào năm 2025 (hiện nay khoảng 14% GDP).
Ngày 19/7, sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp ra đời, các thành viên trên thị trường kỳ vọng đây là một khởi đầu tốt song vẫn phải chờ đợi sự lớn mạnh về quy mô thanh khoản và số lượng các mã trái phiếu được giao dịch.
Theo bà Trinh, việc xuất hiện sàn giao dịch thứ cấp sẽ giúp nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp có thể phục hồi, trước hết là từ các nhà đầu tư tổ chức với nguồn vốn dồi dào và nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với các nhà đầu tư cá nhân, thị trường sẽ còn nhiều việc phải làm để có thể khôi phục lại niềm tin và tâm lý đầu tư.
Một điểm tích cực khác được bà Trình chỉ ra, đó là môi trường lãi suất hiện tại đang có xu hướng giảm, điều này sẽ phần nào cải thiện nhu cầu đối với trái phiếu doanh nghiệp.
Để khôi phục niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhóm phân tích của SSI cho rằng trong ngắn hạn, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thêm các giải pháp để giải quyết các vấn đề đang tồn tại (như xếp hạng trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khả năng thanh toán). Việc định hình lại cấu trúc thị trường và giảm thiểu tỷ lệ tham gia trực tiếp của các nhà đâu tư cá nhân cũng cần được xem xét. Hơn nữa, các tổ chức trung gian (ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ trái phiếu) cần tuân thủ các tiêu chuẩn và trách nhiệm cao hơn trong phân phối.
Cuối cùng, SSI kiến nghị các cấp quản lý cần ban hành thêm các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện khuôn khổ về xử lý tài sản đảm bảo và các quy đinh về công bố vỡ nợ cũng như các biện pháp xử lý tiếp theo.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup, Tổng Giám đốc FiinRatings, chia sẻ với truyền thông về triển vọng các kênh vốn doanh nghiệp. Theo ông, Việt Nam có dư địa để nới lỏng tài khóa và tiền tệ một cách chọn lọc. Trong các kênh vốn cho nền kinh tế, tín dụng trái phiếu doanh nghiệp nội địa vẫn là kênh triển vọng cho các doanh nghiệp đáp ứng 'chuẩn tín dụng.' Cụ thể, các doanh nghiệp có mức điểm xếp hạng tốt đang xem xét huy động vốn qua kênh trái phiếu riêng lẻ hoặc phát hành trái phiếu chào bán đại chúng và phát hành trái phiếu xanh (green bond).
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, đề xuất một số giải pháp tạo sự an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, xây dựng các loại trái phiếu được bảo lãnh thanh toán tiền lãi và vốn gốc đúng hạn trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng cần miễn các loại thuế về kinh doanh trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Ông này phân tích nếu trái phiếu phát hành có lãi suất huy động trên 10%/năm, tương ứng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 2%/năm. Và, lãi suất huy động dưới 10%/năm, chi phí thuế này sẽ khoảng 1,5%. Do đó, việc miễn các loại thuế này sẽ giúp lãi suất huy động trên thị trường giảm tương ứng khoảng 1,5- 2%/năm.
Trên thực thế, việc miễn thuế này không làm lợi cho tổ chức mua trái phiếu mà dành cho tổ chức phát hành. Trên bình diện kinh tế vĩ mô, việc lãi suất cho vay giảm sẽ giúp cho hệ thống các doanh nghiệp được giảm chi phí đi vay, từ đó kích thích nền kinh tế phát triển mạnh hơn.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, ông Hải chỉ ra tiền gửi tiết kiệm không bị đánh thuế song đầu tư vào trái phiếu sẽ phải chịu thuế lợi tức ở mức 5%/năm và chịu thuế chuyển nhượng trái phiếu 0,1% trên giá trị giao dịch.
“Những bất cập này sẽ khiến cho việc đầu tư vào trái phiếu kém hấp dẫn hơn nhiều so với tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn,” ông Hải nói./.