Theo phóng viên TTXVN tại Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/3 thông báo sẵn sàng ký kết thỏa thuận với 14 quốc gia về việc tiếp nhận lại người di cư bất hợp pháp nhằm hạn chế dòng người di cư đổ về châu Âu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Tanju Bilgic cho biết việc ký kết thỏa thuận này sẽ được cân nhắc theo quyết định của các 14 quốc gia sau quá trình đàm phán.
Ông cũng nhấn mạnh việc ngay lập tức ngăn chặn dòng người di cư đổ về châu Âu là không thể, tuy nhiên số người di cư vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp để vào châu Âu đã giảm đáng kể trong những tháng vừa qua.
Theo thỏa thuận song phương được ký kết với Hy Lạp từ năm 2002, Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước áp lực lớn từ việc nhận số người di cư bất hợp pháp mà Hy Lạp trả lại.
Những người bị Hy Lạp từ chối cho tị nạn chủ yếu là dân di cư gốc Maroc, Tunisia, và Algeria - những nước thuộc nhóm những "quốc gia an toàn."
Kể từ tháng 1/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận lại vài trăm người di cư mà Hy Lạp trả. Hồi tháng 11 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã ký kết thỏa thuận theo đó Ankara cam kết kiềm chế làn sóng người di cư vượt biển Aegean tới quốc gia láng giềng Hy Lạp để đổi lấy khoản hỗ trợ trị giá 3 tỷ euro và đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU.
Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận chưa có nhiều tiến triển và Brussels chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ chưa đóng góp tích cực để ngăn chặn làn sóng người di cư thâm nhập "Lục địa già". Theo Liên hợp quốc, trong năm 2015 đã có hơn 800.000 người di cư tới Hy Lạp qua con đường này.
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 2/3, Macedonia đã cho phép 250 người di cư từ Hy Lạp vào lãnh thổ quốc gia này trong khi khoảng 10.000 người vẫn đang đợi chờ ở biên giới hai nước trong điều kiện khốn khổ.
Đây là nhóm người di cư gốc Syria và Iraq đầu tiên được qua biên giới Macedonia-Hy Lạp kể từ chiều tối 29/2 sau khi Macedonia đóng cửa biên giới.
Hàng trăm người di cư tức giận đã cố gắng phá hàng rào chắn, tuy nhiên đã vấp phải sự can thiệp mạnh bạo từ lực lượng an ninh nước này.
Hiện hàng chục nghìn người vẫn đang sống tạm bợ tại các trại tị nạn gần biên giới và khu vực lân cận trong tình trạng thiếu lương thực, nước uống và lều trại.
Trong khi đó, Macedonia cũng cảnh báo trại tiếp nhận tị nạn tại biên giới giữa quốc gia này với Serbia đã hoạt động gần hết công suất với khoảng 1.000 người đang chờ đợi tại đây.
Ngày 2/3, chiến dịch giải tỏa khu lán trại trái phép của những người di cư ở cảng Calais, miền Bác nước Pháp, đã bước sang ngày thứ ba.
Bất chấp sự phản kháng quyết liệt của những người di cư, cảnh sát Pháp đã đẩy mạnh chiến dịch dỡ bỏ các khu lán trại tạm thời của người tị nạn. Trong ngày thứ hai của chiến dịch, cảnh sát đã dẹp bỏ khu lán trại của người Sudan với khoảng 800-1.000 người tạm trú.
Chính quyền Pháp quyết tâm dỡ bỏ 60% khu lán trại được gọi là trại "Jungle" tại Calais. Dưới áp lực của cảnh sát, những người di cư không có cách nào khác buộc phải ra đi dù có nhiều hành động phản kháng.
Ngày đầu tiên 29/2 đụng độ đã xảy ra giữa người di cư và lực lượng cảnh sát chống bạo động. Trong hai đêm sau đó, một số lán trại đã bị đốt cháy.
Ngoài ra, đã có 8 người di cư Iran đã tự dùng kim chỉ khâu miệng để phản đối chiến dịch của quân đội chính phủ.
Trại tị nạn "Jungle" này là nơi hàng nghìn người di cư trốn chạy chiến tranh và nghèo đói đến từ Trung Đông và châu Phi tạm trú chờ cơ hội tới Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền tự làm, hoặc qua tuyến đường hầm Eurotunnel.
Theo giới chức địa phương, hiện có khoảng 3.700 người di cư tạm trú tại trại tị nạn này và khoảng 800 tới 1.000 người sẽ phải rời đi theo quyết định mới của tòa án.
Quyết định giải tán khu vực phía Nam của trại tị nạn trước đó đã vấp phải kháng nghị của nhiều tổ chức nhân đạo trong khi nhiều người di cư cũng muốn ở lại đây để đảm bảo khoảng cách gần nhất tới đường hầm Eurotunnel để trốn sang Anh./.