Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 13/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và Luật Thỏa thuận quốc tế.
Quy định chặt chẽ nguyên tắc thu tiền dịch vụ
Đối với Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,19% tổng số đại biểu Quốc hội) trong đó 450 đại biểu tán thành (bằng 93,36% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật gồm 8 chương, 74 điều quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Trước đó, theo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định người lao động phải trả tiền dịch vụ.
[Thúc đẩy quyền lợi của lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài]
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Về lâu dài, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam, các doanh nghiệp dịch vụ cũng cần nâng cao năng lực quản lý, khả năng cạnh tranh để khai thác thị trường, đàm phán, ký kết được các hợp đồng cung ứng lao động có chất lượng, giảm tối đa chi phí tiền dịch vụ cho người lao động và tiến tới người lao động không phải chi trả tiền dịch vụ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo tinh thần khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Trước mắt, để việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn được triển khai bình thường, quy định về tiền dịch vụ vẫn được tiếp tục.
Tuy nhiên, để bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 23 theo hướng làm rõ hơn về tiền dịch vụ (tại khoản 1); quy định chặt chẽ các nguyên tắc thu tiền dịch vụ (tại khoản 2) trong đó có quy định trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ hai bên đã thỏa thuận; quy định mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp được thu từ người lao động (tại khoản 4). Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung điểm n khoản 2 Điều 19 nội dung về “Tiền dịch vụ được bên nước ngoài tiếp nhận lao động chi trả” vào nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động.
Giới hạn phạm vi Ủy ban Nhân dân cấp xã ký thỏa thuận quốc tế
Đối với Luật Thỏa thuận quốc tế, 458 đại biểu đã tham gia biểu quyết (bằng 95,02% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 456 đại biểu tán thành (bằng 94,61% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật gồm 7 chương, 52 điều quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Luật này không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật về dân sự; hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Luật Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Vấn đề bên ký kết Việt Nam (khoản 2 Điều 2) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại các phiên thảo luận trước đó. Theo đó, một số ý kiến thống nhất cao, ủng hộ Ủy ban Nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới được ký thỏa thuận quốc tế trong một số lĩnh vực cụ thể, phù hợp với năng lực và khả năng thực thi. Một số ý kiến còn băn khoăn, đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban Nhân dân cấp xã.
Giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo số liệu thống kê đến tháng 10/2020, nước ta có 428 xã ở khu vực biên giới trên đất liền (với Lào 157 xã, Campuchia 112 xã và Trung Quốc 159 xã).
Ủy ban Nhân dân cấp xã ở khu vực này đã ký 67 văn bản với các xã bên kia biên giới, trong đó có 63 thỏa thuận quốc tế với Lào, 4 thỏa thuận quốc tế với Trung Quốc.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và nhằm bảo đảm phù hợp với năng lực, chặt chẽ về pháp lý, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn phạm vi và nội dung Ủy ban Nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới được ký thỏa thuận quốc tế gồm: giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo Luật giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban Nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới, phù hợp với Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272 ngày 21/1/2015 của Bộ Chính trị khóa XI.
Để bảo đảm áp dụng thống nhất việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc trên phạm vi cả nước, trong đó có Ủy ban Nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục ký kết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao nghiên cứu, xây dựng cẩm nang, mẫu ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban Nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới./.