"Thỏa thuận hạt nhân lý tưởng với Iran là phi thực tế"

Tổng thống Mỹ cho rằng thỏa thuận "lý tưởng" nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran như quan điểm của Israel là phi thực tế.
"Thỏa thuận hạt nhân lý tưởng với Iran là phi thực tế" ảnh 1Các nhân viên làm việc tại nhà máy nhiên liệu hạt nhân ở tỉnh Isfahan, Iran ngày 9/4/2009. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 7/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng một thỏa thuận "lý tưởng" nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran theo như quan điểm của Israel là mục tiêu phi thực tế.

Phát biểu tại diễn đàn Saban của Viện Brookings ở Washington, Tổng thống Obama nêu rõ việc đạt được thỏa thuận với Iran là khả thi và khẩn thiết vì đạt được thỏa thuận vẫn tốt hơn là các phương án khác.

Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ có thể bao gồm các biện pháp an toàn và có thể xác minh để đảm bảo rằng Tehran không thể chế tạo bom hạt nhân. Đơn cử, thỏa thuận sẽ cho phép Iran làm giàu urani ở mức "rất khiêm tốn" như một phần trong chương trình hạt nhân hòa bình đặt dưới sự giám sát kỹ lưỡng của các quan sát viên quốc tế để đảm bảo rằng Tehran không thể đạt tới khả năng "đột phá" cần thiết cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Liên quan tới thỏa thuận đạt được hồi tháng trước giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc), ông Obama khẳng định thỏa thuận này không bao gồm "quyền làm giàu urani."

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 7/12, người phát ngôn Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết Tehran đang tiếp tục thử nghiệm công nghệ làm giàu urani mới hiệu quả hơn, động thái có thể gây quan ngại cho các cường quốc P5+1 vốn muốn kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran.

Mặc dù diễn biến mới này không vi phạm thỏa thuận tạm thời giữa Iran và P5+1 song vẫn có khả năng gây quan ngại cho phương Tây vì urani được làm giàu nồng độ cao (trên 20%) có thể được sử dụng để chế tạo lõi phân hạch cho bom nguyên tử.

Ngày 24/11 vừa qua, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Iran. Theo thỏa thuận, Iran sẽ ngừng làm giàu urani trên mức 5% trong vòng 6 tháng và đổi lại, Mỹ sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Ngoài ra, tất cả các vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran sẽ được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của IAEA.

Các bên cũng nhất trí trong vòng 6 tháng tới sẽ tích cực đàm phán để đi tới thỏa thuận toàn diện cuối cùng. Trong thời gian này, Iran sẽ ngừng xây dựng lò phản ứng tại Arak, đồng thời chấp thuận để IAEA tiến hành một loạt biện pháp thanh sát bổ sung. Đây được xem là bước đột phá đầu tiên sau nỗ lực gần một thập kỷ qua của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết những tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục