Hộ lý, điều dưỡng Việt Nam được đánh giá cao khi làm việc tại Nhật Bản

Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên hộ lý của các nước khác.
Các ứng viên điều dưỡng Việt Nam học tiếng Nhật trước khi sang nước bạn làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các ứng viên điều dưỡng Việt Nam học tiếng Nhật trước khi sang nước bạn làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ứng viên điều dưỡng và hộ lý của Việt Nam làm việc tại Nhật Bản luôn được các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của bạn đánh giá cao về tính cần mẫn, nhiệt tình trong công việc. Năng lực chuyên môn và trình độ tiếng Nhật của các ứng viên có thể đảm đương được công việc mà nhân viên điều dưỡng, hộ lý người Nhật Bản đang làm.

Thông tin này được đại diện phía Nhật Bản khẳng định tại hội nghị “Sơ kết thực hiện Chương trình hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2012-2019” do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức sáng nay 12/11 tại Hà Nội.

Các ứng viên Việt Nam vượt trội

Chương trình đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản được triển khai theo khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản từ năm 2012. Trong 7 năm triển khai, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các đơn vị đối tác tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật cho 8 khóa điều dưỡng và hộ lý, với 1.670 ứng viên. Trong đó, đã có 1.340 ứng viên của 7 khóa đã được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “ Nhật Bản là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đã và đang đưa người lao động đến làm việc, trong đó hợp tác đưa hộ lý, điều dưỡng Việt điều dưỡng viên Việt Nam sang Nhật Bản theo Hiệp định VJEPA được xem là một điểm sáng trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mang lại hiệu quả cao, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.”

[Tuyển hộ lý sang Nhật Bản làm việc, lương hơn 36 triệu đồng mỗi tháng]

Sau 7 năm triển khai, chương trình còn những tồn tại như một số ứng viên bỏ dở khi chưa hết hợp đồng hay nhu cầu của Nhật Bản về điều dưỡng và hộ lý từ Việt Nam ngày càng tăng nhưng số lượng tuyển chọn chưa được nhiều… Tuy nhiên, mục tiêu chính của Chương trình là ứng viên điều dưỡng và hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản phải thi đạt chứng chỉ điều dưỡng hộ lý quốc gia sau một thời gian nhất định làm việc tại Nhật Bản đã đạt được. 

Hộ lý, điều dưỡng Việt Nam được đánh giá cao khi làm việc tại Nhật Bản ảnh 1

Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên hộ lý của các nước khác với tỷ lệ thi đạt Chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản rất cao: 37% đối với ứng viên điều dưỡng và 91 % đối với ứng viên hộ lý, trong khi đó ứng viên của các nước khác chỉ đạt tỷ lệ khoảng hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với ứng viên hộ lý.

Nhu cầu tuyển điều dưỡng, hộ lý vẫn cao

Ứng viên điều dưỡng hộ lý Việt Nam luôn được các cơ sở tiếp nhận đánh giá cao về tính cần mẫn nhiệt tình trong công việc, năng lực chuyên môn, trình độ tiếng Nhật và có thể đảm đương được công việc mà nhân viên điều dưỡng hộ lý Nhật Bản đang làm.

Chính vì vậy, nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng hộ lý Việt Nam từ các cơ sở tiếp nhận luôn cao hơn nhiều so với số ứng cử viên được tuyển chọn đào tạo hàng năm. Hiện  nay, các cơ sở y tế của Nhật đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng hộ lý từ Việt Nam.

Hộ lý, điều dưỡng Việt Nam được đánh giá cao khi làm việc tại Nhật Bản ảnh 2Ông Hayashi Mikio, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ những nhận xét về ứng viên điều dưỡng và hộ lý Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ông Hayashi Mikio, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho hay: “Những ý kiến từ các bệnh viện cũng như các cơ sở chăm sóc tại Nhật Bản cho thấy phía bạn đánh giá rất cao điều dưỡng và hộ lý của Việt Nam. Có thể thấy rằng, từ tỷ lệ đỗ rất cao Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản cũng như những đánh giá tốt từ các cơ sở mà ứng viên điều dưỡng, hộ lý đang làm việc thì chúng ta thấy rõ những nỗ lực hợp tác của các cơ quan và hỗ trợ của Chính phủ hai quốc gia, cũng như sự nỗ lực trong đào tạo của các cơ sở tiếng Nhật. Chính phủ Nhật Bản cũng đang đánh giá rất cao những kết quả của chương trình này.”

Để chương trình VJEPA có thể đạt được thành công là do trong công tác thực hiện, hai bên luôn có những thông báo cập nhập tình hình để có ngay được những cải tiến đối với chương trình.

Trong xu hướng hiện nay, có thể thấy rằng các cơ sở tiếp nhận đang tăng số lượng ứng viên. Hiện nay, mới chỉ đáp ứng được số lượng ứng viên nhất định hàng năm chứ chưa đáp ứng được số lượng mà các cơ sở tiếp nhận yêu cầu. Trước tình hình đó, phía Nhật Bản đã đưa ra những cải cách về chế độ, tạo mức độ hấp dẫn cao hơn từ các ứng viên.

Tại hội nghị, ông Hayashi Mikio đã bày tỏ mong muốn hai bên sẽ tích cực hơn nữa, đưa ra những sáng kiến mới để việc tuyển dụng trở nên thuận lợi, có thể tìm kiếm được nhiều ứng viên sang làm việc tại Nhật Bản hơn./.

Việt Nam là quốc gia thứ 3 trong khu vực ASEAN sau Indonesia và Philippines có thỏa thuận đưa điều dưỡng và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Tham gia chương trình, các ứng viên phải hoàn thành khóa đào tạo 12 tháng trong nước; thi đỗ chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N3 trở lên trước khi được tuyển chọn sang làm việc tại Nhật Bản. 

Khi được tuyển chọn sang Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý để có thể ở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản, với mức lương từ 130.000 đến 140.000 yên/tháng, tương đương khoảng 28 đến 30 triệu đồng/tháng với điều dưỡng và 140.000 đến 150.000 yên/tháng, tương đương khoảng 30 - 33 triệu đồng/tháng với hộ lý. Ngoài lương, các ứng viên còn được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục