Năm nào cũng thế, sáng mồng Một là chị Nguyễn Thị Thanh Bình (xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) lại lục tục dậy thật sớm. Sau khi tất tả làm cơm cúng năm mới, chị vớ túi đồ nghề khoác lên đôi vai gầy, cùng chồng xuyên rét đi làm.
Sau khi chở vợ đến xã Thắng Lợi, anh Nghị - chồng chị quay xe trở về đánh thức hai cậu con trai vẫn còn say giấc nồng, vệ sinh răng miệng, ăn sáng rồi đến nhà ông bà nội để chúc Tết. Lúc bấy giờ mới chỉ độ hơn 9 giờ sáng.
Ở nơi làm việc, chị Bình bắt đầu “chiến dịch” bằng việc cuốc bộ tìm khách. Năm nay mới 30 tuổi, nhưng chị Bình hành nghề chụp ảnh từ khi còn học phổ thông trung học cùng với gia đình. Bởi thế, ở mỗi xã, chị đều có một lượng khách quen thuộc nhất định. Và cứ định kỳ hàng năm, họ lại nhờ chị đến chụp ảnh, lưu lại khoảnh khắc của gia đình mỗi độ Xuân về.
Thông thường, công việc chụp ảnh của chị Bình được tiến hành từ ngày mồng Một Tết Nguyên đán. “Tết nhất, thấy gia đình người khác quây quần đi chơi mà mình cứ hùng hục đi làm thì sao không buồn được? Nhưng thôi, nghề nó thế. Chúng tôi làm tháng Tết là chính, rồi chơi cả năm vì không có việc. Thôi thì đành ‘hưởng nhờ’ không khí Tết trên đường đi làm anh ạ,” chị Bình tâm sự.
Một ngày làm việc của chị được tính từ khoảng 9 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều. Không kịp về nhà ăn trưa, chị thường tạm bợ bằng vài cái bánh mì, chai nước được chuẩn bị sẵn trong balô máy ảnh.
Việc chụp ảnh dạo rất vất vả. Bởi vậy, vợ chồng chị đã phân công việc một cách rõ ràng. Này nhé, chị thì đi đến nhà khách chụp hình, còn anh ngoài việc đưa đón vợ sẽ phải mang ảnh đi rửa tận nội thành Hà Nội, cách nhà hơn 20km. Sau đó, chị lại đem đến tận nhà khách trả ảnh, lấy tiền.
Chị Nguyễn Thị Lan, một thợ ảnh dạo khác cho hay, chưa bao giờ chị bị “quỵt” tiền ảnh ngày Tết. Nhưng có gia đình, theo lời hẹn từ… năm trước, chị đến gõ cửa thì lại nhận được lời hẹn hôm sau chụp vì chưa đầy đủ thành phần. Nhiều nhà nuôi chó dữ, mỗi lần gõ cửa, chị lại nơm nớp lo âu bởi sợ chó “đớp”…
Chị Lan và chị Bình cho hay, mỗi ngày làm việc như vậy, trừ các khoản chi phí, các chị cũng đút túi được gần 300.000 đồng/ngày. Hết Tết, họ lại tìm đến các điểm lễ hội quanh huyện để hành nghề cho đến hết tháng Giêng. Những ngày còn lại trong năm, họa hoằn mới có đám cưới, hội nghị… mời chị đến chụp ảnh. Khi ấy, họ lại trở về với công việc làm hàng thủ công để mưu sinh.
Tại khu vực Hồ Gươm, ông Nguyễn Văn Trung, 64 tuổi cho hay, một ngày chụp ảnh dạo của ông tính trung bình chỉ được 100.000-200.000 đồng.
“Có nhiều hôm vác máy cả ngày mà chẳng có khách nào chụp ảnh. Nhưng cũng có ngày kiếm được độ 400.000 đồng,” ông Trung tiếp lời.
Người thợ ảnh này cũng cho hay, ông là cán bộ về hưu, chụp ảnh vừa kiếm thêm thu nhập, vừa là một thú vui. Cuộc sống của ông bà vẫn nhờ chính vào gần 4 triệu đồng lương hưu và trợ cấp thương binh, chứ “sống bằng nghề này thì đói, chú ạ!”
Trước cửa đền Ngọc Sơn, anh Hoàng Đình Dũng, một thợ chụp ảnh dạo khác cho biết, mình đã có thâm niên 16 năm làm nghề phó nháy tại đây.
Cũng giống ông Trung, anh cho rằng nghề này càng ngày càng khó khăn. “Khi nào quanh hồ có sự kiện, nhiều người hưu trí, hoặc bà con nơi khác đến xem thì sẽ chụp được nhiều ảnh,” anh nói.
Theo lời anh, hiện có khoảng 70 thợ chụp ảnh dạo quanh hồ Hoàn Kiếm. Thế nhưng, không phải ngày nào họ cũng tề tựu đông đủ bởi khách chụp ảnh ngày càng thưa.
Tuy giá một bức ảnh cỡ 10x15cm đã tăng lên 15.000 đồng/tấm, nhưng nếu trừ chi phí phải bỏ ra để nuôi sống mình, anh Dũng cũng bảo, mình chỉ đút túi được 100.000 đồng/ngày.
Bởi thế, trong những ngày Tết Nguyên đán, anh Dũng cũng như nhiều đồng nghiệp sẽ tận dụng triệt để, “nháy” thâu đêm 30 đến chiều ngày mồng Một rồi mới về nhà ở huyện Thanh Trì. Đến ngày hôm sau, anh sẽ lại tiếp tục trở lại chỗ làm việc để kiếm sống.
“Cả năm chỉ có vài ngày lễ, Tết có nhiều khách hàng, không tận dụng để ‘nháy’ thì chỉ có nước chết đói. Bởi vậy, tôi buộc phải đón Xuân mới ngoài đường thôi,” anh Dũng chốt lại./.
Sau khi chở vợ đến xã Thắng Lợi, anh Nghị - chồng chị quay xe trở về đánh thức hai cậu con trai vẫn còn say giấc nồng, vệ sinh răng miệng, ăn sáng rồi đến nhà ông bà nội để chúc Tết. Lúc bấy giờ mới chỉ độ hơn 9 giờ sáng.
Ở nơi làm việc, chị Bình bắt đầu “chiến dịch” bằng việc cuốc bộ tìm khách. Năm nay mới 30 tuổi, nhưng chị Bình hành nghề chụp ảnh từ khi còn học phổ thông trung học cùng với gia đình. Bởi thế, ở mỗi xã, chị đều có một lượng khách quen thuộc nhất định. Và cứ định kỳ hàng năm, họ lại nhờ chị đến chụp ảnh, lưu lại khoảnh khắc của gia đình mỗi độ Xuân về.
Thông thường, công việc chụp ảnh của chị Bình được tiến hành từ ngày mồng Một Tết Nguyên đán. “Tết nhất, thấy gia đình người khác quây quần đi chơi mà mình cứ hùng hục đi làm thì sao không buồn được? Nhưng thôi, nghề nó thế. Chúng tôi làm tháng Tết là chính, rồi chơi cả năm vì không có việc. Thôi thì đành ‘hưởng nhờ’ không khí Tết trên đường đi làm anh ạ,” chị Bình tâm sự.
Một ngày làm việc của chị được tính từ khoảng 9 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều. Không kịp về nhà ăn trưa, chị thường tạm bợ bằng vài cái bánh mì, chai nước được chuẩn bị sẵn trong balô máy ảnh.
Việc chụp ảnh dạo rất vất vả. Bởi vậy, vợ chồng chị đã phân công việc một cách rõ ràng. Này nhé, chị thì đi đến nhà khách chụp hình, còn anh ngoài việc đưa đón vợ sẽ phải mang ảnh đi rửa tận nội thành Hà Nội, cách nhà hơn 20km. Sau đó, chị lại đem đến tận nhà khách trả ảnh, lấy tiền.
Chị Nguyễn Thị Lan, một thợ ảnh dạo khác cho hay, chưa bao giờ chị bị “quỵt” tiền ảnh ngày Tết. Nhưng có gia đình, theo lời hẹn từ… năm trước, chị đến gõ cửa thì lại nhận được lời hẹn hôm sau chụp vì chưa đầy đủ thành phần. Nhiều nhà nuôi chó dữ, mỗi lần gõ cửa, chị lại nơm nớp lo âu bởi sợ chó “đớp”…
Chị Lan và chị Bình cho hay, mỗi ngày làm việc như vậy, trừ các khoản chi phí, các chị cũng đút túi được gần 300.000 đồng/ngày. Hết Tết, họ lại tìm đến các điểm lễ hội quanh huyện để hành nghề cho đến hết tháng Giêng. Những ngày còn lại trong năm, họa hoằn mới có đám cưới, hội nghị… mời chị đến chụp ảnh. Khi ấy, họ lại trở về với công việc làm hàng thủ công để mưu sinh.
Tại khu vực Hồ Gươm, ông Nguyễn Văn Trung, 64 tuổi cho hay, một ngày chụp ảnh dạo của ông tính trung bình chỉ được 100.000-200.000 đồng.
“Có nhiều hôm vác máy cả ngày mà chẳng có khách nào chụp ảnh. Nhưng cũng có ngày kiếm được độ 400.000 đồng,” ông Trung tiếp lời.
Người thợ ảnh này cũng cho hay, ông là cán bộ về hưu, chụp ảnh vừa kiếm thêm thu nhập, vừa là một thú vui. Cuộc sống của ông bà vẫn nhờ chính vào gần 4 triệu đồng lương hưu và trợ cấp thương binh, chứ “sống bằng nghề này thì đói, chú ạ!”
Trước cửa đền Ngọc Sơn, anh Hoàng Đình Dũng, một thợ chụp ảnh dạo khác cho biết, mình đã có thâm niên 16 năm làm nghề phó nháy tại đây.
Cũng giống ông Trung, anh cho rằng nghề này càng ngày càng khó khăn. “Khi nào quanh hồ có sự kiện, nhiều người hưu trí, hoặc bà con nơi khác đến xem thì sẽ chụp được nhiều ảnh,” anh nói.
Theo lời anh, hiện có khoảng 70 thợ chụp ảnh dạo quanh hồ Hoàn Kiếm. Thế nhưng, không phải ngày nào họ cũng tề tựu đông đủ bởi khách chụp ảnh ngày càng thưa.
Tuy giá một bức ảnh cỡ 10x15cm đã tăng lên 15.000 đồng/tấm, nhưng nếu trừ chi phí phải bỏ ra để nuôi sống mình, anh Dũng cũng bảo, mình chỉ đút túi được 100.000 đồng/ngày.
Bởi thế, trong những ngày Tết Nguyên đán, anh Dũng cũng như nhiều đồng nghiệp sẽ tận dụng triệt để, “nháy” thâu đêm 30 đến chiều ngày mồng Một rồi mới về nhà ở huyện Thanh Trì. Đến ngày hôm sau, anh sẽ lại tiếp tục trở lại chỗ làm việc để kiếm sống.
“Cả năm chỉ có vài ngày lễ, Tết có nhiều khách hàng, không tận dụng để ‘nháy’ thì chỉ có nước chết đói. Bởi vậy, tôi buộc phải đón Xuân mới ngoài đường thôi,” anh Dũng chốt lại./.
Trung Hiền (Vietnam+)