Thông qua nghị quyết dự toán ngân sách năm 2012

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 740.500 tỷ đồng.
Tiếp tục kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 740.500 tỷ đồng.

Nếu tính cả 22.400 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2011 sang năm 2012 thì tổng số thu cân đối ngân sách là 762.900 tỷ đồng và tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 903.100 tỷ đồng.

Theo đó, mức bội chi ngân sách là 140.200 tỷ đồng tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và dự kiến sẽ phấn đấu tăng thu để giảm bội chi xuống dưới mức 4,8%.

Để đảm bảo thực hiện dự toán hiệu quả, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên cho con người, đảm bảo an sinh xã hội; điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, khuyến khích thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước; phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các luật thuế, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách. Đặc biệt là tăng cường quản lý các khoản chi ngân sách nhà nước, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia, chống thất thoát, lãng phí.

Sau khi thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, các đại biểu tiếp tục thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng toàn quốc.

Về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 , đa số các đại biểu nhất trí với việc không quy hoạch cảng biển, vì với số lượng cảng biển như hiện nay là phù hợp. Đại biểu Huỳnh Thành đề xuất cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch, quy hoạch đất nông nghiệp cũng phải gắn với quy hoạch chung.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị khi thực hiện quy hoạch phải quan tâm đến vấn đề quyền lợi của dân và chính sách đền bù phải thỏa đáng, công bằng.

Đối với dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng, đa phần các đại biểu đều đồng tình với việc cần tăng đầu tư cho mỗi hecta rừng để người dân trồng rừng có thể gắn bó với rừng và sống với nghề rừng, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy đề nghị Chính phủ đầu tư mạnh hơn cho các tỉnh bị ảnh hưởng mạnh mẽ của nước biển dâng và những nơi có độ che phủ rừng thấp đồng thời có những chính sách thuế phù hợp, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng.

Về cơ chế khoán, mặc dù Chính phủ liên tục tăng giá trị đầu tư trên mỗi hecta rừng nhưng thu nhập bình quân của các hộ trồng rừng vẫn rất thấp mới chỉ ở mức 5-6 triệu đồng/năm, như vậy rất khó để người dân gắn bó với rừng và với mức này thì người dân không sống được từ rừng…

Thông qua dự án, hàng năm diện tích rừng liên tục được tăng lên vì vậy, đề nghị cân đối hài hòa giữa lợi ích trồng rừng với lợi ích của đất nước để người dân sống được với nghề trồng rừng. Các đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai)… cũng nhất trí với kiến nghị của đại biểu Nguyễn Thanh Thụy.

Cũng về dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng, thông qua thực tế địa phương, đại biểu Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) đề xuất, hiện đơn giá trồng rừng còn rất thấp, đề nghị phải tăng thêm trượt giá và mức lương tối thiểu theo thời điểm. Về khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng cũng cần có chính sách nâng mức khoán quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ cuộc sống của người dân trồng rừng, nhất là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, trước tình hình khai thác rừng, cần có chế tài nghiêm minh để giữ rừng.

Đại biểu Ngô Thị Mai (Tuyên Quang) cũng nhất trí với báo cáo đánh giá về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, tuy nhiên đại biểu đánh giá dự án vẫn đầu tư dàn trải, phân cấp còn chồng chéo, các mô hình khuyến khích trồng rừng, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, cơ chế chính sách đầu tư còn nặng về hình thức, chưa đầu tư đồng bộ theo hệ thống, do đó chưa gắn chặt được lợi ích của người trồng rừng với rừng, người dân làm nghề rừng chưa yên tâm gắn bó, hăng hái tham gia bảo vệ và phát triển trồng rừng.

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng còn thấp, người dân tham gia trồng rừng phải tự huy động vốn cũng như chưa có chính sách cải thiện sinh kế cho người được giao rừng trong thời gian rừng chưa có sản phẩm vì chu kỳ sinh trưởng của cây công nghiệp dài, phải trải qua nhiều năm mới được hưởng thành quả, vì vậy, Chính phủ cần xem xét để người dân thực sự gắn bó được với rừng./.

Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục