Thông tin, chỉ đạo tốt giúp giảm tác hại của bão

Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các bộ, ban, ngành, bộ đội, công an và chính quyền các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương nỗ lực của các bộ, ban, ngành, các lực lượng Bộ đội, Công an và chính quyền các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, đặc biệt là thực hiện triệt để việc di dời dân ra khỏi những vùng nguy hiểm nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại do bão số 9 gây ra.

Sáng 30/9, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2009, Thủ tướng đánh giá cao việc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương theo dõi sát sao và dự báo một cách chuẩn xác vị trí, hướng di chuyển, tốc độ và cường độ của bão số 9 (Ketsana) kể từ khi "manh nha" từ áp thấp nhiệt đới vào sáng 25/9, cho đến lúc trở thành "siêu bão" đổ bộ vào miền Trung Việt Nam.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến sự chỉ đạo kịp thời từ cấp trung ương đến các địa phương, việc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp vào miền Trung lập Ban Chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 9 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn lập Ban Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng cũng như hai đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng đã vào các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh để phối hợp với các địa phương.

Đối với các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Ngãi, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã yêu cầu khẩn trương sửa chữa, khắc phục những hư hỏng của các hồ chứa do hậu quả đợt mưa từ ngày 23/9-26/9 gây ra và triển khai phương án phòng chống lũ, bão cho các hồ chứa.

Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã chủ động lên phương án và triển khai ngay các biện pháp đối phó với cơn bão mạnh này. Trên tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận hơn 31.000 tàu và hơn 130.000 lao động đã được thông báo biết vị trí, diễn biến của bão số 9 để chủ động di chuyển phòng tránh.

Tuy vậy, với cường độ lến tới cấp 12, giật cấp 13, cấp 14, bão số 9 đã tàn phá nghiêm trọng và gây nên những trận mưa to và rất to ở các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên, nhiều nơi lượng mưa lên đến 600mm làm ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, chỉ tính đến 6 giờ sáng 30/9, bão số 9 đã làm 38 người chết, 10 người mất tích, 81 người bị thương; gần 5.800 nhà bị sập, trôi; nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông; hơn 26 nghìn ha lúa, ngô, hoa màu các loại bị ngập.

Cũng tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk chủ động tập trung mọi nguồn lực, thực hiện các biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả bão, lũ.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; di dời những hộ dân trong vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; có biện pháp bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm nước uống, quần áo cho nhân dân vùng bị cô lập.

Bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định, sau khi bão số 9 tan, do mưa rất to nên nước các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên lên nhanh dẫn đến lũ đột biến trên diện rộng.

Đây là trận lũ lịch sử nghiêm trọng, nhiều nơi hiện nay mực nước đã trên báo động 3, tương đương lũ lịch sử, thậm chí vượt qua đỉnh lũ lịch sử. Nước ở mức báo động 3 và trên báo động 3 khoảng 0,3-0,5 là rất lớn, nhưng hiện có những sông mực nước trên báo động 3 tới 1m.

Trong tháng 10 tới khu vực này vẫn còn lũ, thậm chí lũ kéo dài đến tận cuối tháng 11 ở miền Trung. Do đó, việc chủ động sẵn sàng thực hiện phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" vẫn cần được các tỉnh miền Trung duy trì và phát huy hiệu quả hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục