Thời tiết bất lợi, người nuôi Artemia tại Bạc Liêu gặp khó khăn

Nếu như cùng thời điểm này năm trước, nông dân đã thu hoạch trứng Artemia và có lợi nhuận, năm nay nhiều diện tích gần đến ngày thu hoạch bị thiệt hại do mưa trái mùa.
Thời tiết bất lợi, người nuôi Artemia tại Bạc Liêu gặp khó khăn ảnh 1Ông Âu Minh An, Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Nuôi trồng Thủy sản Thuận Thành, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển Artemia. (Ảnh: TTXVN phát)

Mưa trái mùa, trời âm u, ít nắng, độ mặn thấp… là những khó khăn mà người dân nuôi Artemia ven biển của tỉnh Bạc Liêu đang đối mặt trong vụ mùa 2022-2023.

Nếu như cùng thời điểm này năm trước, nông dân đã thu hoạch trứng Artemia và có lợi nhuận, năm nay nhiều diện tích gần đến ngày thu hoạch bị thiệt hại do mưa trái mùa.

Artemia là tên của một loài giáp xác nhỏ sống ở những vùng nước mặn có biên độ mặn rộng. Artemia có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng làm thức ăn cho tôm cá giai đoạn mới sinh trưởng.

Ông Lâm Hoàng Dũng, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình cho biết mùa vụ Artemia thường bắt đầu khi mùa mưa kết thúc (khoảng cuối tháng 11 Âm lịch) là các hộ dân bắt đầu cải tạo ao, bơm trữ nước và khi nước có đủ độ mặn sẽ thả giống, đến cuối tháng Chạp là có thể thu hoạch được trứng.

Thế nhưng, năm nay do độ mặn thấp, sự chênh lệch nhiệt độ giữ ngày và đêm cao, trời ít nắng cùng với những cơn mưa trái mùa đã làm chậm tiến độ thả nuôi Artemia của nông dân gần 2 tháng. Không chỉ vậy, sau mỗi cơn mưa trái mùa, người nuôi lại tốn công để bơm tác, cải tạo lại ao nuôi. Chi phí sản xuất vì thế cũng tăng lên, người nuôi Artemia khó lại càng thêm khó.

Ông Âu Minh An, Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Nuôi trồng Thủy sản Thuận Thành, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình cho biết hợp tác xã có 14 năm nuôi Artemia. Từ vài hecta ban đầu, đến nay đã phát triển lên 60ha.

[Bạc Liêu hướng tới mục tiêu xuất khẩu tôm 1 tỷ USD trong năm 2023]

Nhận xét về mùa vụ nuôi Artemia năm 2022-2023, ông An chia sẻ từ khi nuôi loài giáp xác này đến nay, chưa có năm nào thời tiết lại bất lợi đến vậy. Hiện tại chỉ mới có 3/28 xã viên của hợp tác xã thả được giống Artemia.

Anh Huỳnh Minh Sang, một trong 3 trường hợp đầu tiên thả giống cho biết, đã cải tạo 5ha, thả giống sớm là nhờ trữ nước mặn từ vụ trước. Dù vậy, gần đến ngày thu hoạch bị mưa trái mùa làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cũng như năng suất trứng. “Năm trước thời điểm này gia đình thu hoạch trên 600kg trứng Artemia, vậy mà năm nay đến thời điểm hiện tại chỉ thu được trên 50kg trứng. Nếu thời tiết tiếp tục bất lợi người nuôi Artermia thua lỗ là cái chắc,” anh Sang bộc bạch.

Tỉnh Bạc Liêu có gần 300ha nuôi Artermia tập trung ở khu vực ven biển của các huyện Hòa Bình, Đông Hải và thành phố Bạc Liêu. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu, nghề nuôi Artemia không khó nhưng để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần đảm bảo nhiều yếu tố. Bên cạnh vốn đầu tư, quy trình, kỹ thuật nuôi, thì thời tiết là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của vụ nuôi.

Những năm trước, thời tiết thuận lợi, năng suất thu hoạch Artemia trung bình đạt 66-80 kg/ha, lợi nhuận mà người nuôi thu được đạt 50-70 triệu đồng/ha. Nuôi Artemia đã trở thành nghề mang lại hiệu quả kinh tế khá cao tại Bạc Liêu, thể hiện qua số lượng hộ nuôi ngày càng tăng, diện tích nuôi cũng không ngừng được mở rộng.

Ông Lưu Hoàng Em, hộ nuôi Artemia ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải cho biết sau khi kết thúc vụ nuôi Artemia, có thể cải tạo ao để nuôi tôm, cá kèo. Nhiều nông dân rất thành công khi áp dụng mô hình này, vì chất lượng môi trường nước trong quá trình nuôi Artemia rất thích hợp để tôm, cá kèo phát triển.

Trở lại với vụ nuôi năm 2022-2023, thời điểm này giá Artermia trung bình từ 1,1-1,2 triệu đồng/kg, cao hơn 200.000 đến 300.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, nhưng nông dân lại không có để bán.

“Nếu như thời tiết cứ tiếp tục biến đổi thất thường, mất mùa là điều khó tránh khỏi. Như vậy, nông dân sẽ không có vốn để đầu tư vụ sản xuất năm sau cũng như đảm bảo cuộc sống của gia đình. Tình trạng này kéo dài, người nuôi Artermia chắc sẽ bỏ nghề," ông Trần Thanh Mừng, người có hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi Artemia ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình buồn bã than thở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục