Sáng 23/11, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng đoàn kiểm tra số 892 của Ban Bí thư đã chủ trì Hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, thực hiện Chương trình kiểm tra số 97 ngày 19/4/2023 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Chương trình kiểm tra năm 2023, Thường trực Ban Bí thư có Quyết định số 892 về việc kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa."
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Trong số đó, tập trung vào nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm đối với Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao.
Thực hiện quyết định này, Đoàn đã có Kế hoạch số 22 để triển khai. Sau khi thực hiện kiểm tra, xác minh 7 đơn vị trực thuộc, Đoàn đã dự thảo báo cáo kết luận kiểm tra. Báo cáo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục kiểm tra của Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư, Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng cảm ơn Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao, đặc biệt là các đơn vị trực thuộc đã phối hợp, tạo điều kiện cho Đoàn thực hiện nhiệm vụ.
Báo cáo của Đoàn kiểm tra cho thấy Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; quán triệt và triển khai Kết luận số 21 đối với cán bộ, đảng viên trong cơ quan Tòa án Nhân dân Tối cao, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.
Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao yêu cầu Tòa án Nhân dân các cấp thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt và triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.
Đồng thời, tập trung xây dựng, chỉnh đốn tổ chức, cán bộ, bộ máy và hoạt động của Tòa án nhân dân bảo đảm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án Nhân dân.
Thực hiện nghiêm các quy định về công tác tài chính, xây dựng cơ bản, các dự án đầu tư trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi tiêu cực, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.
Tòa án Nhân dân đã kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái; tiến hành đồng thời việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc, các vụ án tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế, đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc liên quan.
Tại Hội nghị, Đoàn kiểm tra và Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao đã trao đổi, giải trình và thống nhất các nội dung dự thảo kết luận. Dự thảo kết luận sẽ được hoàn thiện, gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổng hợp chung trong 10 đoàn kiểm tra theo chỉ đạo của Ban Bí thư đối với công tác này.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Tòa án Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cảm ơn Đoàn kiểm tra đã có những đánh giá phù hợp với tình hình thực tế, cả những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; tiếp thu các ý kiến góp ý của Đoàn kiểm tra.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ngành Tòa án đổi mới rất mạnh mẽ. Hằng tháng ngành tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tới 800 điểm cầu để bồi dưỡng nghiệp vụ cho hệ thống tòa án, báo cáo viên là các giáo sư trong và ngoài nước.
Việc làm này có tính lan tỏa rất lớn, không chỉ nâng cao kiến thức cho hệ thống tòa án mà còn có rất nhiều luật sư, kiểm sát viên, công an tham gia. Chánh án các nước cho rằng Việt Nam là nước duy nhất làm được việc này. Đây là cách làm độc đáo.
Tòa án cũng là tổ chức đầu tiên thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các chủ trương lớn về cải cách tư pháp được ghi trong Nghị quyết 27 đã được thể chế hóa bằng Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).
Chánh án Nguyễn Hòa Bình mong muốn Quốc hội ủng hộ tinh thần đổi mới, sớm thông qua Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý đổi mới hơn nữa tiến trình cải cách tư pháp và thực hiện Nghị quyết 27./.