Gặp gỡ những thiếu nhi là con em các chiến sĩ bộ đội Hải quân, bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và con em nhân dân thành phố Đà Nẵng, con em nhân dân huyện đảo Trường Sa ngay trước thềm chương trình “Trung thu kết nối yêu thương hướng về biển đảo Tổ quốc” diễn ra tối ngày 8/9 đã khiến phóng viên không khỏi xúc động, tự hào. Những đứa con ngoan Em Nông Thanh Hà, lớp 6 trường Trung học cơ sở Chu Văn An, Thuận Châu, Sơn La là con của một chiến sĩ bộ đội Biên phòng ở Sơn La. Có hoàn cảnh gia đình khá thiệt thòi khi từ nhỏ em đã thiếu mẹ, những năm qua, Thanh Hà sống cùng bố và ông bà nội ở Sơn La. Do bố là bộ đội biên phòng nên phải ở đơn vị, chỉ được về thăm Hà vào cuối tuần. Ông bà nội cũng đã cao tuổi nên thiếu người kèm cặp em học. Tuy vậy nhưng Hà luôn ý thức bản thân phải tự học để bố không phải lo lắng, buồn phiền. Bên cạnh đó, do niềm tự hào về bố, một chiến sĩ biên phòng ngày đêm vất vả để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, Hà đã lấy đó làm động lực để em có thêm nghị lực sống và vươn lên trong học tập. Chả thế mà trong 5 năm học thì có tới 4 năm em đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Còn em Trần Giang Hải, lớp 6 trường Trung học cơ sở Hoa Đậu, Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng chẳng nhận được nhiều sự chăm sóc trực tiếp của cha bởi cha em là bộ đội Hải quân cứ biền biệt hàng tháng xa nhà. Nhưng là một đứa con ngoan nên Hải tỏ ra trưởng thành trước tuổi khi em luôn ý thức được trách nhiệm học tập của mình. “Trước khi ra biển, bố dặn em ở nhà phải siêng học cho bố yên tâm công tác nên em đã cố gắng suốt 5 năm liền được là học sinh giỏi,” em Hải vui vẻ khoe. Là Bí thư đoàn cơ sở Cục cảnh sát biển, hơn ai hết, anh Lê Văn Khánh là người hiểu được rõ hoàn cảnh con em họ. Anh cho biết, con em của các đồng chí cảnh sát biển, bộ đội Biên phòng hay bộ đội Hải quân nhìn chung bị thiệt thòi hơn về tình cảm so với chúng bạn do cha của các em phải thường xuyên công tác xa nhà. Thậm chí, có em cả năm chỉ được gặp bố một, hai lần. Tuy nhiên, anh Khánh cũng khẳng định, do được các cấp Đảng ủy, các tổ chức xã hội cùng sự động viên của gia đình cũng như sự nỗ lực của bản thân của các em nên hầu hết các em đều có những thành tích tốt trong học tập. Biển đảo ấm áp tình đất liền Chị Phạm Thị Hảo, cán bộ quản lý giáo dục huyện Trường Sa (Khánh Hòa), cho biết huyện Trường Sa có ba đảo, mỗi đảo có 7, 8 hộ dân và một trường tiểu học gồm từ lớp mẫu giáo đến lớp 5. Điều đặc biệt là, mỗi lớp chỉ có một học sinh và lớp nào nhiều nhất cũng chỉ có đến 3 học sinh và mỗi trường có ba hoặc bốn thầy, cô giáo. “Vì ở đảo chưa có trường học cấp hai nên học hết lớp 5 các em sẽ được vào học trường trung học cơ sở ở đất liền,” chị Hảo cho biết. Tuy trang bị vật chất nơi huyện đảo chưa được đầy đủ như còn thiếu vi tính, đàn… phụ trợ cho môn tin học và nhạc nhưng các em ở huyện đảo Trường Sa cũng thường được các cơ quan, tổ chức xã hội ở đất liền gửi quà vào động viên. Những món quà như sách, vở, truyện, quần áo, đồ chơi tuy nhỏ bé nhưng có ý nghĩa lớn lao trong việc động viên, khuyến khích các em học. Bên cạnh đó, đặc điểm dân cư thưa thớt, lượng học sinh ít ỏi nên có thuận lợi trong việc gia đình và thầy cô động viên các em đến trường đầy đủ đúng theo độ tuổi cũng như việc kèm cặp các em học. Có lẽ vì vậy, mà theo chị Hảo, hầu hết các học sinh biển đảo này đều có kết quả học tập khá, giỏi. Là một học sinh giỏi, em Nguyễn Thị My Sen, học sinh lớp 3 trường tiểu học Thị trấn Trường Sa, Khánh Hòa nói rằng, dù trường học của em ít bạn nhưng các em không buồn vì thầy cô giáo rất quan tâm đến học sinh. Trung thu năm nào các em cũng được thầy cô và các chú bộ đội tổ chức múa sư tử, rước đèn ông sao và phá cỗ. Hơn thế, các em còn nhận được quà từ đất liền gửi đến vào những dịp này... Nức lòng về Thủ đô Mặc dù đây là lần thứ ba được ra Hà Nội nhưng cảm giác lần này với Hải vui sướng hơn bởi em không chỉ được thăm quan Thủ đô mà còn được giao lưu với các bạn từ nhiều miền trên đất nước, được tặng quà và còn được nhận học bổng nữa. Cũng vui mừng không kém Hải, mang cảm xúc của một em bé lần đầu được đặt chân đến Thủ đô, em Sen đã tận mắt thấy một Hà Nội đông vui và nhộn nhịp, khác hẳn cuộc sống ở trên đảo xa đất liền... Còn em Võ Thị Uy Phương, học sinh lớp 7, trường Trung học cơ sở Nguyễn Hiển, Khánh Hòa tỏ ra vô cùng vui sướng khi lần đầu em được ra Hà Nội thăm Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Gươm và được giao lưu với bạn bè bốn phương. Tuy vậy, do gắn bó với huyện đảo Trường Sa với tình yêu đã thấm sâu nên Uy Phương tâm sự, em rất xúc động trước hình ảnh Hà Nội rực rỡ và tươi vui nhưng dù có thế nào thì khi lớn lên, em vẫn ước mơ được trở lại biển đảo làm một cô giáo để dạy học cho các em nhỏ. Mơ ước đó dù thật nhỏ bé và giản dị, nhưng cũng làm ấm lòng những người cha, người anh đang ngày đêm không quản gian lao nơi đầu sóng ngọn gió, canh giữ biển đảo Tổ quốc/.
Chương trình “Trung thu kết nối yêu thương hướng về biển đảo Tổ quốc” do Liên đoàn xiếc Việt Nam kết hợp với Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải Quân, Cục cảnh sát biển, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Thành phố Đà Nẵng và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức vào tối 8/9, tại Hà Nội. Chương trình cũng là đêm giao lưu và trao học bổng cho 85 thiếu nhi là con em các chiến sĩ Hải quân, Biên phòng, Cục cảnh sát biển, con em nhân dân thành phố Đà Nẵng và con em ở các huyện đảo Trường Sa. |
Thiên Linh (Vietnam+)