Xây dựng lộ trình kích hoạt các hoạt động du lịch song song với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 chính là cách giúp xây dựng lại niềm tin xê dịch của du khách, phục hồi nền kinh tế xanh sau những tổn thất khủng khiếp do đại dịch gây ra.
Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp này không chỉ được các nước trên thế giới triển khai mà Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch gấp rút thực thi.
Xây lại nền móng du lịch từ đâu?
Trước những tác động nặng nề toàn diện của các lệnh hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu, các khu vực riêng lẻ cũng như tình trạng mất việc làm trong ngành du lịch và lữ hành trên toàn thế giới, vaccine COVID-19 được coi là những “viên gạch” giúp xây lại nền móng đã sụp đổ cho nền kinh tế xanh.
[Hậu COVID-19: Gia tăng ‘sức mạnh mềm’ cho du lịch Việt cách nào?]
Theo báo cáo Xu hướng Kinh tế của Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC) tuần qua, ngành du lịch, lữ hành sẽ xoay trục và thích ứng để sau đó trở lại mạnh mẽ hơn hậu COVID-19 đồng thời xác định các xu hướng cũng như khám phá những thay đổi cần thiết nhằm duy trì hoạt động trong tương lai.
Đặc biệt, từ góc độ nhu cầu, COVID-19 đang chuyển đổi khuynh hướng và hành vi của khách du lịch theo hướng lựa chọn điểm đến quen thuộc, có thể dự đoán được, đáng tin cậy và được coi là “rủi ro thấp.” Du khách đang nghiên cứu và lập kế hoạch kỹ hơn, ưu tiên các hoạt động ngoài trời.
Các chuyên gia cho rằng nếu bỏ qua những tác động tiêu cực thì đại dịch cũng giống như “chất xúc tác” kích thích con người phải đổi mới và tích hợp công nghệ hiện đại như sinh trắc học trong lĩnh vực du lịch và lữ hành, giúp mang lại trải nghiệm không giới hạn cho du khách.
Chẳng thế mà thời gian qua, một số đơn vị lữ hành trên thế giới đã tiên phong ra mắt những tour “không tưởng,” giúp con người có thể ngồi ở nhà nhưng có thể chu du tận đáy đại dương hay khám phá di sản ngay tại chỗ…
Theo Phó Chủ tịch cấp cao của WTTC, bà Virginia Messina, khi du lịch toàn cầu bắt đầu nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” thì yếu tố then chốt là phải xây dựng niềm tin cho con người đi du lịch trở lại trước nỗ lực kết nối an toàn các chuyến bay quốc tế.
Thực tế, nhu cầu xê dịch của du khách thời gian qua như chiếc lò xo bị dồn nén, thêm những hạn chế đi lại luôn thay đổi đã tác động lớn đến niềm tin đặt phòng của họ.
Do đó, bà Virginia Messina khuyến nghị: “WTTC tin rằng các chính phủ trên toàn thế giới nên tận dụng lợi thế của việc triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19. Điều này có thể giảm đáng kể các hạn chế đi lại và giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn.”
Trong bối cảnh này, cần có các quy định rõ ràng và phối hợp y tế nhịp nhàng để hỗ trợ ngành "công nghiệp không khói" xây dựng lại niềm tin cho du khách đồng thời cho phép các chuyến du lịch quốc tế tiếp tục và phục hồi nhanh chóng.
Lộ trình kích hoạt cho du lịch Việt
Tháng Sáu vừa qua, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo về việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên đề án, chủ trì triển khai. Theo đó, trước khi đón khách nhập cảnh, đảm bảo an ninh trật tự, lên kế hoạch xử lý tình huống liên quan đến dịch bệnh, sẽ phải thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 70% người dân địa phương được chọn thí điểm.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 vừa diễn ra hôm qua (14/7), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết dự thảo Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong giai đoạn đầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang lựa chọn một số điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn đủ khả năng phân chia các khu nghỉ dưỡng riêng biệt, an toàn chỉ dành phục vụ du khách quốc tế.
Thị trường khách quốc tế thí điểm được chọn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ (phải có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19) như Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông... Khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight) hoặc chuyến bay thương mại.
Giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế triển khai Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi các nước thí điểm theo lộ trình.
Lãnh đạo Bộ cho hay trong giai đoạn 1 (từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 3), thí điểm đón từ 2.000-3.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến, phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế.
Giai đoạn 2 (từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6), sau khi đánh giá giai đoạn 1, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ mở rộng quy mô đón từ 5.000-10.000 khách/tháng, có thể đón khách thông qua các chuyến bay thương mại, mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ du khách quốc tế.
Sau thí điểm tại Phú Quốc (Kiên Giang), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đang đề xuất Chính phủ cho phép địa phương này tiếp nối hoạt động, do đã và đang chuẩn bị các phương án phòng chống dịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đón khách quốc tế đến qua các chuyến bay thuê bao nguyên chuyến...
Các chuyên gia cho rằng với lộ trình thí điểm đón khách quốc tế đến như lãnh đạo bộ thông báo, cần một kế hoạch phối hợp bài bản và nhất quán từ trung ương tới địa phương, sự thống nhất ý chí và hành động từ các bộ, ban, ngành tới lực lượng tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ. Làm được như vậy, khả năng thành công mới cao./.