Tuy tăng trong phiên 28/2, giá vàng thế giới đã ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2021 vì lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Trong phiên 28/2, giá vàng giao ngay đã tăng 0,6% lên 1.828,28 USD/ounce lúc 2 giờ 2 phút (sáng 1/3 theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,7% lên 1.836,70 USD/ounce.
Trước đó giá vàng từng chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 vào đầu tháng Hai, nhưng sau đã sớm đảo chiều.
[Tăng trở lại, giá vàng SJC lên ngưỡng 66,85 triệu đồng mỗi lượng]
Từ đầu tháng đến nay, giá vàng đã giảm hơn 5% sau khi các số liệu kinh tế mạnh mẽ thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cao cấp tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures, cho biết các nhà giao dịch có thể dựa vào những mức thấp gần đây của vàng như một cơ hội để mua vào kim loại quý này.
Chuyên gia Pavilonis cho biết trong vài tuần tới, đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể giảm và hỗ trợ vàng. Nhưng sau đó, giá vàng có thể đi xuống mức 1.700 USD/ounce do Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Tương tự, ông Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích tại công ty tư vấn đầu tư Kinesis Money cho biết vàng có một tháng tăng trưởng âm do thị trường nhận định Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Theo chuyên gia này, nếu lạm phát tiếp tục tăng thì vàng có thể giảm xuống phạm vi 1.730-1.740 USD/ounce.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,6% lên 20,95 USD/ounce và bạch kim tăng 1,8% lên 954,91 USD/ounce.
Vàng thường được coi là một “hàng rào” chống lại lạm phát. Tuy nhiên, giá vàng cũng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất tăng sẽ khiến đồng USD mạnh lên, song lại làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Tại Việt Nam, cuối ngày 28/2, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,10-66,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.