Thời báo Washington: Ai đang thắng ở Afghanistan?

Trong năm qua, mặc dù Mỹ triển khai thêm 30.000 quân tại Afghanistan, nhưng con số thương vong của lính Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục tăng mạnh và có xu hướng tăng tiếp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, so với một năm trước đây, lực lượng Mỹ và đồng minh cũng đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc đẩy lùi lực lượng Taliban về các cứ điểm, đặc biệt ở hai tỉnh Helmand và Kandahar, nơi được coi là sào huyệt và trung tâm kiểm soát ma túy của Taliban
"Thời báo Washington", Mỹ, ngày 17/8 đăng bài viết của tác giả Oliver North nhận định về những thay đổi diễn ra tại Afghanistan trong một năm qua với tựa đề "Ai đang thắng ở Afghanistan?".

Theo bài viết, trong năm qua, mặc dù Mỹ triển khai thêm 30.000 quân tại Afghanistan, đưa tổng số lính Mỹ tại đây lên 62.000 người và tổng số quân trong Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) lần đầu tiên kể từ năm 2001 vượt quá con số 100.000 người nhưng con số thương vong của lính Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục tăng mạnh và có xu hướng tăng tiếp trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy trong tháng 7/2009, có 76 binh sĩ liên quân đã tử trận, trong đó có 45 lính Mỹ. Con số này trong tháng 8 chắc chắn sẽ cao hơn, vì theo Tư lệnh lực lượng NATO tại Kabul, Tướng Stanley McChrystal, tỷ lệ thương vong của quân Mỹ và đồng minh sẽ tăng cùng với việc tăng số quân đồng minh và cường độ các cuộc chiến tại chiến trường Nam Á này.

Tuy nhiên, so với một năm trước đây, lực lượng Mỹ và đồng minh cũng đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc đẩy lùi lực lượng Taliban về các cứ điểm, đặc biệt ở hai tỉnh Helmand và Kandahar, nơi được coi là sào huyệt và trung tâm kiểm soát ma túy của Taliban và gần như không có sự hiện diện của quân chính phủ cũng như lực lượng ISAF trong nhiều năm qua.

Trong tháng trước, binh lính Mỹ và lực lượng an ninh Afghanistan cũng đã mở hai chiến dịch tấn công lớn vào phía Nam tỉnh Helmand và Kandahar trước sự chống cự quyết liệt của các tay súng Taliban.

Không chỉ phản kháng các cuộc tấn công của quân đội Mỹ và lực lượng an ninh chính phủ, Taliban cũng đang tìm mọi cách phá vỡ cuộc bầu cử tổng thống và hội đồng tỉnh thành diễn ra vào ngày 20/8 tới. Trong cuộc bầu cử này, 17 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn 420 ghế hội đồng lập pháp cấp tỉnh trong tổng số hơn 3.000 ứng cử viên. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử đang vấp phải những trở ngại lớn do sự chống phá quyết liệt của Taliban, đặc biệt ở khu vực của người Pashtun.

Theo Lữ đoàn viễn chinh số 2 lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, trong cuộc tấn công vào thung lũng sông Helmand tuần trước, họ đã "chạm trán" lực lượng Taliban được trang bị khá tốt. Để ngăn cản chính quyền tổ chức bầu cử, các tay súng Taliban đã sử dụng bom, súng cối, rốckét, súng phóng lựu, vũ khí tự động và súng bắn tỉa.

Trước những diễn biến này, có thể nhận thấy tình hình ở Afghanistan sẽ chưa thể lắng dịu sau bầu cử.

Theo quy định bầu cử của Afghanistan, người thắng cử phải giành được trên 50% số phiếu bầu, nếu không sẽ phải tiến hành vòng bầu cử thứ hai giữa hai người có số phiếu cao nhất tại vòng một. Mặc dù hiện nay đương kim Tổng thống Hamid Karzai đang dẫn đầu trong số 38 ứng cử viên tổng thống nhưng Liên minh Pashtun-Tajik của ông khó giành đủ số phiếu cần thiết để có thể tránh cuộc bầu cử vòng hai, dự kiến vào tháng 10 tới.

Theo kế hoạch, quân đội Mỹ đặt mục tiêu trong năm nay sẽ giành lại quyền kiểm soát ở những khu vực sản xuất ma túy từ tay Taliban. Đây là một sứ mệnh quan trọng vì nó sẽ giúp "chặn đứng" nguồn tài chính hỗ trợ các hoạt động của Taliban và hiện đang có triển vọng thành công rất cao, có thể nói là cao nhất từ năm 2001, vì hầu hết ma túy sẽ được vận chuyển qua biên giới tới Pakistan trong khi chính phủ Pakistan cũng đang đẩy mạnh chiến dịch trấn áp Taliban tại khu vực này. Dù có những thuận lợi song việc thực hiện mục tiêu trên cũng không hẳn dễ dàng.

Một Tư lệnh quân đội Mỹ cho biết thách thức lớn nhất trong hoạt động tác chiến hiện nay là công tác bảo đảm hậu cần. Hiện Afghanistan mới chỉ có một đường cao tốc cùng một số ít căn cứ không quân nên khó có thể bảo đảm tiếp vận hiệu quả.

Ngoài ra, còn một khó khăn nữa là việc thu phục “trái tim và khối óc” của các sắc tộc thiểu số. Để làm được điều này, chính phủ cũng như các lực lượng đồng minh phải đẩy mạnh công tác huấn luyện và trang bị cho thêm 100.000 cảnh sát và binh sỹ Afghanistan nữa, để họ có đủ khả năng tự bảo vệ an ninh đất nước. Vì chỉ khi nào các lực lượng an ninh Afghanistan làm được điều đó thì Mỹ và đồng minh mới thực sự giành chiến thắng trước tàn quân Taliban./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục