Thổ Nhĩ Kỳ liệu có “vỡ mộng” với tham vọng khí đốt?

Điều gì sẽ xảy ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tìm thấy nhiều khí đốt hơn và liệu những thay đổi trong chính sách năng lượng có giúp Ankara giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ liệu có “vỡ mộng” với tham vọng khí đốt? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: oilprice.com)

Theo Trung tâm Nghiên cứu chính sách toàn cầu, với việc công bố tìm thấy một lượng lớn khí đốt tự nhiên ở Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ đang có tham vọng trở thành một người chơi quyền lực trong lĩnh vực năng lượng.

Tuy nhiên, phát hiện mới nhất này liệu có thực sự đủ lớn để quốc gia này trở nên độc lập về năng lượng. Bên cạnh đó, đứng trước những sức ép trong nước và quốc tế, Ankara có thể không chấm dứt các động thái chính sách đối ngoại gây hấn của mình trong tương lai gần.

"Giải bài toán" độc lập về năng lượng

Theo bài phân tích của Trung tâm Nghiên cứu chính sách toàn cầu, vấn đề năng lượng nằm trong trọng tâm của sứ mệnh tìm kiếm vị thế cường quốc của Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp Đông Địa Trung Hải và khu vực các nước Levant.

Thực tế này khiến thông báo ngày 21/8 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về phát hiện mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất trong lịch sử nước này có ý nghĩa rất quan trọng.

Ông Erdogan cho biết, mỏ khí đốt mới tìm thấy có trữ lượng ước tính lên tới 320 tỷ m3 và là một phần của một nguồn khí lớn hơn nhiều. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ hy vọng sẽ sản xuất khí đốt từ mỏ mới và bán ra thị trường vào năm 2023.

Tuy nhiên, tuyên bố của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ cường điệu, khi phát hiện này cũng khó có thể giải quyết được “bài toán” khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thật vậy, chưa có gì rõ ràng rằng lượng khí đốt nói trên có thể được chuyển ra thị trường. Vì vậy, khám phá này sẽ không thể ngăn cản các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải với tham vọng sở hữu nguồn lợi khí đốt khổng lồ tại khu vực này.

Theo thói quen thường thấy, ông Erdogan đã nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dừng lại cho đến khi tìm thấy, khai thác thêm các nguồn trữ lượng khí đốt thậm chí lớn hơn nữa và thương mại hóa để quốc gia này có thể trở thành một nhà xuất khẩu ròng khí đốt.

[Thổ Nhĩ Kỳ: Mỏ khí đốt tại Biển Đen mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới]

Phát hiện này và tiềm năng có thể tìm thấy thêm nhiều mỏ nữa, xét trong bối cảnh chung của ngành năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ và sứ mệnh trở thành cường quốc trong khu vực, có thể đánh dấu một chương mới quan trọng trong các chính sách đối ngoại của Ankara.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tìm thấy nhiều khí đốt hơn và liệu những thay đổi trong chính sách năng lượng có giúp Ankara giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Ít nhất cho đến thời điểm đó, việc tìm thấy mỏ khí đốt mới cũng không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi năng lượng. Con số 320 tỷ m3 dù lớn song cũng chỉ tương đương gần một nửa trữ lượng 690 tỷ m3 ở Ohio, bang giàu khí đốt tự nhiên thứ tám ở Mỹ.

Nói cách khác, phát hiện này hầu như không khiến Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh sòng phẳng, cũng như chưa thể giảm đáng kể gánh nặng nhập khẩu trừ khi tìm được và khai thác nhiều khí đốt hơn nữa.

Bên cạnh đó, cũng có những trở ngại kỹ thuật nghiêm trọng trên con đường đưa loại khí đốt này ra thị trường vào năm 2023. Andrew Sherman, nhà phân tích năng lượng hàng đầu của Wood Mackenzie, cho rằng dự án khí đốt đầy tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đòi hỏi khả năng thực hiện ở đẳng cấp thế giới.

Theo chuyên gia Sherman, Thổ Nhĩ Kỳ có ít kinh nghiệm về sản xuất khí đốt ở biển sâu và để xác minh nguồn trữ lượng lớn hơn, trước tiên phải thăm dò và thẩm định nhiều giếng hơn để có thể hiểu rõ hơn về sinh thái của cụm mỏ khí đốt này.

Dù không thể phủ nhận phát hiện mỏ khí đốt mới có thể giúp cải thiện vị thế đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ với các nhà cung cấp của họ, nhưng nếu muốn trở thành một “phép màu kinh tế,” Chính quyền Ankara phải đưa ra các quyết sách kinh tế hợp lý liên quan đến giá khai thác và chế xuất loại khí này.

Các nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất một thập kỷ để khai thác khí đốt ở Biển Đen và công ty khí đốt nhà nước TPAO của Thổ Nhĩ Kỳ cần phải thành lập một doanh nghiệp liên doanh với đối tác nước ngoài để tối đa hóa lợi nhuận từ lĩnh vực này.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ có thể khăng khăng muốn thực hiện dự án đó đơn phương, đặc biệt là với lập trường chính sách đối ngoại cứng rắn của họ ở thời điểm hiện tại, Ankara sẽ vẫn cần mở một cuộc đấu thầu quốc tế để xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên vào bờ.

Khí đốt ở Biển Đen có thể sẽ làm leo thang hay xoa dịu căng thẳng ở khu vực?

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, đồng nội tệ và cán cân thanh toán của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ bất kỳ sự cắt giảm đáng kể nào trong hóa đơn nhập khẩu khí đốt hàng năm lên tới 41 tỷ USD, phần lớn từ Azerbaijan và Nga.

Tuy nhiên, phát hiện mới sẽ không giúp ích gì nhiều hơn là cải thiện một phần vị thế trên bàn đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ. Phát hiện này cũng sẽ không đóng góp gì nhiều để giúp hạ nhiệt căng thẳng do các hoạt động can thiệp và gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Đông Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ đã có các hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Cộng hòa Cyprus, đe dọa Hy Lạp và Pháp, hay can thiệp mạnh mẽ vào tình hình Libya.

Do Thổ Nhĩ Kỳ chưa ký Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, nên quốc gia này không công nhận Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), cũng như không thừa nhận yêu sách của Cộng hòa Cyprus hay Hy Lạp.

Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ được thúc đẩy từ những lo ngại của chính họ về khả năng Cộng hòa Cyprus trở thành một nhà sản xuất khí đốt lớn và điều này sẽ khiến Ankara bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, sự tức giận của Thổ Nhĩ Kỳ càng gia tăng sau khi họ bị loại khỏi Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải, bao gồm Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus, Ai Cập và Israel; cũng như những áp lực trong nước ngày càng tăng đối với Tổng thống Erdogan và trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ trước mục tiêu đưa quốc gia này đóng vai trò là một cường quốc trong khu vực.

Những yếu tố đó và sứ mệnh tìm kiếm sự vĩ đại ở nước ngoài sẽ khiến người Thổ Nhĩ Kỳ quên đi tình trạng kinh tế bấp bênh trong nước, thôi thúc Tổng thống Erdogan quyết tâm tiến sâu vào EEZ của Cộng hòa Cyprus và mở rộng thăm dò năng lượng ở đó.

Ông Erdogan đã chống lại tất cả các thành viên của Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải đến mức xuất hiện mối đe dọa thực sự về sự thù địch với Hy Lạp, một đồng minh của chính Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngoài việc xâm phạm chủ quyền và thăm dò trong một phần EEZ của Cộng hòa Cyprus, ông Erdogan đã mở rộng mối quan hệ với phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine và tiếp đón hai nhà lãnh đạo của phong trào này.

Tháng 11/2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một hiệp ước hợp tác an ninh và phân định hàng hải với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA). Phía GNA đã công nhận các tuyên bố chủ quyền vùng biển Đông Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chồng lấn với những tuyên bố chủ quyền hàng hải của Cộng hòa Cyprus, cũng như những tuyên bố chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ đối với vùng biển kéo dài đến hầu hết các đảo Aegean của Hy Lạp, trong đó có đảo Crete.

Sau đó, ông Erdogan tiếp tục "chọc giận" Ai Cập, trong bối cảnh Chính quyền Cairo vốn đã “ác cảm” với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vì sự ủng hộ của ông đối với phong trào Anh Em Hồi giáo và các phong trào Hồi giáo khác. Ông Erdogan còn đưa lực lượng đến Libya để hỗ trợ GNA chống lại Tướng Khalifa Haftar, một nhân vật quân đội nhận được sự ưu ái của Ai Cập.

Gần đây hơn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định triển khai hải quân để đe dọa hải quân Hy Lạp, buộc Pháp phải cử các tàu chiến tới hỗ trợ Hy Lạp, qua đó dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn trong nội bộ NATO.

Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã ấn định với tham vọng rằng vận mệnh của nước này là phải trở thành trung tâm dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông, khu vực Caucasus và Trung Á, và họ đã gắn tầm nhìn này với dân tộc chủ nghĩa ngày càng tăng trong nước.

Những luận điệu mà Tổng thống Erdogan sử dụng đã đổ thêm dầu vào lửa và khiến tình hình ở khu vực Đông Địa Trung Hải rơi vào bế tắc. Do đó, phát hiện nguồn trữ lượng dầu khí mới sẽ không làm thay đổi cán cân năng lượng cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như không dẫn đến việc giảm áp lực đối với các quốc gia khác. Điều này thậm chí có thể làm tăng thêm các vấn đề của Ankara trong khu vực.

Mặc dù hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây xung đột với các nước láng giềng Biển Đen, song quan điểm chính sách đối ngoại hiếu chiến của Ankara đồng nghĩa với căng thẳng gia tăng với Nga, Ukraine, Rumani và Bulgaria, và trên thực tế kịch bản này không thể bị loại trừ.

Do đó, khí đốt ở Biển Đen có thể làm leo thang hơn là xoa dịu căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải. Dù nguồn trữ lượng, chi phí và giá trị cuối cùng của phát hiện gần đây chưa được tính toán chính xác, song Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể thu được những lợi ích cụ thể nào sớm nhất cho đến năm 2023.

Trừ khi xảy ra bất kỳ thay đổi căn bản nào trong môi trường chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, lập trường của quốc gia này cũng sẽ diễn tiến tương xứng với mục tiêu chính sách đối ngoại và nguồn cung năng lượng.

Tham vọng tìm kiếm thêm nguồn năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước và giảm gánh nặng nhập khẩu hàng năm. Yếu tố này có thể mang lại cho Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Đức, có cơ hội đàm phán một giải pháp cho các vấn đề năng lượng xung quanh Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp.

Kịch bản khả dĩ là xây dựng đường ống dẫn từ một nước thành viên Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó đến Hy Lạp, từ đó nó có thể phân nhánh sang châu Âu. Điều này cũng có thể đòi hỏi một cuộc đàm phán nghiêm túc liên quan đến Cộng hòa Cyprus cũng như tình trạng của người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Một giải pháp chính trị là cần thiết, song nếu không có cách tiếp cận đàm phán sáng suốt hơn, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tiếp tục hành động đơn phương chống lại tất cả các bên và thậm chí ngay cả đối với các đối tác tiềm năng của Ankara. Nếu điều đó xảy ra, năng lượng có thể sẽ trở thành vấn đề thứ yếu trong hàng loạt rắc rối khác bủa vây Thổ Nhĩ Kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục